Hanson và Amanda, một cặp vợ chồng trẻ tuổi người Mỹ đã phải cố gắng rất nhiều trong hai năm rưỡi để có thể có con. Họ đã phải dùng đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Và cuối cùng, sự nhẫn nại của họ được đền đáp. Amanda có thai và mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ.
Cặp vợ chồng 34 tuổi này đã chuẩn bị tất cả để đón em bé chào đời. Hanson và Amanda đã mua rất nhiều gấu bông, những bộ quần áo xinh xắn và một chiếc nôi thật chắc chắn cho con. Mọi thứ đều đã sẵn sàng để chờ đón cậu chủ nhỏ.
Ngày 6 tháng 4 năm 2013, tại bệnh viện St.Luke’s, Amanda đã hạ sinh con trai đầu lòng Klayton dưới sự trợ giúp của bác sĩ Bryan Hodges.
Amanda và bác sĩ Hodges đã đưa cậu bé Klayton ra khỏi bụng mẹ an toàn, tất cả mọi người đều hồi hộp chờ đợi tiếng khóc – dấu hiệu sinh tồn đầu tiên của những đứa trẻ mới chào đời. Nhưng nhiều phút đã trôi qua, cả căn phòng vẫn chìm trong im lặng. Ngay lập tức, các bác sĩ đều đã tới để cấp cứu cho cậu bé. Mọi sự háo hức chờ đợi lúc ấy đã chuyển thành hồi hộp lo lắng.
Cậu bé bị hít phải phân xu trong nước ối, và không thể thở.
Khi các bác sĩ giúp Klayton thở lại, thì não của bé đã chết do thiếu oxy trong một thời gian dài. Klayton chỉ ở lại với cha mẹ 6 ngày ngắn ngủi, không một tiếng khóc, không một lần cha mẹ nhìn thấy đôi mắt em mở ra nhìn họ.
Amanda và Hanson đã rất khó khăn để chấp nhận sự thật. Nhưng họ không muốn con tới với thế giới này một cách vô ích, nên hai người đã hiến nội tạng của con cho hai đứa trẻ khác.
Bác sĩ Hodges cũng đã khóc cùng cha mẹ Klayton, bởi với ông, từ khi bắt đầu sự nghiệp (năm 2002), đây là lần đầu tiên một sinh linh bé bỏng do ông đỡ đầu qua đời. Hodges chia sẻ rằng mình sẽ không thể quên giây phút ấy, ông cảm nhận được sự sống thật quá mong manh, và con đường để có được thân người khó khăn biết nhường nào. Em đã tới thế giới này rồi nhưng cũng không thể ở lại.
Tưởng chừng như Hanson và Amanda phải mất thêm một thời gian dài nữa mới có thể vượt qua được mất mát này. Và tưởng chừng như rất lâu nữa họ mới sẵn sàng để lại bước lên cuộc hành trình “trở thành cha mẹ”. Nhưng Thượng Đế luôn có những an bài của riêng Ngài, ba tháng sau, Amanda quay lại phòng khám và phát hiện ra điều kì diệu, cô có thai.
Vui mừng, lo sợ, bối rối đan xen. Tin vui này đến quá bất ngờ, khiến Hanson và Amanda vừa hạnh phúc, vừa lo lắng. Họ rất muốn có con nhưng hơn hết thảy, họ sợ sẽ có chuyện xấu tương tự xảy ra với đứa con thứ hai này.
Họ mời một chuyên gia chụp ảnh tới để ghi lại giây phút chào đời của Karson. Nữ nhiếp ảnh gia đã tâm sự với Amanda rằng cô hãy vững tin, bởi cô đang mang trong mình một “đứa trẻ cầu vồng” – đứa trẻ đến sau một cơn bão lớn.
Ý tưởng đẹp đẽ về đứa trẻ cầu vồng cũng chưa đủ để trấn an ông bố và bà mẹ tương lai. Trong phòng sinh, bầu không khí vô cùng căng thẳng. Mọi người đều hồi hộp chờ đợi. Lần này bác sĩ Hodges vẫn là người đồng hành cùng gia đình Hanson và Amanda. Dường như ai trong thâm tâm cũng vẫn mang nỗi ám ảnh về câu chuyện đau lòng một năm về trước.
Sau rất nhiều cố gắng của người mẹ và bác sĩ, một cậu bé nữa lại được tới với cuộc đời. Mọi người chỉ còn chờ đợi tiếng khóc của em … Cậu bé đã không làm mọi người thất vọng. Khi bác sĩ Hodges bắt đầu cắt dây rốn, bé con bắt đầu khóc, tiếng khóc to dần. Em đã sống.
“Có tôi đây”, bác sĩ Hodges trìu mến trả lời cậu bé, môi ông nở một nụ cười thật tươi, còn mắt thì không ngăn được những giọt lệ hạnh phúc.
Bố em bé đã lặng lẽ ở bên Amanda và bác sĩ Hodges suốt ca sinh. Khi con cất tiếng khóc chào đời, khi nhìn thấy sự xúc động của bác sĩ Hodges, bất giác anh bước tới và trao cho người đồng hành cùng gia đình anh trong bi kịch cũng như trong giờ phút hạnh phúc nhất một cái ôm thật chặt, thật chân tình. Khi ấy, trên tay bác sĩ Hodges vẫn còn nguyên cuống rốn của đứa trẻ “cầu vồng”. Hai người đàn ông to lớn đã khóc trong hạnh phúc vì một sinh mệnh mới đã đến với cuộc đời.
Tấm ảnh “Hai bố và bác sĩ cùng khóc” đã được nữ nhiếp ảnh gia của gia đình ghi lại. Chính bản thân cô cũng cảm thấy xúc động trước niềm vui to lớn của ba con người. Được sự đồng ý của gia đình Hanson, cô đã chia sẻ bức ảnh trên trang Facebook cá nhân. Nó đã nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ và khiến rất nhiều người không thể cầm được nước mắt. Sự đồng cảm của hai người đàn ông trong tấm ảnh ấy đã sưởi ấm trái tim hàng nghìn người. Cư dân mạng sau đó đã gửi những lời chúc mừng gia đình Hanson và lời cảm ơn chân thành đến bác sĩ Hoges.
Cậu bé cầu vồng được đặt tên là Klayton Karson, tên đệm của cậu bé là để tưởng nhớ tới người anh trai không may mắn của em. Nhưng Klayton có lẽ sẽ được an ủi rất nhiều khi biết rằng cha mẹ em vẫn nhớ và vẫn dành tình yêu cho em.
“Chúng tôi vẫn chưa thể vượt qua được. Nhiều lúc nhìn Karson, tôi nghĩ đến giờ này Klayton mà còn sống không biết thằng bé sẽ thế nào nhỉ. Rồi giống như có hàng tấn gạch đè vào bụng tôi khi nghĩ về cái chết của con. Tôi ước gì thằng bé đã có thể ở đây…”, mẹ của hai đứa trẻ chia sẻ trong nước mắt.
Hành trình gian nan của gia đình Hanson và Amanda, sự xúc động của bác sĩ Hodge và hình ảnh cái ôm chân thành của bác sĩ Hodges và Hanson để lại trong lòng những người đọc không chỉ là sự xúc động mà còn cả một thông điệp:
“Một sinh mệnh được sống, được đến với thế giới trong tấm thân người này không hề dễ dàng. Vậy nên, xin mỗi người hãy trân quý bản thân mình. Sự sống của bạn là một điều xúc động sâu sắc với không chỉ cha mẹ bạn mà với chính cuộc đời này.”
Phật Gia vẫn luôn dạy con người rằng: Nhân thân nan đắc – Thân người khó được. Nhưng vì sao việc đắc được thân người lại quan trọng sâu sắc như vậy? Có phải bởi vì được làm người là cơ hội duy nhất để mỗi sinh mệnh thấu hiểu bản chất thực sự của mình, học tập cách yêu thương lẫn nhau, điều mà con người qua hàng ngàn năm nay vẫn không ngừng cố gắng…
Ảnh: Today
Hy Văn tổng hợp
Xem thêm: