Nền giáo dục nào mới được coi là đúng đắn cho cả thế giới áp dụng, liệu có phải là một nền giáo dục “cho những con cá leo cây”? 

“Albert Einstein từng nói: ‘Ai cũng là thiên tài’. Tuy nhiên, nếu chúng ta đánh giá những con cá bằng khả năng leo cây chúng sẽ tin rằng mình là những kẻ ngu đần suốt một đời”.

Nền giáo dục khuôn phép, cứng nhắc hiện nay trên hầu hết các quốc gia “đang biến hàng triệu con người thành robot” và không thực sự phát huy được tố chất, điểm mạnh, tài năng vốn có của học sinh. Điều này giống như bắt một con cá phải sinh tồn và phát triển tốt đẹp trong môi trường cạn. Lâu dần, những đứa trẻ phải bơi ngược dòng ấy không thể nhận ra tài năng, tự nghĩ rằng chúng thật ngu ngốc và tin rằng chúng thật vô dụng. Khi ấy, sự sáng tạo, những nét riêng biệt trong tính cách và cảm xúc trí tuệ của chúng liệu có chỗ tồn tại? 

Trong thời đại hiện nay, khi các sản phẩm công nghệ đang thay đổi từng phút từng giây thì nền giáo dục dường như vẫn “khiêm tốn” dậm chân tại chỗ. Chúng ta đã từng có những cuộc cải cách, nhưng đó chỉ là cải cách nội dung trong cuốn sách chứ không phải là cách thức thực hành.

Sách giáo khoa là ‘chân lý bất biến’

Nền giáo dục hiện đại được ví như nền công nghiệp sản xuất “cử nhân, thạc sĩ giấy”. Tại đó, những đứa trẻ đều được lập trình một bộ hệ thống kiến thức chung là sách giáo khoa. Sách giáo khoa trở thành chân lý, chân lý ấy có thể đóng cứng mọi tư duy và bản năng nhận thức bình thường của bất kỳ đứa trẻ nào.

Giáo dục là những bài thi có sẵn công thức và nhiệm vụ của học sinh là học thuộc và điền con số để đạt quy chuẩn. Những đứa trẻ chúng được học cách làm hài lòng các tiêu chuẩn chung của chương trình giáo dục, theo sự sắp xếp tương lai của cha mẹ và xã hội; nhưng không được học về giấc mơ và sáng tạo.

“Tôi đã nghiên cứu về các người và lịch sử cho thấy các người được tạo ra để đào tạo công nhân cho nhà máy vì thế các người xếp học sinh gọn gàng vào khuôn, bắt chúng ngồi im và giơ tay khi muốn phát biểu. Nghỉ trưa chỉ kịp ăn và nhồi sọ 8 tiếng mỗi ngày”, một người Mỹ trẻ bày tỏ quan điểm của mình.

Một nền giáo dục nên là nơi học sinh được tự do bày tỏ ý kiến và diễn giải của mình. Nội dung bài học vì thế mà không được phép đóng cứng vào một diễn giải cụ thể, dù đó có là diễn giải của một người thầy đáng kính. Nếu không, học sinh sẽ bị hạn cuộc vào những nguồn kiến thức có sẵn mà không thể đột phá ra những nguồn tri thức mới. Như cách mà Albert Eistein nói, “ai cũng là một thiên tài”. Học rõ ràng không nên chỉ là việc học thuộc những kiến thức và giải pháp có sẵn, mà nó nên là sự khám phá, tìm tòi và sáng tạo theo những hướng tư duy mới.

“Mọi nhà khoa học đều khẳng định mỗi bộ não đều độc nhất. Vậy tại sao các người lại áp đặt lên chúng những khuôn bánh và nón một cỡ… Nếu các bác sĩ phát thuốc giống hệt nhau cho mọi bệnh nhân, thì đó sẽ là một thảm kịch, rất nhiều người sẽ bị bệnh nặng. Tuy nhiên, khi nói về giáo dục, chuyện y hệt đang diễn ra…”

Con người sinh ra vốn khác nhau, có nam có nữ, có người thông minh, lại có người không thông minh; có người thích toán nhưng lại có người thích văn, có người thích vẽ nhưng lại có người thích hát… Mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm, nhu cầu, tài năng và ước mơ khác nhau. Tuy nhiên, nền giáo dục đang ép những đứa trẻ phải giống nhau, cùng mơ một điểm số, một nghề nghiệp và một trường học tương lai.

Phương pháp cho điểm học sinh thật sự đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với học sinh, phụ huynh và cả những thầy cô giáo. Không những vậy, chính nó đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết lên họ và khiến họ cảm thấy rất căng thẳng. Trong khi đó, việc bắt học sinh phải đúp lớp bị coi như một biện pháp trừng phạt vô nghĩa, khiến học sinh chịu thêm áp lực về học hành và từ đó chán học, đồng thời là gánh nặng về tài chính cho gia đình.

Đánh giá quá thấp cái giá của giáo dục

Ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, thậm chí là Mỹ, nghề nhà giáo, bác sĩ đều được xem là những nghề cao quý trong xã hội hiện nay, nhưng mức lương của giáo viên được trả khá thấp trong khi nó nên được ngang bằng với lương của một bác sĩ?

“Một bác sĩ có thể phẫu thuật tim để cứu sống một đứa trẻ, nhưng một nhà giáo có thể chạm đến trái tim đó để giúp đứa trẻ hiểu rằng sống là thế nào…”

Thay vì trả lương xứng đáng cho giáo viên hay tìm cách thay đổi nền giáo dục thì xã hội đang chọn cách đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào việc nâng cấp trí tuệ nhân tạo, để lập trình robot có cảm xúc giống con người.

Phải chăng, chúng ta đang đánh giá quá thấp cái giá của giáo dục hay vì chúng ta không dám đặt niềm tin vào khả năng cải cách giáo dục có thể đem đến những bước tiến vượt trội? Không phải chúng ta đang đánh giá quá thấp cái giá của giáo dục mà hơn cả chúng ta đang đánh giá quá thấp tài năng con người. Chúng ta không đủ niềm tin đánh giá khả năng của chính mình và tài năng của người khác.

Hệ quả của hệ thống giáo dục hiện đại là những nghịch lý. Hàng năm, có hàng trăm ngàn cử nhân, Thạc sĩ thất nghiệp nhưng rất nhiều công ty tuyển dụng vẫn rơi vào tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng? Rất đơn giản, chúng ta đang cần những nhân sự chuyên môn, có tính sáng tạo và nhanh nhẹn thực hành. Tuy nhiên, sản phẩm mà nền giáo dục đưa ra là những cử nhân và thạc sĩ thi rất giỏi, điểm rất cao nhưng không có khả năng làm việc.

Phần Lan – Quốc gia đi đầu về nền giáo dục hiện đại

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi, vì sao Phần Lan là một quốc gia đi đầu về giáo dục trên thế giới? Chìa khóa để mở cửa câu trả lời đó chính là “Nền giáo dục tiên tiến đích thực”.

Được biết đến là quốc gia có nền giáo dục “đáng kinh ngạc”, giáo dục Phần Lan dựa trên nền tảng là văn hóa niềm tin. Không áp đặt thành tích điểm số, xếp loại hay thi đua khen thưởng, mục tiêu của giáo dục là làm cho học sinh cảm thấy vui, hạnh phúc và tự tin với những điểm mạnh của mình, tự tin khi thành công và ngay cả khi gặp thất bại.

Giáo dục hiện đại khởi nguồn từ kinh nghiệm hiện tại của chính người học, chứ không phải của người lớn, không phải của người thầy.

Kinh nghiệm của học sinh lại phụ thuộc vào lứa tuổi, vào môi trường xung quanh nơi các em sinh sống. Một học sinh ở thành phố sẽ có những kinh nghiệm khác với học sinh ở nông thôn, vì bối cảnh vật chất, xã hội xung quanh, những con người các em thành thị tiếp xúc thường ngày khác với những gì học sinh nông thôn thường gặp…

Nội dung chương trình giảng dạy phải được thiết kế từ những kinh nghiệm này, do vậy, nó phải là mỗi nơi phải mỗi khác, hình thức sư phạm mỗi nơi cũng phải mỗi khác. Hay nói cách khác, không thể áp đặt một chương trình quốc gia chi tiết chung cho tất cả học sinh của tất cả các nơi, không thể áp dụng một hình thức phương pháp sư phạm cho tất cả các học sinh.

Người Phần Lan thành công trong giáo dục hiện nay là nhờ áp dụng nguyên tắc này, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm trong nhà trường, nhất là trường tiểu học không những dựa vào từng lứa tuổi, từng vùng địa lý với môi trường văn hoá xã hội khác nhau, mà thậm chí tuỳ vào thể trạng, năng khiếu của từng học sinh. Uỷ Ban Giáo dục Phần Lan có đưa ra một chương trình khung quốc gia, nhưng chỉ là những nét rất chung, quy định một cách tổng thể các mục tiêu giáo dục được in trong chưa đến chục trang giấy, còn việc bằng con đường nào để đạt được mục tiêu đó là việc của các trường, là việc của từng giáo viên đứng lớp.

Triết lý giáo dục của Phần Lan cho rằng: Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt và xứng đáng được hưởng nền giáo dục chất lượng và công bằng. Vì vậy, dựa trên năng lực của từng học sinh mà các giáo viên có thể thiết kế giáo án riêng cho những em cần sự hỗ trợ đặc biệt.

Tại đây, nếu một cậu bé 5 tuổi muốn đọc sách mà trường không có sẵn. Thầy hiệu trưởng cần đề xuất lên thành phố để trang bị thêm theo nhu cầu của học sinh. Và tất nhiên, mọi thứ đều miễn phí.

Với mục đích của giáo dục là truyền tải kiến thức mà không phải dạy để thi, Phần Lan quy định không được xếp hạng hay cho điểm để đánh giá các học sinh trước lớp 6. Học sinh phổ thông không có thi cử, chỉ có một kỳ thi duy nhất là thi vào đại học, vì thế học sinh được tự do tìm tòi khám phá môn học mình yêu thích, không bị áp lực thi cử.

Bắt đầu từ những năm 1970, Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai của họ. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tất cả giáo viên phải có bằng Thạc sĩ và tất cả cần được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Cũng kể từ đây, nghề nhà giáo trở thành nghề được tôn trọng nhất xã hội.

Điều tuyệt vời này bởi vì họ đã tạp ra một mức độ chuyên nghiệp rất cao trong nghề nhà giáo để họ có thể hoàn toàn tin tưởng vào các giáo viên của mình. Khẩu hiệu của họ đó là: “Niềm tin thông qua sự chuyên nghiệp”.

Nói nền giáo dục hiện nay cần bình thường bởi nó đang ‘bất thường’, vì nó bắt những con cá leo cây, bắt những con cá lội ngược dòng. Hãy để mọi việc “thuận theo tự nhiên”, để những con cá được bơi xuôi dòng, để những mầm non tự biết vươn đến chỗ ánh sáng chứ không phải uốn nó trong những khung thép công nghiệp!

Hồng Tâm

Từ Khóa: