Trẻ con mà không đến trường, không được thầy cô dạy thì có phải là đang bị cách ly với việc học không bố mẹ?
Lẽ thường, bàn về chữ học là nghĩ tới kho tàng tri thức. Những ai biết nhiều kiến thức, am hiểu nhiều lĩnh vực đều được mọi người tấm tắc khen ngợi, ngưỡng mộ nể phục cho rằng đó quả là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Cho nên, trẻ con cũng bị người lớn thúc giục nay học toán văn, mai học lý hóa, kia học sinh sử địa, chỉ sợ không học kiến thức là bị thụt lùi. Đến nỗi nhìn con rảnh rỗi là nhiều cha mẹ lo lắng con “không được giáo dục”.
Tuy nhiên, thế giới đang có những thay đổi to lớn, những sự việc, hiện tượng, tri thức mới xuất hiện từng phút từng giây, nhất là việc bùng nổ thông tin Internet khiến con người bị thông tin nhấn chìm. Càng truy cầu tri thức dường như càng thêm mỏi mệt.
Vậy bản chất của việc học là gì?
Tình cảnh hiện tại mùa cách ly: trẻ con được nghỉ học ở trường dài ngày, một số phụ huynh loay hoay vì thấy con nhàn rỗi. Người thì chạy khắp nơi để xin bài tập cho con làm. Người thì vui mừng khi thấy thầy cô xuất hiện giảng dạy online, và cái nhịp điệu giáo điều, nghiêm khắc, cùng một cơ số bài tập về nhà với cả bài tập cuối tuần quay đều, quay đều. Trong khi bọn trẻ nhăn nhó, miễn cưỡng… Tất nhiên, điều đó cũng không sai, bởi vì việc học là không được bỏ dở giữa chừng. Nhưng có nhất thiết học kiến thức từ sách giáo khoa, làm bài tập mới là học hay không? Và cha mẹ có nhất thiết lo lắng khi con chỉ ở nhà không đến trường nghĩa là dừng học hay không?
Việc học không phải ở chỗ học cho nhiều, lấp cho đầy. Bởi vì trong kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử này, bọn trẻ bỗng dưng được tạm xa trường học, giảm tải tri thức, bố mẹ có thấy chúng đang học hay không? Có.
Nhà là ngôi trường chưa được khám phá
Nhờ kỳ nghỉ này mà bọn trẻ con nhà tôi lại học được rất nhiều. Khi không phải tiếp nhận khối lượng kiến thức từ sách giáo khoa, không phải làm bài tập về nhà, thế giới của bọn chúng bỗng trở nên rộng mở và kỳ thú lạ lùng.
Bọn trẻ lần đầu tiên trải nghiệm căn nhà của chúng ở một góc độ rất khác. Ngần ấy phòng và ngần ấy đồ được đem ra khai thác hết cỡ. Gối, chăn, bàn, ghế, ba lô, áo choàng… mọi thứ được trưng dụng một cách sáng tạo để chúng xây “nhà riêng”, “siêu thị”, “nhà hàng” cho mình. Và điều quan trọng là chúng tự tin hơn hẳn khi biết rằng mình có thể làm được nhiều việc. Đứa 6 tuổi lần đầu tiên lau nhà, đứa 9 tuổi lần đầu tiên một mình rửa bát. Hai đứa phân công nhau người thái cà chua, người kia đổ dầu vào chảo…sung sướng hạnh phúc với món ăn do chính mình bỏ công sức làm ra.
Căn bếp nhỏ ồn ào bừa bộn nhưng chứa đựng biết bao bài học kỹ năng quý giá và niềm hạnh phúc trong học tập không thể nào có ở trường. Làm gì ở trong căn bếp ấy bọn chúng cũng hào hứng vui vẻ. Tinh thần sẵn sàng khám phá, niềm đam mê trải nghiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tất cả những điều ấy thầy cô luôn mong có ở học sinh, vậy mà chỉ khi ở nhà vẻ đẹp tinh thần này mới xuất hiện một cách tự nhiên như hít thở.
Thì ra, rời xa áp lực và khối lượng nặng nề của sách vở khiến chúng đủ khoảng lặng để bình an và nhận trách nhiệm!
Cha mẹ tìm lại vai trò dạy con
Bạn thấy không, bố mẹ cách ly công sở, cà phê, bạn bè để trở về đúng nghĩa làm bố mẹ. Chính là có nhiều thời gian bên con, dạy chúng từ điều căn bản thế nào là hiếu, thế nào là đễ. Cha mẹ cần gánh vác trách nhiệm giáo dục đức hạnh cho con cái. Nếu cha mẹ chỉ cung cấp hưởng thụ về vật chất thì là hành vi thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải nói dạy là dạy được đâu. Nếu bắt con ngồi như học sinh để bố mẹ giảng giải, nhồi vào đầu tri thức thì thất bại rồi.
Chỉ là mỗi ngày tôi cho con xem bộ hoạt hình giáo dục truyền thống Tam Tự Kinh. Qua đó bọn trẻ có những tấm gương sinh động trong những câu chuyện đi vào lòng người, thành ra việc học cũng tự nhiên như hít thở vậy.
Tam Tự Kinh Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai. “Tam tự kinh” có tôn chỉ cao minh, quy chính nhân tâm, mà ngôn ngữ lại nông cạn dễ hiểu, đọc lên vần điệu, nên có thể đi sâu vào lòng người. Đây không chỉ là sách vỡ lòng tốt dành cho trẻ em mà còn là bài học cảnh tỉnh, dạy bảo sâu sắc đối với bậc cha mẹ và mọi người. |
Cứ đều đặn như vắt chanh, hàng ngày chúng giục tôi “cho học” theo cái cách như thế mà không cần ai thúc cả. Có một Hoàng Hương biết dùng hơi ấm của mình ủ chăn cho cha để trẻ hiểu thế nào là “hiếu”, có một Khổng Dung tuy còn nhỏ đã biết nhường lê cho anh khiến trẻ biết được “đễ” là gì…Có một tấm gương như vua Thuấn với phẩm hạnh cao thượng và trí huệ phi phàm cho bọn trẻ noi theo, thật tốt quá!
Tôi tin rằng đạo lý vốn rất giản dị, cha mẹ không nhất thiết phải biến mình thành thầy cô nhưng cũng không được phép bỏ qua. Ấy vậy mà nhịp sống hàng ngày trước đây đã cuốn ta đi, làm chúng ta “quên” mất những điều căn bản cần dạy con, hoặc là công việc và mục tiêu kiếm tiền khiến chúng ta rối ren đến không biết phải dạy như thế nào.
Giờ đây, ta có thể bình tĩnh mà tự tìm ra giải pháp. Ngồi cùng con xem một bộ phim hoạt hình có ý nghĩa giáo dục như Tam Tự Kinh và cùng trò chuyện với con về nhân vật thật đơn giản mà thấm thía bố mẹ ạ. Những câu chuyện gần gũi như vậy đã cắm rễ trong tâm trí đứa trẻ rồi, để chúng được nhận bài học làm người xúc động cho bản thân.
Đậu trắng và đậu đen
Một ngày của bọn trẻ ở nhà có khá nhiều việc xảy ra. Tôi cũng nhân tiện muốn chúng học tập từ những hành động nhỏ đời thường. Bởi vì muốn thành công trước hết phải thành nhân, nghĩa là hiểu bản thân và tự ước thúc hành vi của mình, từ đó mới có phẩm chất hối lỗi, khiêm tốn và tự vươn lên.
Vào thời nhà Tống, một người đàn ông tên Triệu Khang Tĩnh đã chuẩn bị chiếc lọ để đựng rất nhiều đậu trắng và đậu đen. Mỗi khi bản thân phát sinh niệm đầu tốt, ông sẽ thả một hạt đậu trắng vào chai; khi mình nghĩ tới việc xấu, ông lại thả hạt đậu đen vào.
Lúc đầu, Khang Tĩnh phát hiện trong chai có rất nhiều đậu đen. Nhưng ông nỗ lực hàng ngày, kết quả là số đạu đen giảm dần. Cuối cùng, tâm hồn ông trở nên thanh tịnh, ngay cả ý nghĩ thiện và ác cũng không xuất hiện, cả chai đậu cũng không cần nữa.
Tôi học theo ông Khang Tĩnh, sắm 2 chiếc lọ, 1 chiếc lọ đựng đậu trắng là tượng trưng cho những việc làm tốt, 1 chiếc lọ đậu đen để bỏ vào mỗi khi mắc lỗi. Mỗi đứa trẻ đều có 2 chiếc lọ “thần kỳ” này. Bọn chúng háo hức vô cùng, mặc dù biết đậu đen là không tốt nhưng rất tự nguyện và chân thật nhặt đậu đen vào lọ khi biết mình đã ngủ dậy quá muộn, quên vệ sinh cá nhân, hoặc chạy lung tung ra khỏi chỗ khi ăn… Thậm chí, cười chê anh/em mình vì bị đậu đen thì cũng đậu đen luôn, để biết cái tâm chê bai, cười trên nỗi buồn của người khác là xấu.
Tôi giải thích cho bọn trẻ hiểu một điều quan trọng rằng: không phải mẹ dùng đậu trắng, đậu đen để trách mắng con, mẹ sẽ không dùng hình phạt gì, mà nhờ đậu trắng và đậu đen các con nhận biết được mình có những điều hay, điều dở nào. Có thể ban đầu con bị nhiều đậu đen và con không vui, nhưng thời gian trôi đi, khi số đậu đen không tăng lên nghĩa là con biết mình đã trở nên tốt hơn. Điều quan trọng không phải ở chỗ mắc lỗi hay không mắc lỗi, mà bản thân con biết không ngừng vươn lên! Mẹ mong sao những hạt đậu trắng như những tia nắng mặt trời soi sáng bước đường con đi suốt cuộc đời dài rộng…
Học như vậy đã trở về đúng nghĩa “ấm vào thân” phải không bố mẹ? Tất nhiên, nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò của trường lớp, thầy cô và sách vở, nhưng khoảng lặng này giúp ta nhận ra ý nghĩa thực chất của việc học là gì. Đừng để con trở thành con lừa cõng trên lưng bao tải tri thức.
Trong lịch sử có không ít ví dụ về những người căn cơ rất tốt, cả đời giữ chắc thiện lương, có người chưa từng đi học, có người không học nhiều, nhưng lại có thể hiểu được đạo lý đối nhân xử thế, một đời rất thành công. Đó là Tể tướng triều Tống của Trung Quốc, Triệu Phổ, cả đời chỉ đọc qua một quyển “Luận ngữ” của Khổng Tử nên bị các quan viên làu thông kinh sử khinh thường. Thế nhưng Triệu Phổ lại có thể sửa trị thiên hạ. Matsushita Konosuke chỉ học hết bậc tiểu học 4 năm, 9 tuổi phải đi học việc để kiếm sống và nuôi gia đình, nhưng cuối cùng trở thành người sáng lập tập đoàn Matsushita, được nước Nhật xưng tán là vị Thánh kinh doanh, thật đáng để chúng ta suy ngẫm.
Video: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời