Khi nói về Nhật Bản, người ta sẽ nghĩ ngay tới một xã hội hiện đại và hoàn hảo với sự vực dậy thần kì sau thảm họa, phong cách làm việc chuyên nghiệp của một thế hệ kỷ cương, nền kinh tế phát triển bền vững trong bảng vàng thế giới… Vậy nhưng, đằng sau những hình ảnh đẹp như mơ đó là rất nhiều góc tối khiến người ta không khỏi bàng hoàng, kinh hãi.

Những người trẻ và sở thích tự biệt giam

Có một thế hệ thanh niên Nhật Bản được người ta gọi bằng cái tên “lost generation” (thế hệ lạc lối) hoặc “những người trẻ vô hình”, người Nhật gọi họ là “Hikikomori”. Họ là những người trẻ nhưng không còn khả năng đối mặt với xã hội; không đi học, đi làm, hay có bất kỳ giao tiếp nào với xã hội bên ngoài. Những thanh niên này tự khóa mình trong phòng, từ chối bước ra ngoài thế giới và cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong một vòng tuần hoàn ăn, ngủ, chơi game, lướt Internet. 

Điều đáng buồn hơn nữa là những Hikikomori này bao gồm cả những thanh niên ưu tú của đất nước. Họ không hề ngu dốt, thậm chí theo Yusuke Takatsuka (bác sĩ tâm lý học thường xuyên chữa trị cho các Hikikomori), khi ông tiếp xúc với họ, ông cảm thấy số lượng những người có khả năng tư duy và phản biện tốt không hề ít. Họ nắm rất vững nhiều điều đang diễn ra trên thế giới, chỉ đơn giản là, họ không muốn giao tiếp với ai.

Những người trẻ lạc lối ngay trong chính thế hệ của mình. (Ảnh: lemonde.fr)

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu tại Nhật vẫn tranh cãi với nhau rất nhiều về số lượng hikikomori thực tế trong xã hội Nhật. Năm 2007, bác sỹ tâm lý người Nhật Tamaki Saito với kinh nghiệm 40 năm điều trị tâm lý khẳng định, từ số lượng những ca điều trị tâm lý mà ông đã thực hiện trong cuộc đời làm nghề của mình, số lượng hikikomori trong xã hội Nhật ước khoảng 1 triệu người, tức là khoảng gần 1% dân số Nhật.Tuy nhiên, trên thực tế, cực khó để có được những con số thực sự chính xác về số lượng hikikomori bởi truyền thông cũng như giới chức Nhật thường né tránh điều này, bởi đây là một góc tối không ai muốn nhắc tới.

Dân tị nạn tại tiệm Internet

Bên cạnh những hikikomori tự biệt giam, xã hội Nhật Bản cũng tồn tại những người luôn kìm hãm bản thân trong tiệm net. Họ không chỉ là những thanh niên trẻ đang tuổi đôi mươi mà có cả những người tóc đã điểm bạc 30, 40. Họ cũng không phải ngồi lì ở tiệm Internet để chơi game, mà về cơ bản họ coi đây là những nhà trọ.

Dân tị nạn trong những tiệm Internet không chỉ là những thanh niên trẻ đang tuổi đôi mươi mà có cả những người tóc đã điểm bạc. (Ảnh: lemonde.fr)

Các quán cà phê Internet này có thiết kế như phòng riêng. Chính vì thế, nó trở thành nơi trú ngụ của những người không có một mái nhà để che đầu giữa lòng thành phố đắt đỏ: Một buồng vừa đủ cho một người, nấu ăn hay vệ sinh cá nhân cũng được thực hiện ngay tại quán, còn tắm thì đã có nhà tắm công cộng. Những thành phố Nhật Bản hoa lệ là thế nhưng cũng lắm khó khăn vô bờ, người ta vẫn bảo “hoa cho người giàu còn lệ thì dành cho những người nghèo”.

Văn hóa tự tử và những cái chết cô đơn

Ở Nhật Bản, người ta tự tử nhiều đến mức biến thành một văn hóa: Công ty thua lỗ khiến nhân viên mất việc nên tự tử, học hành thua kém bạn bè cũng tự tử, thậm chí giám đốc khủng hoảng cũng tự tử. Đôi lúc, người ta còn xem cái chết trở thành một “món quà” khi tự tử có thể đem lại cho gia đình một món tiền bảo hiểm rất lớn.

Theo số liệu thống kê năm 2014, ở Nhật có 250 nghìn người tự tìm đến cái chết, mỗi ngày có khoảng 70 vụ tự sát xảy ra. Đau lòng nhất là có cả một khu rừng chết chóc mang tên Aokigahara, nằm dưới chân núi Phú Sĩ, thậm chí còn có không ít các câu lạc bộ tự tử được lập nên để cùng nhau chết cho đỡ “cô đơn”.

Tự tử đã trở thành “văn hóa” ở Nhật Bản. (Ảnh: 4Archive)

Nếu như những người trẻ Nhật Bản hình thành nên “văn hóa tự tử” thì những người già ở đất nước này lại tạo ra làn sóng “những cái chết thầm lặng” cũng đau thương không kém. Theo thống kê của chính quyền địa phương tại Nhật thì mỗi năm có đến hàng trăm trường hợp người già Nhật Bản chết đi mà không hề có ai hay biết. Khi được phát hiện, nhiều thi thể thậm chí đã mục rữa và bốc mùi hôi thối.

Tuổi già và ám ảnh về “những cái chết thầm lặng”. (Ảnh: ohay.tv)

Xưa kia, nếp sống truyền thống của gia đình Nhật Bản vốn có mấy thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Tuy nhiên, với xã hội hiện đại ngày nay ,điều này rất ít khi tồn tại. Những người trẻ cô độc, lạc lối ngay trong chính thế hệ của mình; những người già sống lạnh lẽo, quạnh hiu, lo sợ cái chết có thể tìm đến bất cứ lúc nào mà không biết bám víu vào ai – đây có lẽ là những hình ảnh u tối nhất mà dân tộc Samurai không bao giờ muốn nhắc tới trong bức tranh tưởng chừng như vô cùng hoàn hảo của đất nước họ.

Một đất nước Nhật Bản hiện đại đến hoàn hảo vẫn mang trong mình những góc tối đau thương.  (Ảnh: flickr.com)

Chúng ta không phủ nhận Nhật Bản là một trong những nền kinh tế phát triển và bền vững nhất trên thế giới, hơn nữa họ còn sở hữu một nền giáo dục tuyệt vời, những bí quyết dạy con thông thái, cách ứng xử vô cùng khôn ngoan và tinh thần quả cảm hiếm dân tộc nào có được. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, không chỉ Nhật Bản mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, con người đều không thể có cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn được. Bởi, khi được sinh ra trên cõi đời này, con người vốn đã được an bài như vậy, có sướng thì sẽ có khổ, dù ít hay nhiều.

Suy cho cùng, dù sống như thế nào, giàu sang hay nghèo khó, hạnh phúc hay đau khổ, chẳng phải chúng ta đều kết thúc một kiếp người bằng cái chết hay sao? Nhưng mà, trước khi chết, mỗi chúng ta đã sống như thế nào, liệu có thể mang đi được gì hay không?

Hiểu Minh