Nổi tiếng từ chương trình truyền hình thực tế “Vietnam Got Talent” 2016, cô Nguyễn Thị Thúy chắc hẳn vẫn còn ở trong lòng của rất nhiều khán giả với giọng ca da diết và câu nói dung dị mà ý nghĩa “Hãy cứ bình tĩnh sống”. 

Các chương trình truyền hình thực tế như “Vietnam Got Talent” không chỉ là nơi tìm kiếm những tài năng của đất nước, mà đó cũng là một nhịp cầu giúp người Việt hiểu hơn về cuộc sống của những mảnh đời khác có chung quê hương, chung tiếng nói.

Với dáng vẻ gầy gò, nhỏ bé, cô Nguyễn Thị Thúy cùng cây đàn ghi-ta của mình đã khiến các khán giả và ban giám khảo trong trường quay “Vietnam Got Talent” năm 2016 vô cùng ngạc nhiên, thích thú trước giọng ca tha thiết, âm vang. Nhưng chính phần chia sẻ về cuộc đời của cô hôm ấy mới khiến người xem và cả 3 giám khảo xúc động và cảm phục.

Bài hát cô mang đến dự thi là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên – “Riêng một góc trời”. Tên của bài hát vừa khớp với câu chuyện cuộc đời cô Thúy 5 năm này, khi cô chuyển cuộc sống của mình ẩn vào giữa núi đồi Đà Lạt.

5 năm trước, cô sống trên một mảnh đất trên con đường dẫn vào rừng thuộc địa bàn huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Những kẻ phá rừng lấy gỗ ở đây muốn mở rộng con đường, cũng chính là mở rộng sự tàn phá của mình. Cô Thúy đã phản đối gay gắt việc này,… rồi bị những kẻ xấu đe dọa đốt nhà, cắt điện và làm tổn hại rất nhiều đến cuộc sống của cô.

Đó là lý do tại sao, cô Thúy cùng em gái phiêu bạt khắp nơi rồi cuối cùng tìm về ngôi nhà nhỏ trên một ngọn đồi tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng sinh sống. Cuộc sống giữa chốn non nước tưởng chừng sẽ bình yên, không còn những lời dọa dẫm, những nơm nớp lo âu, nhưng hai cô lại phải đối mặt với một thử thách mới – cái nghèo. Nơi các cô ở không có điện, cô Thúy cũng đã đào đến hai chiếc giếng nhưng cũng không tìm được giọt nước nào. Không điện, không nước, cuộc sống tưởng như đi vào bế tắc…

Cô Thúy, ngay từ thời điểm ấy đã chọn cho mình thái độ sống chấp nhận mọi cái khổ và tìm cách vượt qua. Không đào được giếng, cô cùng em gái tự thiết kế hệ thống máng hứng và dẫn nước mưa, rồi đi xin những chiếc thùng to về để tích nước. Không có điện, ban ngày đã có ánh mặt trời, còn buổi tối hai cô hài lòng với ánh đèn dầu, không sáng như đèn điện nhưng cũng đủ để thấy đường trong nhà và nhìn thấy khuôn mặt người kia.

Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng đầy bình yên

Cuộc sống của hai cô trôi đi như thế, lặng lẽ mà kiên cường như những nhánh cỏ lau đang mọc lên xanh tốt bao bọc lấy ngôi nhà nhỏ của hai người.

Hát xong, chia sẻ xong câu chuyện về cuộc đời 5 năm nơi núi rừng của mình, khuôn mặt cô Thúy khi ấy vẫn giữ nguyên nét bình yên, nhẹ nhõm chứ không vương chút nào sự khổ đau hay oán trách.

Giám khảo Trấn Thành lúc ấy đã phải thốt lên: “Sao cuộc sống của cô cơ cực dữ vậy?”. Cô Thúy đã nhanh chóng trấn an: Không sao đâu, bình tĩnh sống.” 

Lời nói dung dị mà thấm thía của cô hôm ấy đã truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người, những khán giả tại trường quay và cả những người được biết đến câu chuyện của cô qua báo chí. Một người phụ nữ đã gần 60, sống trong căn nhà không điện không nước, và sau này người ta mới biết cuộc sống của hai cô trông vào vườn chè nhỏ trước nhà, họ cơ cực vậy, nhưng vẫn hát ca, vẫn sẵn sàng cất tiếng đờn, hòa cùng tiếng hát của mình trong một cuộc thi.

Giọng ca tha thiết cất lên từ thân hình hao gầy của cô Thúy đã giúp rất nhiều người nhận ra:

Trong cái khốn khó của cuộc sống, con người vẫn có khả năng tìm ra những niềm vui, và như cô Thúy chia sẻ, người ta luôn có khả năng tạo cho mình bình yên. Điều quan trọng là mỗi người có ý thức được sức mạnh ấy nơi chính mình.

Sau đêm thi thành công tại Sài Gòn, cuộc sống của cô Thúy và em gái, là cô Mai đã bớt đi nhiều những nhọc nhằn. Các giám khảo đã cùng nhau tặng cho cô một món quà, một số tiền nhỏ đủ để cô lắp một bể chứa nước và mua được tấm pin mặt trời và vài bình ắc quy chứa điện. Cuộc sống vật chất đã được cải thiện hơn, nhưng hai cô vẫn giữ cho mình cách sống dung dị, trầm lắng của những ngày trước khi cô Thúy đi thi, bởi cách sống ấy, bấy lâu nay đã giúp các cô vượt qua những giờ phút khó khăn và thử thách nhất.

Cô Thúy và cô Mai có một mảnh vườn nhỏ trồng chè. Diện tích trồng trọt nhỏ, nên lượng chè hái được không đủ để giúp cô trang trải cuộc sống. Bữa cơm của hai người phụ nữ vì thế có lúc chỉ có cháo cầm hơi, có lúc là cơm độn những loại nông sản khác, như thời xa xưa nghèo khó. Nhưng không vì cái nghèo nơi vật chất ấy mà cô Thúy phun thêm thuốc để chè mọc nhiều, mọc nhanh hơn. Cô chọn nghèo chứ không chọn làm sai, làm điều gây tổn hại đến sức khỏe của những người xung quanh. Lựa chọn ấy chính là cách cô đem bình yên về trong cuộc sống.

Cô sẵn sàng chọn phần thiệt về mình, chọn thiện lương để đổi lại được sự an yên trong tâm hồn

Ở trên đồi nhưng cuộc sống của cô vẫn bị rất nhiều người xấu quấy phá. Cô Mai, em gái cô cũng từng bị những kẻ du côn trong núi đồi làm tổn thương thân thể. Nhưng đối đáp lại những điều không thiện ấy, cô Thúy chọn thiện lương để sống. Người ta phá thì khi có được sự giúp đỡ, cô dựng thêm hàng rào để bảo vệ cho cuộc sống của hai chị em. Cô cũng khuyên em gái “cứ bình tĩnh sống”, như chính cách cô đã làm.

Bình tĩnh có nghĩa rằng khi những giây phút khó khăn nhất qua rồi thì mình phải sống tiếp, chứ đừng để nỗi đau, hay nỗi sợ níu mình lại với quá khứ, để rồi cứ tự dệt thêm những nỗi ưu phiền. Rồi cô Thúy dạy võ cho cô Mai, để cô Mai trở nên mạnh mẽ hơn, có thể tự bảo vệ mình trong những trường hợp bất trắc.

Tiếng hát là một niềm vui cô tìm thấy trong chính mình, để khiến mình mạnh mẽ hơn

Cuộc sống là một chuỗi những điều gian khó và thử thách mà số phận đã định sẵn cho mỗi người. Nhưng dưới con mắt của cô Thúy, những khó khăn đó không thể làm con người ta gục ngã nếu trong lòng người không sợ hãi.

“Ý cô nói rằng là có khổ thì khổ thiệt, nhưng mình vượt qua được hết thì vẫn tiếp tục sống thôi. Bây giờ cứ bình tĩnh sống đi, nếu thiếu bình tĩnh, sợ hãi thì vừa nghèo vừa không thoải mái. Cô chọn cho mình bình yên”. Cô Thúy đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về câu nói truyền cảm hứng của cô năm ngoái: “Cứ bình tĩnh sống”.

Nhận về mình phần thiệt thòi, cứ bình thản mà đi qua những nỗi đau, cố gắng tìm trong chính mình những điều có thể khiến mình và những người xung quanh vui lên đó chính là cách mà người phụ nữ nhỏ bé này gây dựng sự bình yên trong tâm hồn.

Cũng chính bởi thế, từ khi được một nhà hảo tâm tặng cây đàn ghi-ta, cô Thúy càng hay ca hơn nữa, cô đờn ca không bởi chỉ để khỏa lấp những nỗi buồn của mình, để bồi lấp những khoảng trống về những câu hỏi nhân sinh trong chính mình, mà quan trọng hơn nữa là để làm người thân nhất bên cạnh cô, cô Mai được hạnh phúc.

An yên bước giữa núi đồi, an yên sống giữa cuộc đời

Cô Thúy chia sẻ, khi cô đi thi, không biết mình sẽ thi như thế nào, thi bài gì. Nhưng khi giọng ca của cô được mọi người mến mộ, em gái cô vui nhất, điều đó làm cô vui.

Trong cuộc sống phải chăng khi chọn cho mình những điều thiệt thòi hơn, những tưởng là một sự ngốc nghếch. Cô Thúy đã sống để chứng minh điều ngược lại: Lựa chọn đó sẽ mang đến cho mỗi người sự an yên trong tâm hồn. Bởi mỗi lần chọn cho mình sự thiệt thòi, là một lần bạn khiến tâm hồn mình nhẫn nại và dũng cảm hơn. Và chỉ khi bạn thật sự có được một nội tâm vững vàng, tĩnh lặng bạn mới có đủ năng lượng tích cực để mang tới hạnh phúc và bình yên cho những người xung quanh mình.

Nguồn ảnh: Tri thức trẻ

Hy Văn