William Doyle đến từ thành phố New York, học giả Fulbright năm 2015-2016, là tác giả có nhiều cuốn sách bán chạy của tờ New York Times. Anh hiện là giảng viên trường đại học Eastern Finland của Phần Lan, có con tám tuổi đang học tại một trường công nơi đây. Phóng sự dưới đây của anh đã hé lộ nhiều thông tin về hệ thống giáo dục hàng đầu của đất nước Phần Lan.
Nó không chỉ là “sản phẩm Bắc Âu”
Dành năm phút trong tiết toán lớp 4 của Jussi Hietava ở một vùng nông thôn xa xôi của Phần Lan, là bạn có thể biết được toàn bộ những gì cần biết về cải cách giáo dục. Thay vì kiểm soát, hay thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng, các kỳ thi chuẩn hóa, trường học nặng trang thiết bị kỹ thuật, và trình độ của giáo viên bị buông lỏng, ở đây người ta thấy một bầu không khí ấm áp, phối hợp, giáo viên có chuyên môn cao, thiên về khuyến khích và đánh giá.
Tại trường đại học Normaalikoulou phía Đông Phần Lan ở Joensuu, bạn có thể thấy các sinh viên của Hietava rất háo hức với khái niệm “học theo nhu cầu cá nhân”.
Hietava có hai công việc, một là hướng dẫn đào tạo các giáo viên trẻ, và thứ hai là giáo viên dạy lớp bốn. Anh đã tạo nên một bầu không khí lớp học vô cùng thoải mái. Học sinh lớp bốn của anh được phép đi lại, ngọ nguậy, cười khúc khích nếu muốn. Đó là bản năng sinh học cơ bản của trẻ em ở bất kỳ đâu trên thế giới, cho dù là Phần Lan, Mỹ, hay Châu Á.
Trường học ở Phần Lan tương phản với bầu không khí trong các trường công trong thành phố ở Mỹ. Tại trường của Hietava, giáo viên không bị bó buộc bởi hệ thống hành chính, và các quy định ngặt nghèo. Ngược lại, họ được tạo điều kiện tự do sáng tạo và thử nghiệm phương pháp mới với tư cách là thành viên của một đội ngũ chuyên nghiệp đáng tin cậy.
Cải tiến mới nhất của Hietava chính là thí điểm phương pháp kiểm tra “tự đánh giá”. Theo đó, anh cho phép các em học sinh hàng ngày viết tự thuật về quá trình học tập và tiến bộ của mình. Đồng thời, với khái niệm “đánh giá phản biện”, một khái niệm vô cùng độc đáo mới mẻ, học sinh được hướng dẫn đưa ra những góp ý mang tính xây dựng cho bạn học của mình.
Không giống như ở Mỹ, khi mà rất nhiều người có thể trở thành giáo viên chỉ nhờ vào các khóa đào tạo hè kéo dài trong vòng năm hay sáu tuần, thì ở Phần Lan, không giáo viên nào được phép đứng lớp tại các trường tiểu học Phần Lan mà chưa có bằng thạc sỹ giáo dục, và chuyên môn về nghiên cứu và thực hành trong lớp học. Ngoài ra, bằng này phải được một trong 11 trường hàng đầu về giáo dục của quốc gia cấp.
Năm 2012, trong khi đang giúp người anh hùng nhân quyền James Meredith viết hồi ký “Một nhiệm vụ Chúa giao phó”, nhóm của William đã phỏng vấn một ban các chuyên gia giáo dục giỏi nhất và hỏi ý kiến của họ về việc cải cách hệ thống trường học công của Mỹ.
Một trong các chuyên gia, giáo sư Howard Gardner nổi tiếng của trường Đại học giáo dục sau đại học Harvard nói với chúng tôi: “Hãy học kinh nghiệm của Phần Lan. Nước này có hệ thống trường học hiệu quả nhất, và có rất nhiều thứ họ làm hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đang làm ở Mỹ. Bạn có thể đọc về những thành tựu của Phần Lan trong cuốn Các bài học của người Phần Lan của tác giả Pasi Sahlberg.”
Ông đã đọc cuốn sách và gặp gỡ tác giả Sahlberg, một cựu giáo viên toán người Phần Lan, hiện đang làm giáo sư thỉnh giảng tại trường giáo dục của Harvard.
Sau khi nói chuyện với tác giả, ông quyết định đem con trai tám tuổi của mình đến trải nghiệm hệ thống trường công ở một nơi có hệ thống trường tiểu học lấy trẻ em làm trung tâm, giáo dục dựa trên thực tế, và hiệu quả nhất trên thế giới.
Giờ đây, sau khi theo dõi Jussi Hietava và các nhà giáo dục Phần Lan khác trong năm tháng, ông nhận ra những thành tựu mang tính lịch sử mà Phần Lan đạt được trong việc đem lại một nền giáo dục xuất sắc, và sự công bằng cho trẻ em là kết quả của tình yêu trẻ trên khắp quốc gia, một sự tôn trọng sâu sắc dành cho người thầy, những người có trình độ chuyên môn đáng tin cậy và có hiểu biết sâu sắc về giáo dục trẻ nhỏ thế nào để đạt kết quả tốt nhất.
Trẻ em Phần Lan trong các trường công không chỉ được hướng dẫn học các môn cơ bản như toán, ngôn ngữ, và khoa học mà còn được giáo dục theo hình thức vừa chơi vừa học ngay từ mẫu giáo và nhà trẻ. Các cháu được học thêm một thứ tiếng khác, học nghệ thuật, làm đồ thủ công, âm nhạc, giáo dục thể chất, đạo đức. Điều lạ nhất là chúng được nghỉ giữa giờ ngoài trời bốn lần trong ngày, mỗi lần 15 phút giữa các tiết học, và phải chơi ngoài trời dù thời tiết hôm ấy có lạnh hay ẩm ướt đi chăng nữa. Thầy giáo và cha mẹ cho rằng những giờ nghỉ như vậy sẽ tăng cường động cơ học tập, và thúc đẩy hầu hết các yếu tố quan trọng đối với trẻ trong nhà trường như chức năng thực hiện, mức độ tập trung kinh nghiệm, hành vi, thể trạng, mức độ tham gia, sức khỏe thể chất, và tất nhiên cả điểm kiểm tra.
Khối lượng bài tập về nhà đối với trẻ ở Phần Lan tùy thuộc vào từng giáo viên, nhưng nhìn chung là nhẹ hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Thực tiễn này được chứng minh bởi các nghiên cứu cho thấy rằng khối lượng bài tập về nhà không tỷ lệ thuận với kiến thức thu được đối với trẻ nhỏ dưới bậc trung học.
Nhiều tranh luận cho rằng vì kinh tế-xã hội ở Phần Lan kém đa dạng hơn so với các nước như Mỹ, nên không có nhiều thứ để học. Tuy nhiên, quy mô của Phần Lan, tỷ lệ nhập cư và thu nhập khá giống với nhiều bang ở Hoa Kỳ, nơi áp dụng rất nhiều chính sách giáo dục.
Sẽ thế nào nếu hệ thống giáo dục này trở thành ‘chuẩn hóa’ trên thế giới?
Sẽ thế nào khi những thực tiễn giáo dục của Phần Lan lại là thực tiễn toàn cầu tốt nhất với mức chi phí thấp mà con cái chúng ta đang rất cần, nhất là trẻ em ở các trường có tỷ lệ nghèo cao?
Phần Lan, không giống như bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, có một nền văn hóa đặc thù riêng biệt. Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục và thực tiễn của Mỹ, cho thấy rất nhiều thông tin và kiến thức về giáo dục tiểu học của Phần Lan có thể truyền cảm hứng, được kiểm định và thích nghi bởi các quốc gia khác.
Tuy vậy, hệ thống giáo dục của Phần Lan vẫn chưa ở mức hoàn hảo. Cả trường học và xã hội đều đang gặp phải vấn đề về khoản chi ngân sách khổng lồ cũng như các áp lực xã hội. Tỷ lệ biết đọc của trẻ giảm. Học sinh lớp lớn thấy chán trường. Phần Lan đã khởi phát một chương trình thúc đẩy đắt đỏ và rủi ro cao trên toàn quốc nhằm số hóa, và thiết bị cao hóa giáo dục trẻ nhỏ, mà theo nghiên cứu của OECD gần đây cho thấy việc này cũng không đem lại hiệu quả học tập cho trẻ như mong đợi.
Ngay cả như vậy, hay cho lời kết, tác giả William khẳng định: là bậc cha mẹ hay là bậc cha mẹ trong tương lai, ông đã dành rất nhiều thời gian ở các trường tư uy tín bậc nhất ở New York, cũng như tham quan rất nhiều các lớp học ở trường công trong thành phố, trong hệ thống trường công lớn nhất trên thế giới. Và ông đã bị thuyết phục rằng giáo dục tiểu học mà con ông đang được thụ hưởng tại Normaalikoulu tại Joensuu đã vượt xa bất kỳ hệ thống nào ông từng biết.
Ông đề xuất các nhà nhân đạo, các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, và lập chính sách trên thế giới, nếu muốn cải cách giáo dục cho trẻ nhỏ, xin hãy bắt đầu bằng việc tới thăm Phần Lan, dành thời gian dự giờ lớp học của Jussi Hietava hay bất kỳ tiết học nào ở Phần Lan.
Nếu nghiên cứu hệ thống này một cách thấu đáo và cởi mở, bạn có thể sẽ thấy hình ảnh của một “Trường học tương lai”.
Theo Hechinger report
Lê Anh
Xem thêm: