Ăn uống sai cách là nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày Bạn có thể loại bỏ các triệu chứng khó chịu của căn bệnh này bằng cách tuân thủ các quy tắc như ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ, đủ lượng…
Bệnh lý về dạ dày rất phổ biến, cứ 5 người thì có 1 người gặp phải vấn đề dạ dày và đường tiêu hóa. Dưới đây là một số bệnh về dạ dày thường gặp:
– Viêm loét dạ dày – tá tràng: Đứng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa và càng ngày gia tăng tại Việt Nam. Khoảng 20% bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng hầu như không có triệu chứng và chỉ phát hiện khi bệnh đã có biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị.
– Trào ngược dạ dày – thực quản: Không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như nóng rát sau xướng ức, ợ chua, nôn, nuốt khó… mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư.
– Ung thư dạ dày: Đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới, có tỷ lệ tử vong cao thứ 2 sau ung thư phổi, với khoảng 800.000 ca mới mắc/năm. Ung thư dạ dày khó phát hiện sớm vì triệu chứng khá âm thầm trong giai đoạn đầu.
Những thói quen tốt để bảo vệ dạ dày
1. Ăn chậm, nhai kỹ
Việc ăn chậm, nhai kỹ giúp thức ăn được nhào trộn nhiều và thấm enzyme, làm giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Hơn nữa, nhai kỹ sẽ làm tăng hàm lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng, giúp bảo vệ hiệu quả niêm mạc dạ dày.
2. Ăn đúng giờ, đủ lượng
Nên ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, đồng thời duy trì thói quen ăn đúng giờ. Không nên để quá đói hoặc quá no, bởi khi đó dạ dày sẽ tiết ra nhiều axit, gây ảnh hưởng không tốt tới hoạt động tiêu hóa.
3. Ăn ở nhiệt độ vừa phải
Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh đều có hại cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Nếu thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh sẽ gây kích thích mạnh lên niêm mạc dạ dày, lâu dần sẽ dẫn đến những biến đổi không tốt lên dạ dày.
4. Uống nước đúng lúc
Thời điểm uống nước tốt nhất là sau khi ngủ dậy vào sáng sớm và 1 giờ trước khi ăn. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, dễ gây ra chứng đau dạ dày Tương tự, uống quá nhiều nước canh trong khi ăn cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tiêu hóa, hấp thu của cơ thể.
5. Ăn ít thực phẩm ngâm muối
Các thực phẩm như dưa, cà muối, mắm, cá khô… chứa nhiều muối cũng làm cho dạ dày hoạt động vất vả hơn. Hơn nữa, chúng còn chứa một số chất có hại cho sức khỏe.
6. Không hút thuốc
Thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu niêm mạc dạ dày và ức chế dạ dày bài tiết chất nhầy. Thuốc lá còn có thể thúc đẩy trào ngược dạ dày tá tràng trầm trọng hơn. Từ đó, cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị phá vỡ dẫn đến nhiều bệnh lý viêm, loét, thậm chí ung thư
7. Tập trung khi ăn uống
Hạn chế sử dụng điện thoại, xem TV, chơi game… trong khi ăn vì sẽ khiến tư tưởng bị phân tán, làm giảm vị ngon của món ăn, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của dạ dày, thậm chí có thể khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn nghiêm trọng.
Tổng Hợp