Điện thoại, máy vi tính, wifi làm thay đổi cơ bản cuộc sống và tiện nghi nhưng theo thời gian, các phát minh phi tự nhiên đang dần bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là khi người dùng quá đam mê và lệ thuộc vào nó.

1. Nỗi sợ chia cắt “điện thoại”

Ảnh: baomoi.com

Nỗi sợ điện thoại cũng tương tự như tâm lý lo âu khi trẻ nhỏ lạc mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết họ nhận thấy hội chứng “ám ảnh không điện thoại” đang ngày cảng ảnh hưởng đến nhiều người trẻ hơn. Các triệu chứng bao gồm lo âu, rối trí xảy ra khi bạn bị chia cắt khỏi chiếc điện thoại hoặc khi điện thoại không thể cập nhật thông tin. Thậm chí các chuyên gia còn so sánh hội chứng này với nghiện cờ bạc. Nếu không để ý, có lẽ bản thân người dùng cũng khó nhận ra mình đang mắc hội chứng này.

2. Nguy cơ vô sinh

Thử nghiệm cho thấy trường điện từ mạnh phát ra từ điện thoại, laptop khiến mẫu tinh trùng giảm đáng kể khả năng di động và khả năng sinh trưởng. Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý cần thêm nhiều nghiên cứu để có kết luận chắc chắn. Bên cạnh đó thói quen đặt laptop lên đùi khi sử dụng khiến tinh trùng không đạt được điều kiện nhiệt độ tối ưu. Vì nhiệt độ lý tưởng cho các “tinh binh” sống khỏe là 35 độ, tức là thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể từ khoảng 2 độ.

Trong trường hợp cảm thấy lo ngại, nam giới không nên để điện thoại trong túi quần hay trong bao đeo điện thoại ngang lưng, đồng thời tránh đặt laptop lên đùi khi sử dụng.

3. Hội chứng thị giác màn hình

Ảnh: aFamily

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn thích đọc sách giấy hơn đọc sách điện tử. Thực tế khi bạn nhìn màn hình nhiều giờ đồng hồ sẽ có thể gặp hội chứng màn hình máy tính, bao gồm căng mắt, đau đầu, nhìn mờ. Để giảm nhẹ các triệu chứng, bạn nên giảm độ sáng màn hình, không quên chớp mắt và có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

4. Đau tê ngón tay

Các chuyên gia về tay cho biết họ quan sát thấy tỷ lệ viêm gân ngón tay ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do thời lượng sử dụng điện thoại và máy tính nhiều lên. Các dấu hiệu cảnh báo là ngứa như kiến bò hay tê ngón tay. Nếu bạn có các biểu hiện trên thì nên dành thêm thời gian nghỉ ngơi cho đôi tay và áp dụng các liệu pháp vật lý trị liệu được tư vấn bởi các chuyên gia.

5. Tổn thương thần kinh

Ảnh: hellodoctors.vn

Dù thiết bị của bạn có “thông minh” hay không cũng có thể gây nên tình trạng này. Khi khuỷu tay ở tư thế gấp trong thời gian lâu, thần kinh ở tay sẽ bị tổn thương. Dần dần sẽ khiến tay bị yếu, ảnh hưởng đến chức năng của tay như mở nắp chai, viết chữ, đánh máy v.v. Bạn có thể dễ nhận thấy cảm giác tê, khó chịu ở tay nếu đưa điện thoại lên tai để tỉ tê hàng chục phút. Để khắc phục bạn có thể đổi tay hoặc sử dụng tai nghe để tránh phải gập khuỷu lâu.

6. Ung thư

Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại sóng điện từ tần số radio phát ra từ các thiết bị như modem wifi, điện thoại vào nhóm 2B, tức là nhóm có khả năng gây ung thư. Phân loại dựa trên bằng chứng, mặc dù còn hạn chế, về khả năng tăng nguy cơ u não trong những người dùng điện thoại di động thường xuyên và thời gian dài.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để phòng nguy cơ ung thư bạn nên sử dụng chức năng loa ngoài, hoặc dùng tai nghe có mic để đàm thoại thời gian dài. Đồng thời hạn chế trẻ nhỏ sử dụng điện thoại di động (và các thiết bị có thu phát sóng điện từ như máy tính bảng).

7. “Say” công nghệ

Say công nghệ không phải đam mê công nghệ, mà là xuất hiện các triệu chứng tương tự say xe. Các chuyên gia phát hiện một số người xem phim 3D, xem tivi, lướt web quá lâu hay xuất hiện triệu chứng nôn, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi, mệt mỏi. Đặc biệt say công nghệ hay xuất hiện khi bạn xem những hình ảnh chuyển động nhanh như những pha đua xe được gói gọn trong màn hình, hoặc cuộn trang web quá nhanh. Nghiên cứu cho thấy say công nghệ ảnh hưởng 50-80% người dùng, phái nữ hay gặp hơn nam giới.

8. Hội chứng ống cổ tay

Ảnh: Hello Bacsi

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người dành nhiều thời lượng cho điện thoại, máy tính bảng, chơi game (trên 5 tiếng mỗi ngày) hay bị đau, tê tay và cổ tay. Nguyên nhân là do cổ tay phải hoạt động liên tục hoặc bị giữ ở tư thể sai, làm thần kinh tại vùng cổ tay bị tổn thương. Hội chứng ống cổ tay được điều trị bằng biện pháp nghỉ ngơi, dùng thuốc, nặng hơn phải phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh.

9. Lối sống thụ động

Từ trả lời email, lướt web đến ngồi nhà xem tivi, mọi người đang dành phần lớn thời gian ngồi và sử dụng công nghệ. Công nghệ càng xâm nhập nhiều vào đời sống, thì thời gian chúng ta ngồi càng tăng.

Điều này đặc biệt đáng chú ý khi các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm bệnh tim mạch, mỡ máu, đột quỵ, tiểu đường và một số loại ung thư nhất định có liên quan đến lối sống thụ động, ngồi lâu. Biện pháp khắc phục đơn giản nhất chính là đừng để công nghệ chiếm mất quỹ thời gian rảnh của bạn, thay vào đó bạn nên tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời như đi dạo, chơi thể thao, picnic v.v.

10. Rối loạn giấc ngủ

Ảnh: kknews.cc

Công nghệ sẽ làm xáo trộn giấc ngủ, một biện pháp nghỉ ngơi quan trọng nhất của con người. Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, tivi sẽ ảnh hưởng đến sự tiết melatonin, một hooc-môn liên quan giấc ngủ, từ đó gây mất ngủ và ngủ kém ngon giấc. Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên nhìn vào màn hình điện tử khoảng hai tiếng trước giờ ngủ. Trong thời gian này, thay vì lướt web, chơi game bạn có thể quây quần trò chuyện cùng gia đình, bạn bè hay đọc sách và thưởng thức những bản nhạc du dương.

11. Đau cổ

Tư thế cúi đầu nhìn điện thoại cả ngày tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế làm tăng thêm nhiều gánh nặng lên chiếc cổ mảnh mai. Ở tư thế này, cổ phải gồng mình chịu thêm 4-6 kg so với tư thể cổ thẳng. Càng cúi lâu, các cơ tại cổ phải co nhiều nhiều và dẫn đến đau cổ, căng cơ.

12. Suy giảm thính lực

Ảnh: giadinh.net.vn

Chiếc tai nghe có thể đem lại cho bạn sự riêng tư, cảm nhận âm thanh chất lượng, nhưng lại là thói quen hủy hoại thính giác. Theo Phó giáo Sư Aaron Moberly thuộc trung tâm y học Wexner bang Ohio, Hoa Kỳ thì tai nghe truyền tải âm thành trực tiếp đến sát màng nhĩ. Dùng tai nghe kéo dài có thể gây tổn thương tai, thậm chí là mất khả năng nghe. Ông khuyến cáo người sử dụng tai nghe nên đặt âm lượng ở mức thấp hoặc nhỏ hơn 50%.

13. Nổi ban

Nếu bạn đặt laptop quá lâu trên đùi có thể gây ban đỏ do tiếp xúc với nhiệt. Các triệu chứng có thể từ nhẹ như ban đỏ biến mất sau nhiều ngày đến nặng như đổi màu da nghiêm trọng tồn tại vĩnh viễn.

Theo RD
Đại Hải