Từ lâu, người Sài Gòn đã nổi tiếng dễ thương, tốt bụng và nghĩa hiệp, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Dù rằng trên mảnh đất Sài Thành ấy vẫn có những tên trộm, kẻ cướp nhưng những câu chuyện ấm lòng về con người nơi đây vẫn khiến ta thấy thương, thấy yêu Sài Gòn nhiều lắm.

Sài Gòn của những chàng “hiệp sĩ”

Thời gian gần đây, câu chuyện về những chàng “hiệp sĩ” Sài Gòn đã lấy đi rất nhiều nước mắt của biết bao người. Giữa thời đại mà con người ngày càng trở nên vô cảm trước tai nạn, khó khăn của người khác, câu chuyện về những chàng “hiệp sĩ” như một làn sóng khiến nhiều người từ bàng hoàng đến thức tỉnh, và sự ra đi của các anh lại càng khiến những người ở lại day dứt, xót thương.

Chứng kiến nạn trộm cướp hoành hành, những chàng hiệp sĩ không thể khoanh tay đứng nhìn, họ muốn góp một chút sức mình vì bình yên của mọi người (Ảnh: vietnamnet)

Có lẽ, “hiệp sĩ đường phố” là một “đặc sản” riêng chỉ Sài Gòn mới có. Các anh ấy đều là những người dân bình thường, cũng mưu sinh như bao người khác: người chạy xe ôm, người buôn bán, người là dân văn phòng, có khi là sinh viên. Tuy nhiên, phải chứng kiến nạn trộm cướp hoành hành, thấy những việc bất bình xảy ra ngay trước mắt, những người đàn ông ấy không thể khoanh tay đứng nhìn, họ muốn góp một chút sức mình vì bình yên của mọi người, dù công việc ấy chẳng hề đơn giản, thậm chí phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Những con người cùng chung chí hướng đã tìm đến nhau, hỗ trợ nhau cùng làm việc nghĩa, người truyền người, tâm truyền tâm, chẳng mấy chốc mà có rất nhiều biệt đội dũng sĩ đã được thành lập, trong đó một nhóm còn có cả Fanpage “Hiệp sĩ Sài Gòn” để tiếp nhận sự “cầu cứu” của người dân. Mỗi ngày nhóm nhận đến 30 đến 40 cuộc gọi, tin nhắn từ nạn nhân bị lừa đảo, cướp giật nhờ giúp đỡ.

Bảo vệ mọi người rồi ngã xuống, ai sẽ là lá chắn cho con anh suốt quãng đời về sau…. (Ảnh: Thanh Trần- Báo Tiền Phong).

Câu chuyện về những anh chàng hiệp sĩ bình dị chốn Sài Thành, vụ việc đau lòng đêm 13/5 và sự ra đi của 2 chàng hiệp sĩ ngày hôm ấy như một lời nhắc nhở tất cả chúng ta rằng “Đừng bao giờ thờ ơ trước cái ác” – điều đó thậm chí còn đáng sợ hơn cả cái ác.

Xin cảm ơn những người anh hùng quả cảm đã dùng cả sinh mệnh của mình để bảo vệ công lý và cũng là để thức tỉnh những người ở lại cần sống xứng đáng hơn. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ và biết ơn trái tim nhân hậu, tinh thần trượng nghĩa của các anh và sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị Chân chính và Thiện lương này, như các anh đã từng.

Sài Gòn của những điều miễn phí, từ thiện.

Ở Sài Gòn, người ta học được cách tương hỗ, chẳng cần thân quen, chẳng cần biết mặt, họ vẫn đối xử với nhau chân thành và tận tình như người nhà vậy. Sài Gòn hay lắm, chẳng đợi đến khi giàu có, cuộc sống đủ đầy, dư dả thì mới giúp nhau. Kể cả một người nghèo khổ, cơm có thể chẳng đủ ăn nhưng họ vẫn có thể dạy cho bạn bài học về sự sẻ chia trong cuộc sống: những tủ bánh mì từ thiện, bình nước từ thiện, cơm từ thiện, xe ôm từ thiện, bơm vá sửa xe từ thiện…. Những điều ấy, có khi chẳng phải của tổ chức nào to lớn, mà chính là tấm lòng của người lao động bình dân ở Sài Gòn. Họ chia sẻ và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn như chính cách mà họ cũng từng được Sài Gòn cưu mang vậy.

(Ảnh: thanhnien)
(Ảnh: thanhnien)
(Ảnh: Yan News)
(Ảnh: Yan News)
(Ảnh: tiin)

Giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa những mưu sinh xô bồ, nơi mà những người lao động nghèo đến cả miếng cơm cũng phải chật vật mới có được, người ta thường bảo tình người ở đó xa xỉ lắm, người ta còn bảo con người ở đó dễ vội vã lướt qua nhau lắm. Thế nhưng, Sài Gòn tử tế và dễ thương vẫn hiện hữu xung quanh chúng ta mỗi ngày đó thôi. Đâu cần phải cao xa, đâu cần phải hào nhoáng phô trương, chỉ cần những điều miễn phí bình dị như vậy thôi cũng đủ để ta thấy thật ấm lòng những những điều quá đỗi Sài Gòn.

Hải Dương