Cuộc sống vốn không dễ dàng và ngập tràn những thử thách chông gai. Và chúng ta thường tự nhủ rằng đừng bao giờ bỏ cuộc khi gặp phải những chướng ngại trên con đường. Tuy nhiên, có đôi khi chúng ta cần nhìn vào thực tế và dừng lại để không bị “đâm vào ngõ cụt”.

Adam Grant – giáo sư đại học Wharton, tác giả của rất nhiều cuốn sách bán chạy và chuyên gia tư vấn quản lý của Facebook, Google, NBA từng nhấn mạnh khi phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên đại học bang Utah rằng: “Không bao giờ bỏ cuộc là một lời khuyên tồi. Đôi khi, từ bỏ đem lại kết quả tốt đẹp hơn”.

Vì sao nên biết từ bỏ đúng lúc? 

Theo Grant, quá ám ảnh bởi các đức tính chuẩn mực của người thành công có thể khiến sức mạnh của bạn bị giới hạn, và con đường thành công sẽ càng khó khăn hơn. Các đức tính chuẩn mực giống như vitamin. Vitamin rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu bạn nạp quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể, chúng sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng. Ví dụ, nếu bạn nạp quá nhiều vitamin C, D thì sẽ dẫn đến tổn thương về thận.

“Không bao giờ bỏ cuộc là một lời khuyên tồi. Đôi khi, từ bỏ đem lại kết quả tốt đẹp hơn”.

Thực tế, kiên định là một yếu tố quan trọng của thành công và hạnh phúc. Nhiều tác giả nổi tiếng từng bị từ chối xuất bản sách hàng chục lần, nhiều nghệ sĩ từng bị phủ nhận hoàn toàn tài năng và giễu cợt… Nếu họ từ bỏ, chúng ta đã không có Harry Potter hay The Beatles… Nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta trở nên cố chấp với một ý tưởng, bởi vì, điều gì quá tuyệt đối thì sẽ không còn đúng nữa.

Câu nói “khi đặt trọn tâm trí của mình vào điều gì, bạn sẽ dễ dàng thành công” chưa hẳn lúc nào cũng đúng. Dù bạn muốn hay nỗ lực đến đâu thì bạn cũng không thể hoàn toàn kiểm soát cuộc sống của mình. Có rất nhiều thử thách và tình huống bất ngờ sẽ tìm đến bạn mà không hề báo trước, và điều bạn cần là học cách thích nghi với “những vị khách không mời” đó, tỉnh táo đưa ra quyết định, chứ không phải là cố chấp bảo vệ bản thân và đi theo con đường đâm vào ngõ cụt ấy.

Thực ra, biết từ bỏ khi cần không phải là hèn nhát và thua cuộc mà là một loại khả năng thể hiện tầm nhìn sâu rộng. Bạn cần đủ thông minh để biết khi nào nên bỏ, và cần đủ dũng cảm để buông tay khi cần thiết. Vậy nên, nếu bạn đang thất bại thảm hại ở lĩnh vực mình đeo đuổi hay cảm thấy rằng những mục tiêu đó không còn phù hợp với giá trị sống của bản thân, hãy dừng lại và cân nhắc đến việc từ bỏ, chọn lối đi khác. Bạn có thể chuyển sang một ngành nghề mới phù hợp hơn với công sức, thời gian của bạn và đem đến một kết quả tốt hơn.

Một vài ví dụ về việc cần biết từ bỏ 

Khi tìm thấy một mục tiêu mới, nhiều người thường e ngại việc thay đổi công việc vì sợ làm mất lòng sếp hiện tại. Bạn nghĩ, tại sao lại phải tìm kiếm một công ty mới khi đã trở thành “tài sản có giá trị” mà bấy lâu nay sếp phải tốn công tốn tiền để đào tạo? Phải chăng bạn đang cho rằng sếp sẽ không thể xoay sở nếu thiếu bạn?

Phải chăng bạn đang cho rằng sếp sẽ không thể xoay sở nếu thiếu bạn?

Thực thế, phần lớn những chủ doanh nghiệp đều đặt hiệu quả của công việc lên đầu và họ sẵn sàng thay thế nhân công nếu xuất hiện ai đó có khả năng vượt trội. Vậy nên, nếu thấy trước mắt một cơ hội tiềm năng mới, phù hợp với giá trị bản thân và các điều kiện khác, thì bạn hãy đón nhận nó. Không dám thay đổi và đeo đuổi những mục tiêu chân chính vì sợ “mất lòng” chưa bao giờ là một cách hay. Bạn cũng cần nhớ rằng sự bền vững của một mối quan hệ cần được xây dựng từ sự trung thực và lòng chân thành, và không nên hy sinh ước mơ, đam mê của mình vì sợ “mất lòng”.

Cũng có những người lo sợ sẽ bị cười giễu, chế nhạo nếu từ bỏ mục tiêu mà mình đang quyết tâm theo đuổi bấy lâu nhưng không đem lại kết quả gì. Bạn cần tỉnh táo và hiểu rằng đó là một loại nỗi sợ hãi về danh dự không chân chính. Nếu bạn tiếp tục đi con đường đó, bạn sẽ chỉ chuốc lấy thất bại. Bạn đang sống cuộc đời của chính mình, và người khác không thể chịu trách nhiệm về cuộc đời thay cho bạn. Vậy nên hãy làm những gì trái tim và lý trí bạn thôi thúc.

Adam Grant kể lại: Khi còn nhỏ, ông từng mơ ước trở thành một cầu thủ bóng rổ, được đứng trong đội tuyển chính thức của NBA. Nhưng dù nỗ lực luyện tập đến thế nào, ông vẫn không thể đạt được ước mơ vì không đủ chiều cao. Khi học trung học, Grant quyết định từ bỏ bóng rổ và tập lặn. Luyện tập nỗ lực và kiên trì, cuối cùng Adam Grant đã đủ điều kiện tham gia Thế vận hội thể thao 2 lần và thi đấu lặn ở cấp độ chuyên nghiệp.

Cũng có những người lo sợ sẽ bị cười giễu, chế nhạo nếu từ bỏ mục tiêu mà mình đang quyết tâm theo đuổi bấy lâu nhưng không đem lại kết quả gì.

Grant cũng từng nghĩ tới việc dừng mơ ước viết sách khi bản thảo cuốn sách đầu tiên bị từ chối. Ông đã từ bỏ bản thảo 102.000 chữ thất bại đầu tiên và bắt đầu lại từ đầu. Bản thảo “Give and take” tiếp theo của ông đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times và được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ.

“Kiên định không có nghĩa là tiếp tục làm những điều không đem lại kết quả. Kiên định nghĩa là xác định phạm vi ước mơ của bạn đủ lớn, để bạn có thể tìm thấy những cách theo đuổi giấc mơ khác khi kế hoạch thứ 1, thứ 2 thất bại. Tôi đã từ bỏ ước mơ chơi bóng rổ, nhưng tôi vẫn tiếp tục ước mơ trở thành một vận động viên giỏi”, Adam Grant nhấn mạnh.

Như vậy, chấp nhận từ bỏ khi cần thiết chính là một loại trí tuệ mà con người cần học tập suốt cả đời. Đó là một sự thản nhiên, bình lặng chứ không phải là vứt bỏ, thua cuộc. Chỉ khi không bị chi phối bởi điều gì mà theo đuổi mục tiêu từ lý tính, bạn mới đạt được thành công và tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự.

Hiểu Minh

Xem thêm: