Tràn lan khắp mọi ngõ ngách tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc là những quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ vô cùng hấp dẫn, mang thông điệp: “Tự tin với vẻ bề ngoài”. Xu hướng này có gì đáng để nói?
Nếu ai đó có hỏi tôi rằng, cô ấy hay anh ấy có nên phẫu thuật thẩm mỹ không? Tôi chắc chắn sẽ trả lời là “không” – Ngay cả khi tôi đã được xem các video quảng cáo hấp dẫn về những màn “lột xác” đáng kinh ngạc đang ngập tràn trên YouTube.
Tất nhiên, tôi phải công nhận rằng vẻ bề ngoài của một người có thể hoàn toàn thay đổi trở nên xinh đẹp hơn sau phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cũng không hiếm trường hợp các quý cô Hàn Quốc trở về nhà với chiếc cằm méo mó hay cái mũi hỏng không thể nào sửa chữa được.
Tuy chỉ xếp thứ 4 sau Mỹ, Brazil và Nhật Bản về số lượng các ca phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Hàn Quốc lại là nước có tỷ lệ người phẫu thuật cao nhất thế giới: khoảng 20 trên 1.000 người. Và điều đáng chú ý là, con số này tập trung phần lớn vào giới trẻ, những nam thanh nữ tú ở độ tuổi đẹp nhất của đời người – tuổi 20.
Các ca phẫu thuật thường gặp bao gồm: phẫu thuật mí mắt (cứ 5 phụ nữ ở Seoul thì có 1 người thực hiện), phẫu thuật thu gọn hàm, phẫu thuật khiến mắt tròn hơn hay mũi thẳng hơn, phẫu thuật làm trán cao rộng, phẫu thuật cằm, phẫu thuật cấy tóc, v.v. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải hiểu một thực tế rằng, những bức ảnh quảng cáo vốn đã được chỉnh sửa qua Photoshop không phải là kết quả tất nhiên mà bạn muốn.
Ngoài ra, phẫu thuật thẩm mỹ còn là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Nó dẫn đến một hệ quả đáng báo động: ngày càng có nhiều bác sĩ vứt bỏ đạo đức nghề nghiệp và chỉ còn quan tâm tới tiền hơn là bệnh nhân. Có trường hợp tại Hàn Quốc, sau khi người bệnh được gây mê, vị bác sĩ “uy tín” đã chuồn ra ngoài, và thay vào đó là một “bác sĩ ma”.
Tất nhiên, làm đẹp là quyền tự do của mỗi người, nhưng làm đẹp bất chấp hiểm họa, hay mù quáng chạy theo mốt nào đó thì chưa hẳn đã là cái đẹp đúng đắn. Cũng có người sẽ nói rằng: “Xấu thì ma nó lấy à!” Nhưng hiếm có người phụ nữ hay đàn ông nào qua ngưỡng 45 mà vẫn còn trẻ trung hay xinh đẹp cả.
Xem thêm: Nhân tướng học: Phẫu thuật thẩm mỹ có ảnh hưởng đến vận mệnh?
Ngoài ra, làn sóng thần tượng các ngôi sao Hàn Quốc cũng tác động rất mạnh tới các bạn trẻ. Nhìn thấy ca sĩ nào cũng mắt to, da trắng như búp bê, điều này vô hình chung đã tạo ra một nhận thức trong giới trẻ rằng đẹp là phải như vậy. Từ đó, “vẻ đẹp” đã được marketing quá nhiều, nó được gắn với “tự tin”, “hào nhoáng”, “đẳng cấp”… và cuối cùng là gắn với “hạnh phúc.”
Phóng sự về trào lưu phẫu thuật ăn theo các ngôi sao Hàn:
Nếu là vì cuộc sống hôn nhân, thì thực chất hạnh phúc không phải là do vẻ bề ngoài đem đến. Khi bạn ngày một già đi, xấu hơn, chậm chạp hơn, bạn có mong muốn nửa kia rời bỏ mình? Nếu là vì sự nghiệp, thì khí chất năng động, thanh lịch, hòa đồng không phải là nhờ vẻ đẹp dao kéo, mà cần bản thân nội tâm và phong cách sống đem lại. Cô đầu bếp cụt tay ở Philippines, anh chàng cụt chân leo hết 5 ngọn núi ở Trung Quốc, hay cô họa sĩ cụt tứ chi ở Colombia chẳng phải là những con người đẹp nhất sao?
Tôi sẽ không ngăn cản ai đó làm đẹp, nhưng nếu người bạn đời có hỏi ý kiến tôi rằng, cô ấy có cần phẫu thuật thẩm mỹ không, thì chắc chắn tôi sẽ trả lời: “Không, em không cần phải làm như thế.”
Quang Minh
Xem thêm: