Quốc kỳ Mỹ tung bay trên các ngôi nhà, được in trên quần áo ở khắp vùng cao nguyên của Guatemala. Nhiều người dân tại đây nói rằng Hoa Kỳ là biểu tượng của niềm tự hào trong khu vực, nhiều người nói việc trưng bày cờ Mỹ là thể hiện lòng biết ơn đối với những cơ hội mà họ nhận được, theo Al Jazeera.

Al Jazeera phỏng vấn gần ba chục người, từ các thị trấn trên khắp Huehuetenango và Quetzaltenango, họ cho rằng cờ Mỹ bắt đầu xuất hiện ở khu vực vào khoảng đầu năm 2000. Theo ước tính của Aljazeera, cứ 10 người Guatemala thì có 1 người sống ở hải ngoại, và gần 98% trong số đó là sống ở Mỹ. Ít nhất 5.000 người từ Todos Santos Cuchumatan đang cư trú tại Oakland, California, Hoa Kỳ.

Theo số liệu Ngân hàng Quốc gia Guatemala, người Guatemala sống ở Mỹ đã gửi khoảng 8,19 tỷ đô la về nước vào năm 2017, và hơn 9 tỷ đô la trong năm 2018, tương đương 11,3% tổng sản phẩm quốc gia của đất nước (GNP). Số tiền đó, đặc biệt là ở vùng cao nguyên này, được sử dụng để mua ô tô, xây nhà và cho con đi học.

Cuộc sống ở thị trấn cao nguyên Guatemala của Todos Santos Cuchumatan khá bấp bênh, người dân ở đây dù biết viễn cảnh họ có thể bị giam giữ, trục xuất, bệnh tật hoặc thậm chí là cái chết, vẫn mạo hiểm tất cả mọi thứ để di cư về phía bắc đến Mỹ với hy vọng tìm được công việc và có tiền gửi về nhà.

Nhưng tại biên giới, họ đã gặp chính sách thắt chặt nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều người đã bị giam giữ, những người khác bị trục xuất và hàng ngàn người khác tiếp tục chờ đợi ở phía biên giới Mexico. 

Một ngôi nhà ở làng Checoche, San Juan Atitan được xây với tiền kiếm được từ Mỹ. (Ảnh: Jeff Abbott/Al Jazeera)

“Các vụ bắt giữ đã ảnh hưởng đến khu vực này rất nhiều”, Debora Pablo Mendoza, y tá, 25 tuổi từ Todos Santos Cuchumatan, người di cư cùng con gái đến Mỹ năm 2016 và trở lại vào tháng 1/2019, nói với Al Jazeera, “Nhiều gia đình ở đây đang chờ phản hồi”, “Mọi người ngày càng lo lắng hơn”.

Nhưng đối với người dân đã nắm chặt lá cờ Mỹ khi di cư đến Mỹ và trở về từ Mỹ, tình trạng không chắc chắn cũng đi kèm với hy vọng. “Có sự sợ hãi, nhưng người dân ở đây không từ bỏ cố gắng để đến được Hoa Kỳ”, Mendoza nói.”Chúng tôi có thể sống nhờ tiền mà gia đình chúng tôi gửi từ Hoa Kỳ”, Marina Vicente, 46 tuổi nói.

Nhiều người dân làng Sacchilaj, San Juan Atitan thuộc thị trấn Maya Mam, cách Todos Santos một quãng ngắn, bao gồm chồng của Vicente và năm thành viên trong gia đình, đã rời đi để kiếm tìm “giấc mơ Mỹ”.

Cờ Mỹ ở khắp mọi nơi

Quốc kỳ Mỹ được vẽ trên các ngôi nhà của cộng đồng Todos Santos Cuchumatan. Cờ Hoa Kỳ được in trên quần áo thậm chí được vẽ lên những ngôi mộ của những người đã khuất. 

“Hầu hết mọi người yêu cầu những chiếc cúc áo in chữ USA”, Josue Jimenez, một thợ may 16 tuổi ở Todos Santos nói với Al Jazeera. Cậu thiếu niên bắt đầu may vá ở tuổi 11 tuổi, sau khi cha cậu trở về từ Mỹ.

“Ước mơ của mọi người là có một ngôi nhà, một chiếc ô tô, điều này thúc đẩy mọi người đi đến Mỹ”, Pablo Mendoza nói. 

Quốc kỳ Mỹ được vẽ trên ngôi mộ ở Todos Santos Cuchumatan. (Ảnh: Jeff Abbott/Al Jazeera)

Với mỗi quetzal (0,13 USD), chính phủ Guatemala đầu tư vào cộng đồng không phải là người bản xứ, và đầu tư 0,45 quetzal (0,059 đô la) cho cộng đồng bản xứ, theo nghiên cứu của Mark Penate và Fidel US cho Viện Nghiên cứu Tài chính Trung Mỹ (ICEFI), Guatemala. Do đó, đi lên phía bắc trở thành một trong những lựa chọn duy nhất của người dân để thoát nghèo.

Trước những năm 1980, cư dân Todos Santos Cuchumatan và các làng khác trong khu vực, hàng năm di cư đến bờ biển phía nam của Guatemala để thu hoạch cà phê, bông và mía. Nhưng điều này đã thay đổi vào những năm 1980 khi cuộc nội chiến kéo dài 36 năm của Guatemala lên tới đỉnh điểm, khiến hơn 200.000 người, phần lớn là dân bản địa thiệt mạng.

Người dân đã xin tị nạn ở Mỹ khi bạo lực gia tăng trong khu vực. Bắt đầu từ những năm 1990, cư dân rời Guatemala sang Mỹ vì lý do kinh tế. Theo Fortunato Pablo, một nhà sử học địa phương, nhập cư vào Mỹ đã tăng lên sau khi đồng quetzal mất giá vào cuối những năm 1980.

Pablo nói với Al Jazeera: “Người dân ở Hoa Kỳ bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn và người dân ở đây bắt đầu thấy hàng xóm của họ với các thành viên trong gia đình ở Hoa Kỳ sống tốt hơn, Thế là mọi người bắt đầu lên đường”.

Trong ảnh, một người đàn ông San Juan Atitan đứng ở quảng trường trung tâm thành phố với một chiếc túi truyền thống có in lá cờ Mỹ. (Ảnh: Jeff Abbott/Al Jazeera)

Guatemala hiện có số lượng người di cư và người xin tị nạn cao nhất bị bắt giữ tại biên giới phía nam Hoa Kỳ, theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ. 

“Mọi người sẽ tiếp tục đến Hoa Kỳ vì họ coi đó là vùng đất của cơ hội”, Jorge Calmo, một sinh viên kỹ thuật dân dụng 24 tuổi ở Boston Massachusetts, người đến từ Todos Santos Cuchumatan, anh di cư sang Mỹ khi 13 tuổi, “Họ biết nếu họ làm được thì họ sẽ có cuộc sống tốt hơn”.

videoinfo__video3.dkn.tv||5c98357c7__

Từ Khóa: