Nằm hai bên hẻm núi cao của dãy Andes (Peru), cây cầu cỏ Q’eswachaka 500 tuổi đã trở thành điểm thu hút nhiều du khách ưa mạo hiểm tới Peru, để trải nghiệm cảm giác phiêu lưu như trong những bộ phim hành động của Hollywood.

Cầu Qeswachaka (hay còn gọi là Q’eswachaka hoặc Keswachaka) dài khoảng 36m, bắc qua sông Apurimac ở độ cao 67m. Đây là cây cầu cỏ được xây dựng từ thời đế chế Inca, cho tới nay, nó là cây cầu cỏ duy nhất còn sót lại trên thế giới.

Mỗi khi mùa xuân tới, cộng đồng dân cư Quechua lại tập trung tham gia vào lễ hội “đổi mới”, tức là phá cầu đi làm lại với ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, trút bỏ những thứ không may mắn để đón chờ điều mới mẻ. Bên dòng sông, mọi người cùng nhau bện cầu, tạo nên những sợi thừng lớn, dài hàng chục km. Sau khi dựng lại cây cầu, họ sẽ tiến hành tổ chức nghi lễ trang trọng.

doc dao voi chiec cau treo bang co o peru
Phụ nữ Quechua xoắn cỏ ichu thành sợi dây thừng nhỏ.

Khi các điểm neo của cầu bị cắt đứt, cầu Q’eswachaka rơi thẳng xuống sông Apurimac và theo dòng nước trôi đi. Trước đây, cứ 3 năm người ta sẽ thay mới cầu, tuy nhiên, do du lịch phát triển nên cộng đồng dân cư đã tăng tần suất thay cầu định kỳ mỗi năm.

doc dao voi chiec cau treo bang co o peru
Cầu được cắt bỏ để xây dựng mới.

Phương pháp xây dựng cầu được truyền qua nhiều thế hệ. Đầu tiên, người ta thu thập những sợi cỏ ichu dài, bện lại với nhau để tạo thành các sợi dây nhỏ, mỏng. Từ những sợi nhỏ đó, bện thành những sợi dây thừng lớn. Cuối cùng, họ sẽ sử dụng những sợi dây thừng đó để làm thành cây cầu bắc ngang dòng sông chảy xiết. Khi cây cầu hoàn thành, người dân bản địa sẽ tiến hành tổ chức âm nhạc, tiệc tùng, cầu nguyện.

doc dao voi chiec cau treo bang co o peru
Những người tham gia lễ mang theo sợi dây thừng dài, nặng xuống hẻm núi để bắt đầu xây dựng. (Ảnh: Nationalgeographic)

Trải qua hàng trăm năm, cho đến nay, cầu Q’eswachaka vẫn là một địa điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm cảm giác đi trên cầu với nhiều cảm xúc. Năm 2013, cầu được UNESCO xếp vào danh sách Di sản văn hóa thế giới bởi lịch sử và tầm quan trọng của nó đối với người dân sống trong khu vực.

Lan Phương