Nằm ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương, New Zealand gồm hai đảo chính cùng nhiều đảo nhỏ bao quanh. Theo tiếng Maori của người bản địa, New Zealand được gọi là Aotearoa, có thể được dịch là “vùng đất của dải mây trắng dài”. Tên gọi đó không chỉ làm toát lên vẻ đẹp của đất nước mà còn cả lòng tự hào của những người dân nơi đây.
“Mảnh ghép” tuyệt đẹp của thế giới
New Zealand nổi tiếng khắp thế giới khi trở thành “phim trường tự nhiên không kỹ xảo” của bom tấn 3 phần “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, và sau đó là “The Hobbit”. Hàng triệu khách du lịch đã đổ xô tới nơi đây để tận mắt chiêm ngưỡng những phong cảnh kì diệu được tạo nên từ bàn tay của tạo hóa.
Ngay cả khi không yêu thích phim ảnh, bạn chắc chắn vẫn sẽ không thể cưỡng lại được vẻ đẹp của xứ sở kiwi. Bởi cuộc sống ở mọi nơi trong đất nước này đều gắn liền với tự nhiên – hồn hậu và xanh mát – đủ để lắng xuống tất cả những muộn phiền và căng thẳng cả về thân thể lẫn tinh thần. Người ta cứ dạo chơi, đắm mình vào thiên nhiên, ngồi xuống bãi cỏ nghỉ chân khi cần hay nằm dài hóng mát mọi lúc mọi nơi.
Nhịp sống ở New Zealand cũng chậm đến kinh ngạc – họ làm việc gần như ít nhất thế giới (chỉ 35h/tuần), cực kỳ ít tăng ca, hiếm khi ra khỏi nhà sau 8 giờ tối và thường đi ngủ lúc 22 giờ. Thế nhưng, New Zealand được xếp thứ 25 trên thế giới xét về số tổng sản phẩm quốc nội GDP trên đầu người và đứng số 1 trong bảng xếp hạng về tiến bộ xã hội, vượt trên cả các cường quốc như Mỹ, Anh, Úc (theo điều tra của tổ chức phi lợi nhuận Social Progress Imperative).
Với diện tích khoảng 268.000 km2 (xấp xỉ Việt Nam) trong khi dân số vỏn vẹn khoảng 4 triệu người, dân số của cả New Zealand thậm chí còn ít hơn số máy bán hàng tự động ở Nhật. Người ta vẫn nói vui với nhau rằng chỉ 5% tổng “dân số” New Zealand là người, còn lại đều là… các con vật. Ngoài ra, bò New Zealand có lẽ cũng là những con bò sung sướng nhất thế giới vì diện tích dạo chơi ăn cỏ của chúng lên tới 1 km vuông cho mỗi 25 con.
Auckland là thành phố đông dân nhất New Zealand, chiếm 35% dân số toàn quốc nhưng nếu tính ra, chỉ bằng 1/8 lượng người của thành phố Hồ Chí Minh, và cứ mỗi cây số vuông có 25 con bò sinh sống, mà cứ 7 con cừu mới có… 1 người dân. Với mật độ dân số như vậy, thật dễ hiểu khi người dân New Zealand không biết đến khái niệm “tắc đường” là gì!
Miền đất của những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói New Zealand là vùng đất lý tưởng cho những đứa trẻ được sinh ra. Những bãi cỏ xanh mướt không bao giờ vắng bóng trẻ con chạy nhảy; trong siêu thị luôn có một chiếc giỏ mây để ngay trước cửa ra vào, để cái biển: “Trái cây miễn phí cho trẻ em”; các bậc cha mẹ luôn kết thúc công việc sớm để dành thời gian cho gia đình, lắng nghe một ngày ở trường của con hay cùng con đọc một cuốn sách yêu thích…
Ngoài ra, khi đến lớp, mỗi trẻ sẽ được giáo viên lập một hồ sơ cá nhân riêng dùng để ghi chép, lưu giữ thông tin nhằm theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ thường xuyên thông qua chính những câu chuyện trải nghiệm hằng ngày của trẻ. Giáo dục New Zealand tập trung vào sự phát triển cá nhân, tính chủ động, sáng tạo chứ không phải phương pháp rập khuôn theo sách giáo khoa hay tài liệu tham khảo. Chính vì vậy, các giờ kiểm tra, các em học sinh không cần phải gian lận mà được tự do biểu đạt ý kiến của mình.
Một điều khác biệt nữa, khi chuông báo hết giờ, tất cả học sinh lập tức dừng bút. Dù chỉ còn một vài chữ là kết thúc cũng không có một học sinh nào cố gắng viết thêm. Việc trích dẫn ý kiến của người khác mà không có sự đồng ý, cho phép bị coi là đạo văn, ăn cắp bản quyền. Tội trạng này rất nặng và bạn sẽ bị buộc thôi học ngay lập tức.
Đất nước trao “quyền con người” cho cả sông núi
Kể từ ngày 15/3/2017, Chính phủ New Zealand đã công nhận sông Whanganui là một thực thể sống và có tư cách pháp nhân như con người. Theo đó, một người thuộc bộ lạc Maori và thành viên chính phủ và là đại diện hợp pháp cho dòng sông này. Giờ đây, con sông có quyền kiện bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến nó. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đồng ý chi trả 56 triệu USD tiền đền bù tài chính, 21 triệu USD để cải tạo và bảo tồn con sông.
Tổng chưởng lý Chris Finlayson cho biết: “Tôi tin chắc là nhiều người sẽ thấy làm lạ khi trao quyền con người hợp pháp cho một tài nguyên thiên nhiên. Nhưng điều này chẳng có gì kỳ lạ”.
Đối với cộng đồng người Maori (tộc người tổ tiên sống ở New Zealand), sông Whanganui rất linh thiêng, là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Họ tin rằng con sông có suy nghĩ, linh hồn như con người. Người Maori có một câu nói nổi tiếng: “Tôi là dòng sông (Whanganui) và dòng sông là tôi”.
Đây không phải lần duy nhất New Zealand công nhận tư cách pháp nhân đối với một tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ đã từng cấp quyền con người cho vườn quốc gia Te Urewera vào năm 2013 và mới đây nhất là núiTaranaki.
Nguồn ảnh: trithuctre
Hiểu Minh