Bạn đang muốn trồng một cây xanh để tăng thêm yếu tố Mộc cho phong thuỷ ngôi nhà của mình và để căn nhà có thêm sức sống? Một số cây cảnh vừa có ý nghĩa phong thuỷ lại có lợi ích sức khoẻ như lọc không khí, xua muỗi, hấp thụ tia tử ngoại… mà bạn có thể tham khảo.

Đa số các loại cây này cần ít ánh sáng và tưới nước nên không mất công chăm sóc. Hơn nữa chúng còn hấp thụ carbon dioxide (CO2) và giải phóng oxy (một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp oxy của hầu hết các cây) nên rất thích hợp để trồng trong phòng.

1. Cây lan ý

Lan ý hút các khí độc và tia bức xạ có hại (Ảnh: qua suckhoe.vnecdn.net)

Nghiên cứu cho thấy cây lan ý có khả năng làm sạch không khí nhờ công dụng lọc các chất độc như aceton, benzen, formldehyd, trichloroethylen. Đặt chậu cây này trong nhà giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tia bức xạ phát ra từ tivi, điện thoại, lò vi sóng, tủ lạnh…

Trong phong thủy, loài hoa này có tác dụng cân bằng trường khí, hấp thu nguồn năng lượng xung khắc, tạo nên không gian yên bình và hòa hợp.

2. Kim tiền

Được coi là loại cây ‘phú quý’, có tác dụng chiêu tài nên kim tiền rất thích hợp làm quà tặng trong những dịp mừng lễ, tết, thăng chức, khai trương. (Ảnh: Eva)

Kim tiền được coi là loại cây phú quý có tác dụng chiêu tài. Chọn cây có thân xanh tươi, dày chắc, phiến lá hoàn chỉnh, đặc biệt cây đã nở hoa sẽ mang lại nhiều “lộc” nhất. Nên đặt kim tiền ở hướng Đông, Đông – Nam trong nhà, phòng họp, văn phòng…

3. Cây dây nhện

Cây dây nhện được ví như một chiếc máy lọc bụi mini tự nhiên (Ảnh: kvartblog.ru)

Cây dây nhện còn có tên khác là : Lục thảo trổ, Cỏ mệnh môn, Luyến khách, có tên khoa học là: Chlorophytum comosum. Tên tiếng Anh: Spider plant, vì cách thức mọc của nó như những chú nhện giăng tơ.

Cây nhện là loại cây cảnh có khả năng hấp thu ô nhiễm rất lớn, có thể hấp thu, làm sạch hết những khí có hại trong nhà trong một thời gian ngắn. Vậy nên người ta ví nó như một chiếc máy lọc bụi mini tự nhiên. Nó còn có thể chuyển hóa chất khí gây ung thư trong không khí như Aldehyde formic thành đường và amoni acid. Thân cây nhện có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm nhuận phổi, tiêu sưng tán viêm.

Nên đặt cây ở những vị trí nhiều bụi bẩn như cửa sổ, ban công, lối ra vào, nhà bếp. Cây dây nhện có ý nghĩa là mang đến hy vọng.

4. Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ tượng trưng cho sức mạnh cá nhân, biểu tượng cho sự mạnh mẽ của loài hổ (Ảnh: aFamily)

Cây lưỡi hổ còn gọi là lưỡi cọp, có khả năng hấp thụ các khí độc lơ lửng trong không khí như nitrogen oxide, formaldehyde. Đặt cây này phòng của bạn, không gian luôn thoáng mát, giảm căng thẳng.

Trong phong thủy, cây lưỡi hổ tượng trưng cho sức mạnh cá nhân, biểu tượng cho sự mạnh mẽ của loài hổ. Ngoài ra còn chống tà khí, đẩy lùi điều xấu, mang lại yên bình và may mắn cho gia đình.

5. Lô hội

Cây lô hội có thân phát triển hướng lên trên với ý nghĩa mang đến sức mạnh, có tác dụng hóa giải hình sát mạnh bên ngoài. (Ảnh: vietq.vn)

Cây lô hội còn có các tên gọi khác như: cây nha đam, la hội, lao vỹ, tượng can… vừa có tác dụng làm đẹp vừa chữa bệnh đau đầu, chóng mặt, tiêu hóa kém. Cây lô hội có khả năng thanh lọc không khí, giải phóng oxy, hút các khí có hại cho cơ thế như: cacbondioxit (CO), Andehyde formic, cacbonic, lưu huỳnh oxit. Ngoài ra nó còn có tác dụng  hút bụi bẩn, tiêu diệt các loài vi khuẩn trong không khí.

Cây lô hội có cả lá và hoa rất thích hợp để làm cảnh, nên đặt ở những nơi có nhiều ánh sáng nhưng không chiếu trực tiếp như phòng khách, phòng ngủ, tạo màu xanh cho ngôi nhà, văn phòng.

Hình dáng cây thân phát triển hướng lên trên với ý nghĩa mang đến sức mạnh, có tác dụng hóa giải hình sát mạnh bên ngoài.

6. Cây sen đá Phật bà

Cây sen đá Phật bà có hình toà sen của các vị Phật, Bồ Tát thường ngồi (Ảnh qua: cayxinh.com)

Cây sen phật bà hay còn gọi là liên đài thuộc họ thuốc bỏng ( Crassualaceae ), là cây lâu năm, mọng nước.

Là một trong những loại sen đá có nhiều lá nhất, như Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay nên nó mang lại tài lộc và may mắn cho gia đình. Ngoài ra, nó còn là biểu tượng cho sự kiên cường, lòng từ bi.

Sen phật bà phù hợp trang trí bàn cưới, cà phê, bàn làm việc, góc học tập, bàn tiếp khách ở các khách sạn, góc riêng….

7. Cây phong lữ

10 cây cảnh làm thay đổi vận khí ngôi nhà lại tốt về mặt sức khoẻ (Ảnh: Caycanhthanglong.vn)

Hoa phong lữ có nhiều màu sắc khác nhau đầy lôi cuốn, hoa được ưa chuộng bởi màu sắc và hương rất thơm. Phong lữ thường được trồng ở ban công hoặc trước cửa nhà.

Mùi hương của cây phong lữ giúp tăng cường sự tỉnh táo nhạy bén trí não. Loại thảo mộc này là gia vị cho món ăn chế biến từ gà hay cá có tác dụng kích thích tiêu hoá và cải thiện hệ thống miễn dịch.

Với đặc tính chịu lạnh cao và cho hoa vào mùa đông nên loài phong lữ thảo là loại cây điển hình để xoá đi sự u ám và lãnh lẽo vào mùa đông.

8. Cây ngũ gia bì

Trong phong thủy cây ngũ gia bì giúp gia chủ phát triển vững vàng (Ảnh: Phunutoday.vn)

Cây ngũ gia bì hay còn có tên gọi khác là cây chân chim bảy lá, cây sâm non, sâm nam là một trong những loại cây quý có thể chữa được bệnh đau khớp, cây còn có tác dụng đuổi muỗi, làm sạch không gian.

Trong phong thủy cây ngũ gia bì giúp gia chủ phát triển vững vàng, cũng có thể ổn định tài vận, giữ được tiền tài. Cây phù hợp để bàn, trang trí nội thất, bàn làm việc, quán cà phê, bàn lễ tân…

 9. Thiết mộc lan

Cây mang lại tài vận dồi dào như tên cây: phát lộc, phát tài (Ảnh: Internet)

Thiết mộc lan hay còn gọi là phát lộc, phát tài hay phất dụ thơm có tên khoa học là Dracaena fragrans, thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae).

Theo ngũ hành, thiết mộc lan thích hợp với hướng Đông hoặc Đông Nam của ngôi nhà. Ở những hướng này sẽ tụ nhiều ánh sáng, đại diện cho Mộc trong ngũ hành mang đến vượng khí và may mắn cho gia chủ. Cây mang lại tài vận dồi dào vì “cái tên đã nói lên tất cả”.

Ngoài ý nghĩa về phong thủy, thiết mộc lan còn có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của con người. Đặt cây trong nhà sẽ giúp thanh lọc không khí, mang đến cho bạn sự sảng khoái.

10. Thường xuân

Thường xuân xanh tốt quanh năm, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, mang lại may mắn, bình an cho con người (Ảnh: Amazon.com)

Thường xuân có tên khác là trường xuân, vạn niên hay nguyệt quế. Cây làm trong sạch không khí, loại bỏ 80% khí độc như benzen, phenol, chất nicotin có trong khói thuốc lá, là vị thuốc trị ho.

Cây có ý nghĩa tốt về mặt phong thủy, được dùng làm cảnh trong tư gia, văn phòng, công viên ngoài trời, khách sạn… Thường xuân xanh tốt quanh năm, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, mang lại may mắn, bình an cho con người.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm: 

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.