Chú chó dẫn đường không chỉ là một người bạn trung thành với chủ nhân, nó còn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống của những người khiếm thị. Chú chó dường như trở thành “đôi mắt” và giúp họ có thể bảo vệ bản thân.
Chúng ta thường nghe nhiều về những vụ trộm chó. Hãy lấy một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc làm một ví dụ. Chủ nhân là một người làm nghề xoa bóp khiếm thị 47 tuổi, mang tên Điền Phượng Ba, đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông thường gọi chú chó là Kiều Kiều. Với ông, Kiều Kiều như là một thành viên trong gia đình, do đó cũng dễ hiểu ông đau khổ thế nào khi chú chó thân yêu của mình bị bắt trộm.
Theo điều tra, chú chó đã bị băng trộm trong một chiếc xe màu bạc bắt đi, trong khi người hỗ trợ của ông Điền đi dạo cùng Kiều Kiều trên đường phố vào một buổi sáng thứ Hai.
“Chúng tôi không dùng xích khi đi dạo cùng chú chó vào buổi sáng”, ông Điền cho hay.
Sau đó, người chủ nhân đầy lo lắng này đã đăng lên blog cá nhân và viết một lời khẩn cầu chân tình về hành động trộm chú chó.
Trong đó có viết, ông không biết sẽ ra sao khi đi ra ngoài một mình mà không có chú chó. Mất đi Kiều Kiều, cũng đồng nghĩa với việc ông mất ăn mất ngủ vì chuyện này. Ông đã gắn bó với chú chó trong vòng 6 năm.
“Kiều Kiều luôn đồng hành cùng với tôi. Nó như là một người bạn của tôi. Giờ đây tôi cảm thấy như mình đã mất đi một người bạn thân”, ông Điền tiếp tục.
Và lời khẩn cầu của ông Điền đã tạo nên một điều kỳ diệu.
Cuối cùng, những tên trộm đã trả lại Kiều Kiều, và thật ngạc nhiên khi chú chó trở về còn kèm theo một mảnh giấy xin lỗi dành cho chủ nhân: “Xin thứ lỗi cho chúng tôi”.
Chủ nhân khiếm thị và chú chó đã được đoàn tụ.
Đồng thời, ông Điền cũng gửi một thông điệp tới những người trộm chó.
“Tôi hy vọng họ sẽ ngừng hành động trộm chó, bất kể là chú chó dẫn đường hay là những chú chó khác. Một chú chó không chỉ là một chú chó. Đối với chủ nhân, nó là người bạn hay thậm chí, là thành viên của gia đình”, ông Điền chia sẻ.
Chúng ta có thể thấy những người trộm chó này vẫn còn có lương tâm. Kỳ thực, ở Trung Quốc vẫn còn có người lương thiện và đồng thời, cũng tồn tại những vấn đề nhức nhối như gặp người bị nạn vẫn thản nhiên bước qua, sản xuất các sản phẩm độc hại, chà đạp nhân quyền, tra tấn, mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công – những người thực hành “Chân-Thiện-Nhẫn” trong cuộc sống hàng ngày… Mong rằng phía thiện lương của những con người kia dần dần được thức tỉnh như những người đã trộm chó trong câu chuyện trên đây.
Theo Elitereader
Thanh Hoa