Ở Mỹ, tháng tư hàng năm được xem là thời điểm bận rộn nhất trong năm của trẻ nhỏ. Đây không phải là thời gian chuẩn bị cho khai giảng hay thi cử mà là lúc các bé bận rộn tìm hiểu về quản lý tài chính như sử dụng tài khoản ngân hàng, gửi tiền, tính lãi suất…, chính phủ Mỹ gọi là ‘Tháng giáo dục quản lý tài chính thanh thiếu niên’.

“Bố xem này! Hôm nay con đã kiếm được 1 đô la!”, bố vừa bước vào cửa đã được Pitt thông báo tin vui.

“Thật à?” – Bố không giấu nổi sự ngạc nhiên.

Pitt giơ tay phải cầm tiền lên hào hứng nói: “Hôm nay con đến nông trại giúp chú Tom cắt cỏ, đây là thù lao chú ấy trả cho con”.

“Con thật giỏi!”. Tuy bản thân là ông chủ của một công ty lớn nhưng người cha không hề xem thường 1 đô la mà con kiếm được. Bố quay lại hiếu kỳ hỏi: “Vậy con định dùng nó vào việc gì?”.

Pitt nhíu nhíu đôi lông mày nghĩ ngợi một lúc: “Con vốn định mua một thanh socola, nhưng hôm qua mẹ đã mua rồi. Bây giờ…”. Cậu lại nghĩ khá lâu, kết quả vẫn chẳng biết dùng làm việc gì cho hợp lý.

“Không phải mấy hôm trước con muốn mua một chiếc xe tăng sao?”.

“Không được đâu bố ạ. Chiếc xe đó tận 80 đô cơ, con chỉ có 1 đô thôi”. Pitt lắc đầu lia lịa.

“À! Như vậy xem có được không nhé!”, bố cố ý dùng tay tính toán, rồi kinh ngạc: “Trời ơi! Con vẫn còn thiếu đến 79 đô la nữa!”.

Pitt lại rất bình tĩnh an ủi bố: “Không sao đâu bố ạ. Con có thể thường xuyên đến nông trại giúp chú Tom cắt cỏ cho đến khi kiếm đủ 80 đô thì thôi”.

“Được! Con yêu, bố tin là con có thể làm được”, bố thoải mái nói. “Nhưng con phải mất rất nhiều thời gian để kiếm đủ tiền từ việc cắt cỏ, hơn nữa mỗi lần nhận tiền lại khá lẻ, như vậy rất dễ đánh rơi. Bố nghĩ, nếu có thể gửi tiền vào ngân hàng thì rất an toàn, hơn nữa lúc rút ra thì lại là tiền chẵn và mới. Con thấy sao?”.

Pitt ngập ngừng nói: “Đây quả là một ý kiến hay. Nhưng con không biết gửi thế nào?”

Bố xoa đầu Pitt cười nói: “Yên tâm đi, vừa hay chiều nay bố lại đi ngân hàng, có lẽ bố có thể giúp con. Con có muốn cùng đi không?”

“Có ạ! Con cảm ơn bố!”. Có được tài khoản của riêng mình, Pitt vui mừng lắm.

Đây là tình huống thường xuyên gặp trong các gia đình ở Mỹ. Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Chẳng qua chỉ là 1 đô la, có cần phải gửi ngân hàng không? Hơn nữa, 80 đô với ông chủ một công ty lớn đâu thành vấn đề, trực tiếp đưa con đi mua là được rồi không cần phải bắt con dành thời gian cắt cỏ? Đây có lẽ là suy nghĩ của không ít người.

Quản lý tiền bạc: điều bắt buộc phải học đối với trẻ em ở Mỹ quốc
Ỏ Mỹ trẻ em được dạy cách quản lý tài chính từ rất sớm. (Ảnh minh họa: nerdwallet.com)

Người Mỹ luôn chú trọng đến việc sử dụng tiền bạc, bố để Pitt kiếm tiền chính là đang dạy cậu học cách sử dụng chúng. Thông thường, nếu con đã có đủ khả năng kiếm tiền, cha mẹ sẽ dạy con tiết kiệm tiền, và sẽ tiêu chúng như thế nào. Mặc dù, chỉ có một đô la nhưng nhờ sự giúp đỡ của bố, Pitt đã thấy được việc ‘tích tiểu thành đại’. Hơn nữa, còn học được cách gửi tiền ở ngân hàng. Điều này rất có ý nghĩa đối với cuộc sống sau này của cậu.

Theo một cuộc điều tra về thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ở Mỹ, đến 80% trên tổng số người được hỏi cho biết kiến thức về tiền là họ được học từ cha mẹ. Từ đó có thể thấy, cha mẹ có vai trò rất quan trọng đối với những nhận thức về tiền của con.

Ở Mỹ, cha mẹ chỉ cung cấp những điều kiện vật chất cơ bản cho con, còn ngoài ra những chi tiêu cho đồ chơi, ăn vặt… đều do con tự lo liệu. Vì vậy, điều này đòi hỏi con phải có thói quen tiết kiệm. Cha mẹ sẽ trực tiếp làm gương cho con, thực hiện kế hoạch chi tiêu hợp lý, gửi tiền định kỳ vào ngân hàng. Chính nhờ có quan niệm giáo dục này, trẻ đã nhận thức được nhiều điều sâu sắc ngay từ nhỏ. Vậy cụ thể họ đã làm như thế nào?

Lập tài khoản ngân hàng cho con

Ở Mỹ, tháng 4 hàng năm được xem là thời điểm bận rộn nhất trong năm của trẻ nhỏ. Đây không phải là thời gian chuẩn bị cho khai giảng hay thi cử mà là lúc các bé bận rộn tìm hiểu về quản lý tài chính như sử dụng tài khoản ngân hàng, gửi tiền, tính lãi suất…, chính phủ Mỹ gọi là ‘Tháng giáo dục quản lý tài chính thanh thiếu niên’.

Vào thời điểm này, sẽ có các nhân viên ngân hàng đến các trường học để giảng giải cho các bé những kiến thức về quản lý tài chính, cha mẹ cũng sẽ đưa con đến ngân hàng để mở một tài khoản và dạy con một số kiến thức cơ bản có liên quan đến việc gửi tiền trong ngân hàng. Bất luận là tiền ít hay nhiều, các nhân viên ngân hàng đều kiên nhẫn làm thủ tục cho ‘khách hàng nhỏ tuổi’. Sau khi con đã có tài khoản riêng, cha mẹ sẽ hướng dẫn con gửi tiền vào tài khoản, đồng thời khuyến khích con tiết kiệm và có trách nhiệm tích lũy cho bản thân. Lâu dần, con sẽ hình thành được thói quen tiết kiệm và biết sử dụng tiền hợp lý.

Bồi dưỡng thói quen tiết kiệm

Trẻ con luôn hiếu kỳ với những điều mới lạ, chỉ cần nhìn thấy đồ chơi đẹp là các bé đã thích mua ngay. Trước khi dạy con học cách tiết kiệm, cha mẹ sẽ dạy con học cách đối diện với những ham muốn. Khi con muốn mua một thứ gì đó, họ sẽ không ngăn cấm, cũng không đưa tiền cho con ngay mà sẽ lấy món đồ đó xuống, nói giá tiền và hỏi các con: ‘Con định làm thế nào để có nó’. Sau đó, họ sẽ cùng con xây dựng một kế hoạch tiết kiệm để dạy con học cách biết quý trọng những thứ không dễ dàng có được.

Bồi dưỡng thói quen tiết kiệm
Cha mẹ Mỹ dạy con học cách biết quý trọng những thứ không dễ dàng có được bằng cách cùng con xây dựng một kế hoạch tiết kiệm. (Ảnh minh họa: pathdecor.com)

Sử dụng thẻ tín dụng đúng cách

Đối với một số trẻ, cha mẹ sẽ dạy con quản lý tiền bạc bằng thẻ tín dụng. Ở Mỹ, uy tín có ảnh hưởng đến phẩm chất cả đời của một người. Sau khi có thẻ tín dụng, cha mẹ sẽ để con nhận thức hậu quả của việc tiêu tiền hoang phí, không đúng cách, đó là con phải hoàn trả lại tiền và còn phải trả lãi suất. Nếu không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn thì sẽ mất đi sự tín nhiệm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình trong cuộc sống sau này. Do đó, con sẽ phải lên kế hoạch chi tiêu của mình một cách hợp lý. Ngoài ra còn phải tiết kiệm tiền cho những lúc cần thiết, cấp bách.

Thông qua việc gửi tiền, cha mẹ không chỉ giúp con hiểu về những phương thức quản lý tiền bạc cơ bản mà còn hiểu ý nghĩa của việc tiết kiệm là biết trân trọng những gì mình đang có. Một đứa trẻ biết cách quản lý tài chính không chỉ biết kiếm tiền mà còn biết sử dụng chúng như thế nào cho hợp lý. Do vậy, bắt đầu từ bây giờ, cha mẹ hãy khuyến khích con tiết kiệm tiền tiêu vặt, bạn sẽ phát hiện sự trưởng thành của con trong nhiều mặt ngoài vấn đề quản lý tiền bạc.

Hồng Ân