Lâu đài Peles e ấp ẩn mình sau dãy núi Carpathian với những đồi cỏ xanh mơn mởn thơ mộng. Những ngọn tháp cao vút của tòa lâu đài hiện ra trong ánh nắng ban mai như một khung cảnh cổ tích ở vùng rừng núi Rumani.

Cung điện Peles nhìn từ trên cao (Ảnh: expedia.com)

Peles được khởi công từ năm 1873 bởi bộ óc tài hoa của kiến trúc sư Viennese Wilhem Dodrere Mawch. Dù bị gián đoạn bởi chiến tranh nhưng cuối cùng nó cũng được hoàn thành vào năm 1883, một thập kỷ sau đó. Đây là nơi nghỉ dưỡng vào mùa hạ của hoàng tử Carol I de Hohenzollen, người sau này dã trở thành hoàng đế của Rumani. Chính vì vậy những đường nét vương quyền trong nội thất lâu đài là điều không rất dễ nhận biết.

Vẻ đẹp toát lên từ những tòa tháp kiểu cách (Ảnh: luxurydesign.vn)

Các nguyên thủ thế giới trong lịch sử đã từng ghé thăm tòa lâu đài gồm có: nhà lãnh đạo Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford, nhà lãnh đạo Libya – Gaddafi và lãnh đạo PLO – Arafat … Ngày nay nơi đây vẫn giữ được vị trí số một trong danh sách đón tiếp các chính khách quốc tế khi tới thăm và làm việc tại Rumani.

Mặc dù được gọi là một lâu đài, nhưng Peles được xây dựng không mang mục đích phòng thủ quân sự mà là nơi nghỉ ngơi của hoàng gia, vì vậy tính chất và chức năng của nó không khác gì một cung điện. Peles có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo-Gothic và Phục Hưng. Người ta thường so sánh nó với lâu đài Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức) vì sự tương đồng trong những đường nét tháp mái và phong cách xây dựng  cầu kỳ lãng mạn.

Bàn ăn lớn bên trong cung điện (Ảnh: travelpassionate.com)

Lâu đài rộng gần 3.200 mét vuông với hơn 160 phòng được trang trí hết sức cầu kỳ theo phong cách Baroque nặng về chi tiết. Nơi đây có thể coi như một bảo tàng về các nền văn hóa và lưu giữ hơi thở các cuộc chiến tranh Đông – Tây trong lịch sử thông qua bộ sưu tập vũ khí, tranh, thảm, ngà voi và gốm sứ.

Bộ sưu tập vũ khí của nhà vua (Ảnh: takecare880.org)
(Ảnh: travel.sina.com.cn)

Tham quan tòa lâu đài người ta không khỏi chú ý đến các tấm kính màu cửa sổ được vẽ bằng tay kiểu Thụy Sĩ hay bộ sưu tập các bức tượng cẩm thạch người và sư tử mà nhà điêu khắc người Ý Romanelli đã dày công sáng tạo. Cùng với đó là hơn 2.000 tác phẩm hội họa của các danh họa nổi tiếng đương thời được treo trang trọng trên mỗi bức tường.

Ô cửa được trang trí cầu kỳ phía sau một bộ giáp sắt (Ảnh: passionforhospitality.net)
(Ảnh: bbqboy.net)

Một trong những hạng mục công trình quan trọng nhất của lâu đài chính là sảnh Holul de Onoare gồm có 3 tầng liên thông và được hoàn thiện trong năm 1911. Những bức phù điêu mô tả về những câu chuyện tôn giáo, bức tượng các vị thân và chiến binh được khắc họa hết sức sống động dọc lối đi. Toàn bộ phần tường của khu vực này đều được ốp gỗ quý và trạm khắc tinh xảo một cách dày đặc các họa tiết trang trí.

(Ảnh: maninatravel.ro)
Những mảng tường được ốp gỗ cầu kỳ (Ảnh: commons.wikimedia.org)
Cầu thang đi lên các tâng cao hơn của tiền sảnh (Ảnh: gnometrotting.com)
Một góc nhìn khác của sảnh Holul de Onoare (Ảnh: YairKarelic.com)

Trong gần 170 căn phòng của tòa lâu đài có một số gian phòng rất đặc biệt. Chúng mang những cái tên của các quốc gia khác nhau như: Phòng Pháp, phòng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phòng Florentine, phòng Moresque, phòng Hòa nhạc. Nhưng căn phòng đặc biết nhất có lẽ là phòng Imperial Suit. Đặc biệt ở chỗ nó được tặng cho hoàng đế Áo Franz Joseph I – người thường đến thăm lâu đài với tư cách một người bạn của Hoàng gia.

Căn phòng Imperial Suite dành riêng cho Hoàng đế nước Áo (Ảnh: Rodonic)

Do vậy dễ hiểu là căn phòng được trang trí theo kiểu Auguste Bembe – một kiểu cách xa hoa đặc thù của Baroque nước Áo. Hiếm có một căn phòng nào còn nguyên vẹn suốt 500 năm tuổi như vậy, ngoài các bức tường hay cửa ra vào làm theo kỹ thuật Veneer của thời Maria Theresa cực kỳ tinh tế hay tấm thảm màu đỏ rực ấn tượng thì những tấm dán tường trang trí bằng da chính là điểm độc đáo của căn phòng này.

Một thư viện nằm trong lâu đài (Ảnh: mellempix.com)

Peles nằm trong quần thể các lâu đài : Peles, Pelisor Chateau và Foisor Huntin cách thành phố Sinaia 60km và Brasov 135km. Thời điểm tuyệt nhất để tới Peles là tháng 6 đến tháng 9, lâu đài mở cửa từ 10h-16h từ Thứ Ba đến Chủ Nhật, riêng tháng 11 lâu đài không mở cửa. Nếu có dịp bạn hãy ghé qua Peles trên hành trình khám phá Rumani và Đông Âu – với máy ảnh có độ mở ống kính thật lớn! Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy thất vọng khi có những trải nghiệm thú vị với Peles.

(Ảnh: holysmithereens.com)

Trọng Đạt