Khi trẻ phạm sai lầm, bạn đừng nên chỉ la mắng hoặc thuyết giảng đạo lý xa vời, mà cần cho trẻ những lựa chọn khác.
Có nhiều bậc phụ huynh, hễ mỗi khi con mắc lỗi là tỏ ra cau có khó chịu, quen miệng ra lệnh nói “không được”, không được làm việc này, không được làm việc kia… Kỳ thực, cha mẹ càng la mắng thì con cái càng kém cỏi. Nếu là một bậc cha mẹ sáng suốt, bạn không nên chỉ hạn cuộc như vậy, hãy chỉ ra một con đường mà trẻ có thể đi.
Thường xuyên lớn tiếng mắng trẻ, càng mắng trẻ càng không tiếp thu được
Đại não con người có một đặc điểm, đó là tự động làm ngơ với những thứ quen thuộc. Ví dụ: khi cha mẹ lần đầu trách mắng to tiếng, trẻ có thể sẽ bị dọa sợ “như ý bạn muốn”.
Nhưng sau nhiều lần, trẻ đã quen với việc bị la mắng, vào những lần sau, trẻ thường sẽ lơ đễnh, căn bản là không hề nghe, cũng giống như việc “ở với hàng cá ươn lâu sẽ chẳng thấy mùi hôi”.
Do đó, cần phải dùng lời nói có trọng lượng để dạy trẻ, đã nói là làm, nói được làm được. Uy hiếp nhiều lần làm mất giá trị của lời nói, khi trẻ đã trở nên “lì đòn” thì lời nói cũng chẳng còn hiệu quả gì nữa.
La hét trẻ là phí lời vô ích
Nhược điểm lớn của việc la mắng là sẽ khiến trẻ bị căng thẳng, đại não sẽ tự động chuyển sang cơ chế chạy trốn, toàn bộ năng lượng sẽ tập trung vào việc làm thế nào để trốn thoát.
Ngoài ra, bắt chước là đặc tính của trẻ; bạn la mắng trẻ, thì trong tương lai trẻ cũng sẽ la mắng người khác. Điều này sẽ khiến cho trẻ đánh mất nhân duyên, không thể kết giao với bạn tốt, sau này trên đường đời sẽ rất cô đơn. Hơn nữa bạn mắng con, thì con của bạn sau này sẽ mắng cháu của bạn tương tự như vậy…
Con người đều có tâm hiếu kỳ, càng nghe không rõ thì lại càng muốn chú ý nghe. Vì vậy, muốn trẻ lắng nghe bạn nói, thì không cần phải la lớn, chỉ cần dẫn khởi sự quan tâm của trẻ, trẻ sẽ lại càng chăm chú nghe bạn nói.
Kỳ thực, cách tốt nhất để con thông hiểu là giáo dục con bằng hành động gương mẫu thực tế. Trẻ còn quá nhỏ cũng không thể nói rõ lý lẽ, khi người lớn làm cho trẻ xem, trẻ liền tự nhiên học cách làm tương tự.
Giáo dục trẻ, nếu không dùng la mắng thì phải làm sao?
Dưới đây là 5 cách đơn giản, nếu các bậc cha mẹ có thể áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày, thì dạy con không cần phải dùng đến la mắng:
1. Kiên nhẫn lắng nghe
Khi cha mẹ đối diện với phản ứng không nghe lời của trẻ, thì thông thường sẽ lớn tiếng mắng nhiếc. Nhưng như vậy căn bản không giải quyết được vấn đề.
Quản giáo trẻ, quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân sai phạm của trẻ, đi từ căn nguyên nguồn cội để giải quyết vấn đề. Lúc này cha mẹ trước tiên nên bình tĩnh và kiên nhẫn, hỏi xem nguyên nhân khiến trẻ sai phạm là gì. Sau đó, nghĩ biện pháp để giúp đỡ trẻ giải quyết vấn đề, biết đâu sẽ phát hiện ra hành vi của trẻ kỳ thực về tình là có thể lượng thứ, hơn nữa bản thân cũng loại bỏ được rất nhiều cảm xúc tiêu cực.
Tình huống sau đây là một ví dụ như vậy: Tối hôm đó, con gái tôi cứ hý hoáy bên tờ giấy và chiếc bút chì, tôi lại kiểm tra thì cháu giấu tờ giấy đi, gần 10h đêm rồi mà bài tập toán vẫn không làm xong. Lúc đó tôi tức giận mắng: “Con còn chưa làm xong bài tập để còn đi ngủ sao?”. Cháu ấp úng không nói gì. Không kiềm chế được, tôi lại mắng tiếp: “Làm bài tập nhanh lên, còn đi ngủ sớm”. Cháu rơm rớm khóc, tôi giật lấy tờ giấy từ tay cháu. Lúc này cháu mới lí nhí nói: “Là con đang vẽ mẹ. Sắp đến Ngày của Mẹ, nên con muốn vẽ tranh tặng mẹ”. Khi ấy tôi cảm thấy rất xúc động, cũng thấy hối hận thay cho hành động vừa rồi của mình. Giá như tôi có thể bình tĩnh hỏi và lắng nghe con nói nhiều hơn…
2. Buông tâm xuống và nói chuyện thân thiện với trẻ
Có một số phụ huynh rất thích giữ sự uy nghiêm của họ trước mặt con cái, quen dùng cách này để trấn áp trẻ. Nhưng làm như vậy thường sẽ tăng cường mâu thuẫn, bảo trẻ không được làm thì trẻ càng ương ngạnh muốn làm.
Không cần lúc nào cũng phải dùng phương thức mệnh lệnh. Lúc này cha mẹ nên buông tâm, có thể làm một cuộc ‘thương lượng’ với trẻ, mỗi bên lùi một bước có lẽ là phương pháp tốt nhất. Ví dụ như, khi trẻ muốn chơi trên ghế sofa trong khi cha mẹ lại có việc cần suy nghĩ, thì có thể yêu cầu trẻ vào chơi trên giường trong phòng ngủ, hoặc là yêu cầu trẻ sẽ chơi vào lúc sau, hoặc đợi cha mẹ giải quyết xong việc sẽ đưa trẻ đến công viên thỏa thích chạy nhảy. Tất nhiên làm cha mẹ phải nói được làm được.
3. Hãy để trẻ tự trải nghiệm hậu quả
Nếu trẻ luôn không thể lắng nghe người lớn, bạn có gào thét thế nào thì cũng vô ích. Lúc này, cha mẹ cũng có thể để trẻ cảm thụ mùi vị của việc tự mình nhận lấy hậu quả.
Thông qua trải nghiệm thiết thực của bản thân, trẻ có thể hiểu sâu sắc được những điều cha mẹ dạy trẻ chính xác và quan trọng như thế nào.
4. Dạy đạo lý thực tế cho trẻ
Cha mẹ cũng nên dạy bảo cho trẻ những đạo lý trong các tình huống thực tế nhất định. Để cho trẻ có được sự đồng cảm, nghĩ cho người khác, thực sự hiểu rõ hành vi của bản thân sẽ ảnh hưởng đến những người khác như thế nào.
Đối với phương thức giải thích đạo lý, có thể căn cứ theo độ tuổi của trẻ để lựa chọn mức độ giảng giải phù hợp; đặc biệt trẻ nhỏ có thể dạy đạo lý thông qua việc kể các câu chuyện cổ tích cho trẻ.
5. Dành cho trẻ một lựa chọn khác
Khi trẻ phạm lỗi, bạn không nên chỉ la mắng trẻ, hoặc thuyết giáo đạo lý quá xa vời, mà là cần dành cho trẻ một lựa chọn thiết thực khác. Nói cách khác, đừng chỉ nói “không thể”, hãy cho trẻ một định hướng rõ ràng, chỉ ra cho trẻ một con đường có thể đi.
Đại não giống như thảo nguyên rộng lớn, trẻ muốn đi đến địa điểm B, nhưng bạn không muốn trẻ sẽ lại đi từ địa điểm A như trước, vậy trước tiên bạn hãy dắt tay trẻ chỉ ra một con đường khác cũng có thể đến đường B. Sau một thời gian, cỏ cây trên đường bị dẫm đạp san bằng, và con đường mới được hình thành.
Cha mẹ nếu muốn trẻ trở nên ngoan ngoãn và có thể tự lập, thì không nên tước đoạt cơ hội thực hành của trẻ. Để trẻ tự xử lý chuyện của mình, và tự trải nghiệm việc gánh chịu trách nhiệm – như vậy cha mẹ chính là đang dưỡng thành cho trẻ năng lực độc lập giải quyết vấn đề. Thay vì la mắng, cha mẹ hãy nắm lấy tay trẻ, nhẹ nhàng hướng dẫn, chỉ cho trẻ một con đường có thể bước đi.
Theo Cmoney
Mây Trắng biên dịch