Mỗi khi bị chó cắn thì điều người bị cắn lo lắng nhất là mắc bệnh dại, đặc biệt là vào mùa hè thời điểm dịch dại dễ bùng phát. Quả vậy, nếu chẳng may bị lây bệnh dại thì có thể gây tử vong 100% khi phát bệnh hoàn toàn, nhưng nhiều người vẫn chủ quan. Vậy khi lỡ bị chó cắn bạn cần xử trí như thế nào?

Bệnh dại là gì?

Đây là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút tấn công hệ thần kinh trung ương gây nên, dẫn đến tử vong 100% nếu không tiêm phòng sau khi bị chó, mèo mang vi-rút dại cắn.

Bị chó cắn, sơ cứu như thế nào?

Sơ cứu vết thương đúng cách có thể làm giảm thiểu lượng virus xâm nhập nếu có.

Vết thương cần được rửa và dội ngay lập tức với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod, nếu có.

Những điều không nên làm với vết cắn:

  • Không sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm.
  • Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Khi nào cần tiêm phòng vắc-xin dại?

Nếu bị chó cắn, sau khi sơ cứu bạn cần đến các cơ sở y tế có tiêm phòng dại (như trung tâm y tế dự phòng) để được tư vấn một cách chính xác nhất về cách xử trí. Cần bắt nhốt lại chó để theo dõi, không được vì tức giận mà đánh chết chó.

Sau khi khám và hỏi kỹ, các bác sĩ sẽ có chỉ định là tiêm vắc-xin hay không.

Trường hợp cần tiêm ngay:

  • Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.
  • Vết cắn ở gần thần kinh trung ương hay nơi có nhiều dây thần kinh như đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.
  • Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.
  • Không theo dõi được con vật.
  • Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.

Trường hợp cần theo dõi thêm:

  • Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương, tại nơi có ít dây thần kinh và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 15 ngày.
  • Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm vắc-xin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm vắc-xin.

Chó dại có biểu hiện như thế nào?

Các biểu hiện đặc thù ở chó dại là những sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó, chẳng hạn như:

  • Cắn lung tung, dễ bị kích động
  • Ăn, cắn những thứ khác thường
  • Chạy mà không có lý do rõ ràng, thích trốn vào chỗ tối, sợ âm thanh, ánh sáng
  • Thay đổi trong âm thanh, ví dụ sủa khàn và gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng
  • Tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép – nhưng sợ nước (chứng sợ nước).

Tuy nhiên, chó ở thời kỳ ủ bệnh chưa thể hiện ra triệu chứng cũng đã có thể lây truyền bệnh dại. Vì vậy sau khi bị chó không có biểu hiện dại cắn, bạn vẫn cần phải theo dõi chó.

Bỏ túi những điều trên cũng đủ để giúp bạn tránh được bệnh dại. Còn dưới đây là một số thông tin hữu ích khác về căn bệnh này.

Bệnh dại lây truyền như thế nào?

Vi-rút dại xâm nhập vào hệ thần kinh của động vật có vú. Bệnh chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của động vật bị dại khi cắn hoặc cào trầy xước một ai đó. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng và mũi của người.

Ăn thịt động vật mắc dại có bị lây nhiễm bệnh?

Nếu sử dụng thịt sống từ động vật bị bệnh thì cần phải tiêm vắc-xin phòng dại. Thịt nấu chín không truyền bệnh dại. Tuy nhiên, không nên dùng thịt từ động vật bị nhiễm bệnh, nhất là trong khi hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm và lây nhiễm bệnh của người dân còn kém.

Bệnh dại có điều trị được không?

Khi bị nhiễm virus dại, sẽ có hai thời kỳ là thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ toàn phát. Khi đến thời kỳ toàn phát thì tỷ lệ tử vong gần như là 100% mà chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên thế giới.

Thuốc Nam có chữa được bệnh dại?

Hiện chưa có bài thuốc Nam nào được công nhận chính thức là phòng và chữa được bệnh dại.

Đại Hải

Xem thêm: