Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ ai ai cũng có ấn tượng với một việc, một chuyện hay một người nào đó. Những điều này cứ tự nhiên ghi dấu ấn không phai mờ trong tâm trí chúng ta. Tôi cũng vậy, đã trải qua vô số sự việc nhưng có hai chuyện từ thời thiếu niên cứ được khắc sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ khi tôi đã ở vào tuổi trung niên.

Năm tôi 15 tuổi, học cấp hai

Năm đó, tôi 15 tuổi, gia đình chúng tôi chuyển vào sống ở một khu chung cư lạ lẫm, cách trường tôi học xa hơn trước. Mỗi khi ra vào chung cư đều phải xuất trình thẻ. Điều này càng khiến cho một người vốn có tính cẩu thả như tôi phải đau đầu.

Một lần đi tới cửa, tôi cúi khom người xuống và chui qua lan can để đi ra. Lúc này, người bảo vệ với bộ dạng “hằm hằm” nhìn tôi rồi dẫn tôi tới người quản lý khiến tôi vô cùng ghét. Khi gặp họ, tôi cũng không nói ra số nhà, lúc rời đi thậm chí còn dùng ánh mắt khinh miệt mà đi. Quả thực là suốt những năm tháng thời niên thiếu tôi không biết thế nào là “tôn trọng” người khác.

Có một hôm, tôi lại quên mang thẻ ra vào cổng, người bảo vệ lại như thường lệ ngăn tôi lại. Tôi nhịn không được mà lăng mạ rồi nói bậy ầm lên, đem bao nhiêu điều khó chịu đã được tích lũy từ lâu mà xả hết ra. Bác bảo vệ đỏ bừng mặt, rồi nhẹ nhàng giải thích: “Bác xin lỗi, nhưng đây là quy định cháu ạ!” Còn tôi thì chỉ cảm thấy ông ấy là một kẻ tiểu nhân muốn lạm dụng quyền lực mà hiếp đáp người khác. Trong miệng tôi đột nhiên thốt lên hai tiếng “đần độn” rồi đi thẳng, trong lòng có một chút cảm giác hả hê.

Một buổi chiều nọ, tiếng ầm ĩ ở dưới lầu đánh thức giấc ngủ trưa của tôi. Tôi ngó qua cửa sổ, thì ra là một người đàn ông trung niên đang mắng bác bảo vệ kia, vẻ mặt giữ tợn. Bác bảo vệ nghe chừng bất lực nhìn xung quanh, mồ hôi toát ra.

Hóa ra, bác bảo vệ mỗi ngày đều bị nhiều người mắng chửi thậm tệ như vậy, và tôi là một trong số đó…

Một ngày khác, tôi cố ý mang theo thẻ ra vào và còn rẽ vào siêu thị mua hai lon cô ca rồi đưa cho bác bảo vệ. Ban đầu bác ấy không chịu nhận, nhưng vì tôi thuyết phục nên cuối cùng cũng nhận và để ở bên cạnh. Từ sau lần đó, mỗi lần bác bảo vệ gặp tôi thì lại nở một nụ cười.

Vào thời điểm tết năm đó, trời mưa. Một mình bác bảo vệ đứng ở bên cạnh trạm gác, lúc thì ngẩng đầu lên nhìn trời, khi lại nhìn ra rất xa. Ở trạm gác không có máy tính, không có điện thoại, thế nhưng bác từng ngày từng ngày đều ở đó, kiên trì.

Cảnh tượng ấy đọng lại trong ký ức thời niên thiếu của tôi.

Tôi nghĩ, bác nhất định cũng có cha mẹ, con cái và cả người vợ nữa. Hóa ra, một người đã vì bao người khác mà đứng vững ở đó ngày này qua ngày khác, hết mùa hè nóng bức rồi lại qua mùa đông lạnh giá…Một cảm giác kính trọng xen lẫn nuối tiếc chợt tràn ngập trong lòng tôi.

Cho dù sau này gia đình tôi đã dọn nhà nhiều lần, nhưng tôi luôn hình dung ra được bóng dáng của bác ấy từ những người khác.

Năm 17 tuổi, học cấp ba

Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi rời xa gia đình, cha mẹ đến học tại trường trung học trong thành phố. Ở đây việc ăn uống của tôi rất đơn giản, có khi tôi ăn ngay tại ven đường rồi về.

Tôi thường xuyên vào một quán bán bánh ven đường để mua đồ ăn.

Tôi nhớ bác bán bánh có một cậu con trai. Hàng ngày cứ 6 giờ tối là cậu bé lại tới sạp hàng này của cha, có lúc dùng chiếc ghế nhựa nhỏ để làm bài tập, đôi khi lại chơi với mấy bông hoa nhỏ hay khi mệt quá sẽ gối đầu lên chiếc cặp sách nhỏ mà ngủ. Cậu bé không hề huyên náo hay ầm ĩ.

Có một lần trời tối, tôi đi ngang qua quán bánh kia, chứng kiến một đôi nam nữ đang mắng chửi ầm ầm vì cậu bé để keo hồ dán lung tung và họ giẫm phải. Cha cậu bé xin lỗi với vẻ mặt khắc khổ. Còn cậu bé bị đám đông người tới xem vây xung quanh, sợ hãi và túm góc áo cha.

Hai người một nam, một nữ sau khi mắng chửi xong liền rời đi và đám đông sau đó cũng tản ra. Cha cậu bé ngồi yên lặng trên ghế, có lẽ là bị mất thể diện cũng có lẽ là trong lòng thấy xót xa và tủi cực. Ông nhìn cậu con trai rồi đưa tay vuốt lên đầu cậu và nói mấy lời giống như là an ủi: “Không sao, không sao!” Cậu bé bò lên đùi cha, dùng bàn tay nhỏ bé vỗ vỗ vào lưng cha, hai môi cắn chặt có vẻ như cố gắng kìm nén để cha không biết.

Khoảnh khắc đó, trong lòng tôi cảm thấy chua xót.

Tôi chợt nhớ tới cha tôi, chúng tôi thường ít chia sẻ cùng nhau. Cho dù là khi cha tôi ở vào tình cảnh khó khăn nhất dường như tôi cũng chưa từng ôm cha hay an ủi cha như vậy…

Từ đó trở đi, tôi luôn gọi điện thoại về nhà cho dù không có việc gì, bởi vì tôi biết rằng nếu chờ đến lúc tôi trưởng thành thì có lẽ cha mẹ đã già cả rồi.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: