Tại TP. HCM, một phương pháp cai thuốc lá mới bằng y học cổ truyền là nhĩ châm lên các huyệt trên lỗ tai mới được giới thiệu và được đánh giá là an toàn, hiệu quả cao.

Báo Người lao động đưa tin, sáng 23/11, tại hội thảo khoa học năm 2019, chủ đề “Cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại” được Viện Y dược học dân tộc TP. HCM phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Bộ Y tế) và Hội Đông y TP. HCM tổ chức.

Trên cơ sở kết hợp phương pháp y học cổ truyền và cơ chế tác động đến hệ thần kinh nhằm điều trị hội chứng cai thuốc lá (hay còn gọi là hội chứng thiếu hụt Nicotin). Tại hội thảo, giới y học cổ truyền đưa ra thêm một phương pháp cai thuốc lá mới là nhĩ châm lên các huyệt trên lỗ tai. Mỗi lần dùng 3 đến 4 điểm, gắn miếng nhĩ áp lên các điểm trên tai với liệu trình điều trị là 4 tuần.

Phương pháp cai thuốc này đã được Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương điều trị thử nghiệm trên 180 người. Tại TP. HCM cũng đã nghiên cứu trên 43 người với kết quả ban đầu đạt được 63%. 

Bác sĩ gắn miếng nhĩ áp ở nhiều điểm trên loa tai của bệnh nhân (ảnh bệnh viện Y dược học dân tộc TP HCM cung cấp).

Trao đổi với báo VnExpress, bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Y dược học dân tộc TP. HCM cho biết, người hút thuốc có thể cai nghiện thành công bằng phương pháp y học cổ truyền như nhĩ châm, thể châm, xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh, thuốc y học cổ truyền…

Trong đó, phương pháp nhĩ châm thường được lựa chọn vì có thể lưu kim trong vòng vài ngày để kéo dài tác dụng châm cứu.

Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế tác dụng của nhĩ châm là điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương cơ thể.

Trước khi thực hiện, người bệnh được tư vấn tâm lý và cam kết cai thuốc lá vì sự quyết tâm của người hút thuốc lá. Đây vẫn luôn là điều then chốt của mọi phương pháp cai nghiện. Sau đó bệnh nhân được châm cứu vào các huyệt ở tai bao gồm yết hầu, phế, thần môn, nội tiết.

Thuốc lá gây ảnh hưởng đối với người hút và những người xung quanh khi hít phải khói thuốc (ảnh do Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh Long An cung cấp).

Khi châm kim vào các huyệt này, cơ thể sẽ phóng thích chất beta-endorphin giúp người nghiện thuốc lá vượt qua cảm giác thèm thuốc, bứt rứt, chán ăn, mất ngủ, lo âu, đau đầu. Nếu người cai nghiện xuất hiện cảm giác thèm hút, muốn hút hoặc có cảm giác khó chịu khác thì dùng tay ấn vào những điểm đã gắn miếng nhĩ áp trên loa tai của mình trong vòng 5 đến 10 giây.

Bác sĩ Lan cho biết, liệu pháp này không áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc dễ bị sảy thai. Nhĩ châm cũng không khuyến khích đối với bệnh nhân tai bị sưng tấy, loét, eczema. Không dùng cho người bị bệnh nặng hoặc thiếu máu nặng.

Việc cai thuốc lá sẽ giúp giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân và người xung quanh khỏi bị ảnh hưởng bởi độc hại của khói thuốc. Người sử dụng thuốc lá càng lâu, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày càng nhiều thì khi cai thuốc sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy càng cần đến sự hỗ trợ tinh thần từ người thân, cộng thêm các biện pháp y học sẽ giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện thành công.

Video xem thêm: Tác Hại Của Thuốc Lá

videoinfo__video3.dkn.tv||740ff6035__