Chúng ta thường nói ‘chung sống với con như người bạn’, nhưng lời này nói ra thì dễ mà làm được mới khó biết bao…
Công việc chủ yếu của cha mẹ đối với con cái thực ra là hiểu chúng hơn, làm bạn với con, sau đó cổ vũ khích lệ, giúp con đưa ra ý kiến. Cha mẹ nên làm quân sư cho con, hiểu con đang nghĩ gì.
Làm bạn cùng con, tôn trọng con
Bạn có yêu cầu đối với con thì cũng phải cho phép con có yêu cầu đối với bạn. Động một chút là lấy lý do “cha mẹ là người lớn, con là trẻ con”, đơn phương yêu cầu con làm theo ý mình. Điều này không chỉ thể hiện sự thiếu thành ý của một người bạn mà cũng thể hiện bản thân thiếu trách nhiệm.
Trao đổi là vấn đề đau đầu nhất của nhiều bậc cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ thường than phiền rằng, trao đổi với con là ‘vào tai trái ra tai phải’.
Thực ra nguyên nhân chủ yếu khiến cha mẹ không thể nào trao đổi với con cái, có một số điểm sau:
Thời điểm trao đổi không hợp lý
Con cái đang suy nghĩ vấn đề, hoặc là đang hứng thú xem TV thì không muốn trao đổi. Nhưng rất nhiều cha mẹ lại cứ nhằm những lúc đó để nói chuyện với con.
Làm như thế thì kết quả khẳng định là con cái sẽ khó chịu mà cha mẹ nói cũng rất mệt.
Nội dung trao đổi quá phức tạp hoặc không trọng điểm
Khi cha mẹ trao đổi với con cái, nội dung quá phức tạp hoặc không có trọng điểm. Điều này sẽ khiến trẻ không hiểu ý mà cha mẹ muốn biểu đạt, khiến chúng chỉ thấy lôi thôi phiền toái, hoàn toàn không biết cha mẹ nói gì, đương nhiên sẽ ‘vào tai trái ra tai phải’.
Phương thức trao đổi không chính xác
Rất nhiều cha mẹ khi trao đổi với con thì giữ tâm thái kẻ bề trên, nói với con cái những câu như “Cha mẹ nói đâu có sai”, “Con phải nghe lời cha mẹ”, hoặc trực tiếp ra lệnh cho con phải làm theo những gì mình nói.
Trao đổi như thế này hoàn toàn không được gọi là trao đổi, mà là mệnh lệnh. Đây là phương thức trao đổi khiến người nghe chán ghét nhất.
Cha mẹ không gây dựng thói quen trao đổi cho con cái
Khi con trẻ còn nhỏ, một số cha mẹ vì công việc bận rộn mà đã lơ là việc trò chuyện cùng con cái. Sau này, đứa con lớn lên rồi vẫn không hề biết trao đổi những suy nghĩ của mình với cha mẹ như thế nào. Cũng bởi vậy, có những đứa trẻ cảm thấy không cần thiết phải nói chuyện với cha mẹ.
Cha mẹ khi trao đổi với con cái thì cần chú ý những vấn đề sau:
Không được tùy ý tiết lộ chuyện bí mật của con
Có rất nhiều cha mẹ lấy bí mật của con cái ra làm chuyện đùa vui kể cho bạn bè nghe. Như thế sẽ giảm mức độ tín nhiệm của con cái đối với cha mẹ, dần dần sẽ không nói với cha mẹ những sự tình của mình nữa. Bởi đơn giản là chúng lo ngại cha mẹ mình lại đem những chuyện đó đi kể cho tất cả mọi người.
Bất kể sự tình lớn đến mấy thì cũng phải được con cái đồng ý rồi mới nói với người khác. Đây là sự tôn trọng tối thiểu đối với con người, bao gồm cả con cái.
Không được theo ‘chủ nghĩa độc đoán’
Gặp phải sự tình thì cần trao đổi nhiều hơn với con cái, để con nói ra suy nghĩ của mình, đồng thời cần tôn trọng con. Như thế sẽ khiến con trẻ cảm thấy mình được tôn trọng. Khi con được tôn trọng thì chúng sẽ càng tôn trọng cha mẹ hơn.
Cần tín nhiệm con cái và thường xuyên cổ vũ khích lệ chúng
Bất kể con cái quyết định sự tình gì hoặc dùng phương thức nào để hoàn thành công việc thì cha mẹ cũng nên tin tưởng hoàn toàn, đồng thời cổ vũ khích lệ chúng hãy thử sức xem sao.
Cho dù có một số phương pháp xem ra lệch xa lẽ thông thường nhưng không chừng cũng thành công. Một mực phủ định suy nghĩ của con chính là công kích chúng vậy.
Khống chế số lần và nội dung nói chuyện
Nhiều lần nói đi nói lại một nội dung sẽ khiến con trẻ chán ghét, hiệu quả trao đổi cũng sẽ không tỷ lệ thuận với số lần và thời gian nói chuyện. Do đó khi trao đổi với con cái thì nắm được mức độ, nói rõ ràng trọng điểm ra là được. Hãy để lại không gian cho trẻ suy nghĩ xem xét.
Giúp con phân tích những vấn đề gặp phải
Cách làm này có thể giúp con tránh được những đường vòng, hơn nữa cha mẹ còn gây dựng được hình tượng cao lớn, sáng suốt, trí tuệ trong lòng con. Nhưng cha mẹ không được việc gì cũng phân tích cho con, nên hướng dẫn con suy nghĩ.
Trừng phạt và phê bình có mức độ
Khi con phạm lỗi lầm cần phải bình tĩnh nhẹ nhàng nói với con rằng sai ở chỗ nào, mục đích trừng phạt là gì. Không nên nói lời kích động phê bình con làm không đúng, như thế bạn sẽ trở về với hình tượng cha mẹ bề trên cao vòi vọi.
Trao đổi với người nào cũng phải dựa trên cơ sở hai bên bình đẳng, tôn trọng. Với con cái cũng thế, khi bạn dùng suy nghĩ bình đẳng trao đổi với con cái thì chúng sẽ tự nhiên tín nhiệm bạn, thổ lộ tâm sự với bạn.
Giáo dục con cái là một quá trình lâu dài. Trong quá trình cùng với sự trưởng thành của con trẻ, người lớn chúng ta cũng sẽ thay đổi từng tý từng chút một.
Vậy nên người ta thường nói rằng, cha mẹ tốt nhất là người trưởng thành cùng con cái.
Nam Phương
Theo Apollo