Nếu bạn sống ở một nơi không có nguồn thực phẩm tươi giàu dinh dưỡng, không có truyền thống trồng trọt canh tác hay nguồn lao động sản xuất nông nghiệp, thế thì bạn sẽ làm gì để cải thiện tình trạng sức khỏe cho cộng đồng bạn đang sống? Hãy xem những gì mục sư Joyner đã làm trong việc truyền cảm hứng để phát triển nguồn thực phẩm tươi ở địa phương.

Mặc dù thực phẩm dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe chúng ta, nhưng không phải địa phương nào trên thế giới cũng xem đây là vấn đề lớn cần được quan tâm và khắc phục.

Thị trấn Conetoe thuộc tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ, nằm ở khu vực được xem là “sa mạc thực phẩm”, khi nơi này rất khó tìm thấy các loại thực phẩm tươi giàu chất dinh dưỡng. Các cửa hàng tạp hóa gần nhất cách đó hơn 10 dặm, và có quá nhiều các vấn đề về sức khỏe liên quan đến thực phẩm dinh dưỡng như chế độ ăn dùng nhiều chất chiên, chất béo, đường, muối, ít rau…

Tuy vậy, nơi đây đã có một sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” nhờ vào sáng kiến của một người có kinh nghiệm, kiến thức về trồng trọt, có khả năng hướng dẫn và truyền cảm hứng, trên tất cả ông có sự quan tâm đến tình trạng sức khỏe của cộng đồng, đó là mục sư địa phương Richard Joyner.  

 

Mục sư Richard Joyner, người truyền cảm hứng cho việc phát triển thực phẩm tươi. (Ảnh: Modernfarmer)

Cần một sự thay đổi

Thị trấn Conetoe là một cộng đồng chủ yếu gồm các cư dân người Mỹ gốc Phi, cách thủ phủ Raleigh của bang Bắc Carolina 75 dặm về phía đông. Nơi đây chỉ có một bưu điện, một tòa thị chính, và một cửa hàng nhỏ.

Mục sư Joyner lớn lên gần đó, ở vùng ngoại ô của thành phố Greenville, cùng với cha mẹ ông là những người nông dân thuê đất để canh tác. Joyner muốn thoát khỏi cuộc sống nông thôn, ông gia nhập Quân đội Hoa Kỳ, sau đó là Vệ binh Quốc gia, rồi ông trở lại học về thần học tại Đại học Shaw, làm giáo sĩ tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Nash trong hơn 20 năm. 

(Ảnh: Modernfarmer)

Ông trở thành mục sư thuộc nhà thờ Conetoe Chapel Missionary Baptist tại thị trấn Conetoe theo yêu cầu của vị cựu mục sư nơi này, người cố vấn cho Joyner và đã qua đời ở độ tuổi trên 90.

Vào năm 2005, ông nhận thấy mình đã làm lễ hơn 30 đám tang cho những người từ 32 tuổi trở xuống, phần lớn là do bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng khác liên quan đến chế độ ăn uống kém. Điều này không còn là một vấn đề nhỏ nữa. 

Vùng nông thôn Hạt Edgecombe có một số bang có tỷ lệ béo phì, tiểu đường và nghiện rượu cao nhất. Khi tận mắt nhìn thấy tình huống này, mục sư Joyner cảm thấy bị thúc đẩy phải làm điều gì đó, ông nói: 

“Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cái chết đau lòng mà có thể được ngăn chặn bởi chế độ dinh dưỡng hợp lý và việc giáo dục chăm sóc sức khỏe“.

Giảng về giá trị của thực phẩm tươi

Trong các buổi giảng của nhà thờ với gần 300 thành viên tham dự, mục sư Joyner đã dành thời gian để giảng về giá trị của thực phẩm tươi. Ông cũng bắt đầu mở một khu vườn cộng đồng nhỏ, được chăm sóc bởi các thành viên trẻ nhất của nhà thờ. 

Từ nỗ lực phát triển đó, khu vườn ngày càng sản xuất nhiều thực phẩm hơn nữa, từng bước giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho một khu vực ít tiềm năng về thực phẩm tươi như nơi đây. Mục sư Joyner cho biết: 

“Những gì các học sinh và mọi người trong cộng đồng cần học là làm sao tận dụng những gì mình có, đó là toàn bộ đất đai và sức lao động của chính chúng ta. Làm thế nào sản xuất ra những thực phẩm “bền vững” tốt nhất để chúng ta có thể sử dụng chúng?”

Ảnh: ourstate.com

Joyner đặc biệt quan tâm đến giới trẻ vì ông thấy được khả năng và cơ hội giáo dục họ theo lối sống lành mạnh hơn. Thêm vào đó, ông tin rằng việc thay đổi thói quen ở những người trẻ tuổi trở nên dễ dàng hơn, sau đó họ có thể hướng dẫn lại cho cha mẹ mình.

Mục sư bắt đầu hướng dẫn các học sinh, trong độ tuổi từ 4 đến 16, ở bất cứ nơi nào có thể. Chẳng hạn, một nhóm các học sinh lớn đã chọn việc nuôi ong và bán khoai tây vỏ tím, sau khi thực hiện một số nghiên cứu về cách các loại sản phẩm này dễ dàng phát triển và có giá bán hợp lý.

Ông Joyner nhấn mạnh: “Một khi được trao cơ hội, các em sẽ có những cách nghĩ khác rất nhiều so với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta cần học cách ngừng suy nghĩ thay cho bọn trẻ và để chúng tự do sáng tạo”.

Sau tám năm, một nhóm 60 học sinh đã tổ chức trồng được 25 mẫu rau, tạo 130 tổ ong trong các chương trình sau giờ học và mùa hè, các em cũng học nấu các món ăn lành mạnh, học kinh doanh và lãnh đạo.

Thực phẩm ở đây được tặng cho các gia đình địa phương, được bán tại các chợ nông sản. Số tiền thu được sẽ đưa vào chương trình hoặc hướng tới việc cấp các loại học bổng. Hơn 20 nhà thờ khác ở địa phương đã cùng tham gia vào nỗ lực chung này.

Truyền cảm hứng cho phong cách sống lành mạnh và sáng tạo

Mặc dù không thích làm nông khi còn nhỏ, nhưng mục sư Joyner lại có kiến ​​thức cần thiết. Ông nói: “Khi từng sống trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, bạn sẽ biết phải nuôi trồng thứ gì, vào khi nào và làm như thế nào. Những gì mà thế hệ trước thậm chí không nghĩ đến đã trở thành một loại “nghệ thuật tiềm ẩn” cho thế hệ con em chúng ta”.

Ở Trung tâm Cuộc Sống Gia Đình Conetoe, có một căn phòng phía sau chứa đầy những ý tưởng của các học sinh được viết trên những quyển sổ ghi chú khổng lồ, đó là kế hoạch cho những mảnh vườn, thông tin về các cửa hàng có thể bán sản phẩm của họ, sơ đồ về cách ong sản xuất mật ong,…

Để hỗ trợ tối đa hoạt động của các em học sinh, mục sinh Joyner đã sử dụng các kết nối của riêng mình để giúp truyền bá những nỗ lực này đến các nhà thờ trong khu vực và các khu vực khác. Trong một chương trình hợp tác, các sinh viên Conetoe đã trao đổi rau tươi để lấy cá tươi của khu vực các đảo Outer Banks.

Mùa hè của học sinh ở đây rất có ý nghĩa khi các em bắt đầu những ngày ở trại hè bằng chương trình chạy bộ, hít đất trước khi đi làm vườn, làm việc ở trường hoặc các kỹ năng xã hội khác.

Ảnh: nashccnews.com

Mục sư Joyner kể lại: “Điều rất tốt là các em cùng làm việc chăm chỉ, 60 học sinh trong khuôn viên trường này mang đến rất nhiều năng lượng để hoàn thành công việc”.

Các hoạt động ở đây đều là tình nguyện. Hầu hết đất trồng được trao tặng hoặc được các chủ đất địa phương bán lại với giá rẻ. Các học sinh cũng học được một loạt các kỹ năng thực tế, từ việc đo khoảng cách giữa các nhà máy đến việc quảng bá sản phẩm của họ. Các em thích ý tưởng sản xuất mật ong vì những con ong cũng sẽ giúp thụ phấn cho cây trồng.

Vào cuối tuần, các gia đình có thể thu hoạch tất cả các loại thực phẩm họ muốn miễn là bọn trẻ có sản xuất chúng. Mục sư Joyner cho biết rằng với thu nhập trung bình của hộ gia đình chỉ gần 2.000 đô la/ tháng, việc sử dụng thực phẩm này có thể giúp họ tiết kiệm đáng kể.

Hạnh phúc là khi biết cách “cho đi”

“Công trình” thực phẩm tươi của mục sư Joyner đã mang lại cho ông giải thưởng Mục đích quốc gia năm 2014 dành cho những người trên 60 tuổi đang thực hiện thay đổi tích cực theo những cách sáng tạo. Người đề cử mục sư Joyner cho giải thưởng trên, bà Mikki Saager, phó chủ tịch Quỹ Bảo tồn và giám đốc chương trình Những Cộng Đồng Tích Cực, cho biết: 

“Công việc của ông ấy thực sự đáng được quốc gia chú ý vì mang lại hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe mãn tính, cải thiện dinh dưỡng, hiệu quả giáo dục giới trẻ, tăng tính lãnh đạo và tạo ra một cộng đồng vững mạnh”.

Ảnh: members.discoveredgecombe.com

Những người biết Joyner từ trước với tư cách là một nhà thuyết giáo và nhà hoạt động cộng đồng đã không bày tỏ sự ngạc nhiên trước thành công này của ông. Doris Stith, giám đốc tổ chức Làm Giàu Cộng Đồng, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giới trẻ ở thị trấn Tarboro, Bắc Carolina, cho biết: 

“Mục sư Joyner luôn là người có tầm nhìn xa. Trước hết, ông ấy là một người của cộng đồng và không bao giờ lùi bước trước những khó khăn. Ông ấy luôn luôn làm việc với mọi người, định hướng những gì đang diễn ra, sử dụng các kỹ năng của mọi người để biến mọi thứ thành hiện thực”.

Với mục sư Richard Joyner, triết lý của ông đơn giản là:

Những đứa trẻ cảm thấy thực sự tốt khi làm được điều gì đó cho cộng đồng và mang gì đó về nhà cho cha mẹ mình, các em có thể cảm nhận được hạnh phúc của việc cho đi hơn là nhận được cho riêng mình.

videoinfo__video3.dkn.tv||410003a16__