Khi đi du lịch đến những miền đất mới, chúng ta thường lựa chọn những phương tiện như ô tô, xe máy hoặc máy bay. Tuy nhiên tàu hỏa cũng là một gợi ý thú vị cho bạn khi muốn lên kế hoạch khám phá những đất nước mới. Dưới đây là danh sách một vài tuyến đường sắt vô cùng đặc biệt mà bạn nên ghé qua một lần trong đời.

Đường sắt Maeklong, Thái Lan

Nếu đi dạo qua con đường này vào lúc bình thường, bạn sẽ dễ lầm tưởng nó là một khu chợ bình thường như bao khu chợ tạm phổ biến ở Châu Á. Hàng hóa được bày bán tận ra phía đường ray xe lửa, lều bạt che kín mít cả khoảng trời nhỏ của khu chợ. Mỗi khi nghe tiếng báo hiệu của đoàn tàu sắp đến, chỉ trong chớp mắt, những người bán hàng hối hả dọn dẹp các mặt hàng, thu lại những tấm bạt che nắng và chờ đợi đoàn tàu đi qua.

Những chiếc xe lửa đi qua đây cũng với tốc độ khá chậm, chỉ 30 km/h để người dân kịp chuẩn bị và tránh những tai nạn đáng tiếc.

(Ảnh: Lostbird.vn)
(Ảnh: Lostbird.vn)

Đường Ray Chết Chóc, Thái Lan

Tuyến đường sắt Burma ở tỉnh Kanchanaburi ở Thái Lan còn được gọi với cái tên Đường Ray Chết Chóc. Sở dĩ tuyến đường được gọi với cái tên như vậy bởi vì nó được xây dựng vào thời gian quân phiệt Nhật Bản chiếm đóng vùng đất này trong chiến tranh thế giới thứ II. Len lỏi qua những cánh rừng rậm rạp và những ngọn núi dốc đứng, nơi đây đã cướp đi 90.000 sinh mạng người lao động dân sự và 12.000 tù nhân quân đồng minh trong quá trình xây dựng nó.

(Ảnh: Lostbird.vn)
(Ảnh: Lostbird.vn)

Đường sắt cắt ngang sân bay Gisborne, New Zealand

Thật là nguy hiểm khi có một đoạn đường ray xe lửa cắt ngang một sân bay với những chiếc phi cơ đang trên đường cất cánh. Thế nhưng ở New Zealand có một tuyến đường sắt như vậy, tuyến xe lửa Palmerston North – Gisborne vận hành suốt ngày đêm với một đoạn đường ray đi xuyên qua sân bay Gisborne, nhà quản lý chắc hẳn phải rất cẩn thận để phân luồng cho tuyến đường sắt này.

(Ảnh: Lostbird.vn)
(Ảnh: Lostbird.vn)

Tàu lửa Tren a las Nubes, Argentina

Tuyến đường sắt này đi ngang qua dãy núi Andes với độ cao trung bình khoảng 4.220 m trên mực nước biển. Những mỏm đá chênh vênh và những cây cầu cạn cao vút khiến tuyến đường này trở thành tuyến đường sắt cao thứ 5 trên thế giới. Vì những cấu trúc phức tạp của địa hình, người ta phải mất 27 năm để hoàn thành tuyến đường sắt và nó cũng được mệnh danh là tuyến đường sắt nguy hiểm nhất thế giới.

Phóng tầm mắt qua những ô cửa sổ trên toa tàu, du khách có cảm giác như mình đang ngồi trong một toa xe lửa lơ lửng trên không trung để tận hưởng làn gió mát lành và bầu trời xanh thăm thẳm của vùng núi rừng Trung Mỹ.

(Ảnh: ecosdelnorte.com)
(Ảnh: Lostbird.vn)

Đường sắt Chennai-Rameshwaram, Ấn Độ

Tuyến đường sắt 103 tuổi ở Ấn Độ này đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa của thế giới. Với chiều dàu 2.0065m nối liên hòn đảo Rameshwaram với bờ biển phía nam Ấn Độ bằng những bệ đỡ khá thấp so với mặt biển. Khi di chuyển trên tàu, với bốn bề là mặt biển mênh mông, chúng ta sẽ không khỏi hoảng sợ trước từng con sóng lớn đập vào chân cầu.

(Ảnh: Lostbird.vn)
(Ảnh: holidayiq.com)

 Đường ray tàu hỏa hình xoắn ốc ở Thụy Sĩ

Brusio là đường ray đơn chạy qua cây cầu cạn Graubunden ở Thụy sĩ, mục đích của các kỹ sư khi xây dựng những kiến trúc dạng xoắn ốc cho cây cầu này là để nó hạ độ cao trong một đoạn đường ngắn nhất có thể, đoạn đường hình xoắn ốc này dài 110m và nghiêng 7% so với mặt đất.

(Ảnh: Dreamstime.com)
(Ảnh: ilswitzerland.com)

Anh Lân