Việc cộng tác với một người mà bạn không hề ưa thích thực sự không phải là một trải nghiệm dễ dàng và thoải mái. Nhưng trong cuộc sống, không phải cứ không thích là ta có quyền từ chối họ. Vậy, liệu có giải pháp nào cho bạn để sống chung, làm việc và thậm chí là làm bạn với những người mà bạn không thích. Hãy tham khảo “hiệu ứng Benjamin Franklin”.
Benjamin Franklin và câu chuyện biến thù thành bạn
Benjamin Franklin là một trong sáu công dân tiêu biểu nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ. Ông là một trong những người viết nên bản hiến pháp của quốc gia tự do nhất thế giới này. Nhưng Benjamin Franklin còn được biết đến là một con người đa tài. Trước khi trở nên nổi tiếng ông đã từng rất thành thục nghề nấu xà bông, nghề in. Sau này, ông có rất nhiều đóng góp cho nước Mỹ với vai trò là một nhà khoa học, sau đó là nhà Lập quốc.
Cuộc sống đa sắc màu của Franklin đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều các thế hệ sau. Câu chuyện như một lời gợi ý về việc làm thế nào để sống và làm việc với người mà bạn không có thiện cảm, hay thẳng thắn hơn là bạn không ưa họ.
Franklin và một người bạn từng là kỳ phùng địch thủ khi cùng nghiên cứu luật tại Pennsylvania vào thế kỉ 18. Mặc dù vậy, trong thư viện của người kia có rất nhiều cuốn sách quý mà hiếm nơi nào có thể tìm thấy. Ông đã sử dụng cơ hội này làm chìa khóa hàn gắn mối quan hệ của hai người.
Franklin viết một bức thư ngắn gửi cho “kẻ đáng ghét”, miêu tả toàn bộ khát vọng của ông để mượn được sách và rất lịch sự, ông ngỏ ý muốn mượn một cuốn sách rất hay nhưng quý hiếm trong thư viện của người đó. Tuy vậy, thay vì tự mình đến lấy sách, ông đề nghị địch thủ gửi sách tới cho ông mượn trong vài ngày. Người kia dù không ưa gì Franklin nhưng vẫn gửi sách ngay lập tức. Franklin sau đó giữ cuốn sách trong một tuần và gửi trả lại kèm với một bức thư cảm ơn nhiệt tình và đầy thiện chí.
Lần tiếp theo hai người gặp mặt, “kẻ đáng ghét” ngày nào bỗng trở nên hiền hòa hơn, ông ta đã chủ động bắt chuyện với Franklin (điều trước đó chưa từng xảy ra) một cách cởi mở, thẳng thắn. Từ sau cuộc trò chuyện đó, họ luôn chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi chuyện. Với một hành động đơn giản, Franklin đã trở thành bạn thân với kẻ mà ông ghét cho tới khi… qua đời.
Quy tắc cần ghi nhớ
Vậy bài học cần ghi nhớ ở đây là gì? Nếu bạn thích hoặc yêu quý một ai đó, bạn sẽ muốn làm những điều tốt đẹp cho họ và ngược lại bạn sẽ không sẵn lòng dành những điều tốt đẹp như vậy với ai đó bạn không ưa.
Thế nhưng, khi bạn làm điều tốt cho người bạn không thích, hiệu ứng Benjamin Franklin sẽ xuất hiện.
Khi con người ta không có thiện cảm với nhau, chúng ta luôn có xu hướng nghĩ không tốt về người kia. Những suy nghĩ và cảm xúc mang tính tiêu cực như “đố kị”, “khinh thường” sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Tuy nhiên như phát biểu của Benjamin Franklin: “Người từng làm điều tốt với bạn sẽ sẵn sàng làm thêm nhiều thứ hơn so với người được bạn giúp đỡ”. Theo nhận định của nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm này, khi một ai đó có thể giúp đỡ bạn, làm một điều tốt cho bạn (tuy là một cách bắt buộc trong lần đầu tiên), người ấy đã trở nên mở lòng hơn với bạn. Sự “trao tặng” có thể xóa đi trong họ những cảm giác tiêu cực được liệt kê ở phía trên. Đó chính là một tiền đề tốt cho sự trao đổi chân thành và cởi mở.
Chúng ta có thể tóm tắt quy luật Benjamin Franklin lại trong một nguyên tắc đơn giản: Khi bạn muốn làm lành hay giảng hòa với một ai đó mà bạn không thích (và ngược lại), thay vì giúp đỡ họ, đầu tiên hãy lịch sự yêu cầu họ làm một điều gì đó mà họ chắc chắn có thể làm cho bạn.
Nếu họ nhận lời, bạn đã thành công trong việc xóa bỏ hàng rào đầu tiên giữa hai người. Bởi vì, việc “nhờ vả” cũng giúp bạn hạ cái tôi của mình xuống, và khi nhận được sự giúp đỡ, chắc chắn bạn sẽ thấy “cảm kích” trước sự hào hiệp của đối phương.
Khi không còn những rào cản tiêu cực, không có lý do gì khiến hai người không thể trò chuyện một cách thẳng thắn để hóa giải mọi khúc mắc, từ đó dẫn đến hiểu nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau như Franklin và người bạn của ông.
Khoa học nói gì về hiệu ứng này
Các chuyên gia tâm lý học hiện đại giải thích hiệu ứng Benjamin Franklin bằng một khái niệm tâm lý học nhận thức có tên “Bất đồng nhận thức” (Dissonance cognitive) được nghiên cứu bởi Robert Cialdini, nhà tâm lý học xã hội và là chuyên gia trong lĩnh vực “Tạo ảnh hưởng”. Một cách cụ thể, khái niệm “bất đồng nhận thức” này miêu tả trạng thái tâm lý của bạn khi ở vào hoàn cảnh bạn buộc phải hành động nhưng không thực sự muốn làm điều đó. Khi ở trong trạng thái tâm lý không thoải mái này, chúng ta có xu hướng khắc phục, thay đổi những suy nghĩ của mình để cân bằng giữa hành động và nhận thức của mình.
Đó chính là lý do tại sao khi bạn phải làm một việc tốt cho người mình không ưa, thì cuối cùng bạn sẽ nghĩ “có thể là người đó không đáng ghét như mình tưởng”. Suy nghĩ mới này sẽ đồng nhất với hành động tốt mà bạn sẽ làm cho đối phương.
Một ví dụ rất thú vị được ghi nhận bởi các nhà khoa học khi nghiên cứu vấn đề này đó là: Nếu bạn chấp nhận lời mời kết bạn của “kẻ mà bạn không ưa” trên Facebook, cái kích chuột đơn giản ấy sẽ có thể khiến bạn bớt ghét người đó hơn. Thậm chí có thể tương tác với họ qua mạng xã hội này.
Áp dụng quy tắc Benjamin Franklin, hai điểm chốt không thể bỏ qua
Nguyên tắc này tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu bạn không để ý tới những chi tiết nhỏ khi “thực hiện kế hoạch làm thân (làm lành)”, có thể bạn sẽ không đạt được điều mình mong muốn, hoặc chỉ đạt được hiệu quả ngắn hạn, mà không thể xây dựng được “một mối quan hệ lâu dài, bền chặt” như Franklin và bạn của ông.
Trước hết, điều quan trọng là cách bạn yêu cầu đối phương làm giúp mình một việc gì đó. Hãy gửi lời yêu cầu và lời cảm ơn một cách lịch sự nhất có thể. Lịch sự chính là cách thể hiện việc bạn tôn trọng người nhận thông điệp. Chúng ta không cần phải yêu quý ai đó mới có thể tôn trọng họ. Sự tôn trọng là cách cư xử căn bản nhất của những người lịch thiệp. Hãy nhớ Franklin là một nhà ngoại giao cấp quốc gia, và ông được những người dân Pháp yêu mến vì chính thái độ lịch thiệp, tôn trọng của ông dành cho cả hai tầng lớp quý tộc và bình dân.
Tiếp đến, xin đừng quên yêu cầu một việc mà người đó có thể thực sự giúp bạn và bạn thực sự cần đến sự giúp đỡ của họ. Việc này sẽ truyền đến đối phương thông điệp “tôi đang rất chân thành”. Họ sẽ cảm nhận được rằng bạn đang hạ bỏ cái tôi của mình để nhờ cậy sự giúp đỡ của họ. Cần biết rằng đối với Franklin sách là một phần tất yếu của cuộc sống và cuốn sách mà ông muốn mượn thực sự hay và rất hiếm. Đó là lý do tại sao, “địch thủ” của ông lại sẵn lòng cho ông mượn sách tới vậy.
Bản thân Benjamin Franklin là một người luôn hướng tới những giá trị đạo đức và một đời sống trong sạch. Từ khi còn rất trẻ, Franklin đã thấy rằng tin tưởng suông vào đạo lý chưa đủ để giữ bản thân không sa ngã, cần phải luyện tập các đức tính, xếp chúng theo thứ tự rồi thêm vào đó các định nghĩa để làm sáng tỏ các quan niệm về các đức tính đó. Ông đã liệt kê ra 13 giá trị mà theo ông là cốt yếu nhất và từ đó luôn hành động theo. 13 giá trị ấy bao gồm: Điều độ, Yên lặng, Thứ tự, Quyết tâm, Tiết kiệm, Chuyên cần, Thật thà, Công bằng, Dung hòa, Sạch sẽ, Yên tĩnh, Trong sạch, Khiêm tốn.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là phải chăng chính sự thật thà, dung hòa, khiêm tốn mà ông dung dưỡng bao nhiêu năm ấy mới thực sự làm nên sức mạnh của hành động giảng hòa đã trở thành cảm hứng cho bao nhiêu thế hệ tiếp sau?
Hy Văn tổng hợp
Xem thêm: