Lễ hội đèn lồng của người Hoa được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch tức ngày 19/2 năm nay, đây là ngày cuối cùng trong lễ hội đón năm mới của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông hay còn được gọi là Tết Nguyên tiêu.
Cách Thượng Hải 150km về phía Nam, đối diện biển Hoa Đông là thành phố Ninh Ba – thương cảng lâu đời nhất của người Hoa và được cho là điểm khởi nguồn của con đường tơ lụa trên biển. Đây cũng là nơi xuất xứ của những kiệt tác tranh thủy mặc xuất chúng và cũng là quê hương của món bánh Thang viên (Tangyuan) – một loại bánh bao ngọt mang ý nghĩa hài hòa, viên mãn.
Những chiếc bánh trắng trôi nổi giống như ánh trăng trôi trên nước mang một ý nghĩa sâu sắc viên mãn, đoàn viên, thống nhất. Người Hoa tin rằng, khi gia đình quây quần bên nhau vào dịp trăng sáng đầu tiên trong năm sẽ là khởi đầu của một năm mới hạnh phúc tràn đầy.
Thang viên được cho là có từ cách đây hơn 1000 năm trước vào thời nhà Đường. Trong thời gian này, người dân Ninh Ba có làm một loại bánh mềm rắc mè đen, mỡ lợn và đường trắng. Thang viên còn được gọi với tên khác là “Yuanxiao”, có nghĩa là “Đêm đầu tiên” ý chỉ về ngày đầu tiên trăng tròn của một năm mới.
Đối với người Hoa, Thang viên có nghĩa là đoàn tụ gia đình, tất cả mọi người cùng ngồi bên nhau và ăn bánh thang viên vào dịp Tết Nguyên tiêu hay còn gọi là lễ hội đèn lồng hoặc lễ hội Hoa đăng.
Có nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc của lễ hội và một trong những số câu chuyện được người Hoa nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện kể về một hoàng đế triều đại nhà Minh là một người sùng bái đạo Phật, khi ông thấy tất cả các ngôi chùa đều thắp đèn lồng sáng vào ngày trăng tròn đầu tiên của năm, ông đã ra lệnh cho tất cả người dân đều làm theo như vậy, và từ đó tục lệ này trở thành một truyền thống.
Theo tập tục cũ, đêm ngày rằm tháng giêng, bất cứ trong thành thị hay ở nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn kết hoa, mọi người ra ngắm cảnh hoa đăng, đố câu đối, bầu không khí Tết Nguyên Tiêu thật tưng bừng náo nhiệt, cùng quây quần bên nhau và thưởng thức thang viên.
Cách làm bánh Thang viên
Thời gian chuẩn bị: 1 giờ
Thời gian nấu: 10 phút
Nguyên liệu
(Số lượng 24 chiếc bánh trôi cho gia đình từ 4-6 người)
- Mè đen
- Đậu phộng
- Đường cát
- Mỡ lợn (hoặc bơ không ướp muối)
- Gạo nếp
Tiến hành
- Rang đậu phộng cho chín vừa đều trong khoảng 5 phút, rang mè đen cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của hạt vừng thì bắt xuống, trong khoảng 3 phút.
- Xay hỗn hợp đậu phộng, mè, vừng và đường trong máy xay cho nhuyễn. Cho thêm mỡ lợn vào hỗn hợp và trộn thật đều. Đổ hỗn hợp ra khay cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 30 phút cho hỗn hợp nhân cứng lại.
- Sau lấy hỗn hợp ra nặn thành từng viên nhỏ có đường kính khoảng 2 cm.
- Đổ bột gạo nếp vào một chiếc chảo và bên cạnh chuẩn bị một bát nước sạch.
- Thả các viên nhân vào chiếc chảo bột và cầm cán lắc đều cho lớp bột dính lên phần nhân mè đen đậu phộng.
- Thả các viên bánh vào bát nước 2s và nhanh chóng đặt lại vào chảo bột
- Lặp lại thao tác trên 10 lần.
Đun nồi nước sau đó thêm đường và vài lát gừng cho sôi, sau đó thả bánh vào và đậy nắp lại đun cho tới khi các viên bánh nổi trên mặt nước, dùng muỗng khuấy đều, hạ nhỏ lửa cho bột và nhân bánh chín đều. Sau đó múc ra từng bát nhỏ và thưởng thức chung phần nước.
Bánh Thang viên với vỏ ngoài mềm dẻo, có bên trong là phần nhân vừng đen bùi bùi thơm thơm quyện vào mùi nước gừng nóng ấm chính với độ ngọt dịu vừa phải là món quà đoàn viên đầu năm ấm áp của mỗi gia đình. Nhiều người còn coi đây là ngày lễ Valentine phương Đông như trong thơ Đường xưa viết: “Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt”, mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ cũng là dịp Ngưu Lang Chức Nữ gặp gỡ se duyên.
Video hướng dẫn làm bánh Thang viên của CiCi Li
Hồng Tâm