“Con nghĩ kỹ chưa để bố mẹ còn đi mượn tiền?” đó là lời cha hỏi H’Blao 7 năm trước khi cô quyết định mở lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo.
“Bông hoa” đất Tây Nguyên đam mê dạy học
Rmah H’Blao (31 tuổi) là người dân tộc J’rai, ngụ làng Chao Pông, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Năm lên 3 tuổi, H’Blao bị teo cơ chân sau một trận sốt, một chân co quắp. Dù bị khuyết tật từ nhỏ nhưng H’Blao luôn cố gắng tập luyện, với sự giúp đỡ của gia đình, cô có thể đi lại dù rất khó khăn.
Từ nhỏ, H’Blao đã mơ ước sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Đó chính là động lực giúp cô thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-chuyên ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do sức yếu, lại phải học xa nhà, H’Blao không theo kịp các bạn nên nửa học kỳ năm học thứ 2 (năm 2011) cô buộc phải nghỉ học giữa chừng.
“Tôi cũng mong mình tốt nghiệp cao đẳng rồi tìm một công việc ổn định. Tuy nhiên, vì sức yếu nên tôi đành nghỉ học. Thấy làng mình còn nghèo vì lo kiếm ăn từng bữa, các bậc phụ huynh ngày đêm ở trên rẫy, không có thời gian chăm sóc, lo việc học cho con em, tôi thấy thương các em quá. Vậy nên, tôi có ý định mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. Tôi muốn dành tình yêu thương để san sẻ, muốn truyền dạy kiến thức để các em học tập tốt hơn”, cô giáo Rmah H’Blao chia sẻ với báo Pháp Luật.
Mượn tiền xây phòng học tình thương
Người làng Chao Pông vẫn còn vất vả với cuộc mưu sinh nên việc cho trẻ đi học chỉ là thứ yếu. So với những nhà khác, gia đình ông Ksor Dek (bố của H’Blao) khá giả hơn nhưng cũng chỉ phụ thuộc vào nương rẫy.
Hơn 7 năm trước, H’Blao xin gia đình xây phòng học để dạy miễn phí cho trẻ em trong buôn làng. Ông Ksor Dek đã hỏi: “Con nghĩ kỹ chưa để bố mẹ còn đi mượn tiền?”, H’Blao gật đầu, vậy là một phòng học đủ chỗ cho chừng 30 học sinh được dựng lên trong vườn của nhà ông Dek. Gần phân nửa trong hơn 40 triệu đồng để xây là tiền đi mượn.
Những ngày đầu, H’Blao cùng bố phải đến từng nhà để vận động học sinh tới lớp. Già làng, thôn trưởng và người làng cũng cùng một tay. Lớp học đông dần, nay mỗi buổi đến vài chục em.
Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, H’Blao đã chia lớp học thành từng nhóm, theo từng độ tuổi. Cô đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo tiếng Việt và biết làm toán.
Với sự truyền dạy nhiệt tình từ cô giáo H’Blao và nỗ lực của bản thân, các em dần tiến bộ, nhiều em là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường.
Không chỉ dạy chữ, dạy toán, H’Blao còn dạy học sinh kỹ năng sống, những bài học làm người qua và động viên các em theo đuổi ước mơ. “Mong rằng các em có được cái chữ và ngày càng học cao hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Mong sẽ có nhiều em sau này khi học xong sẽ đồng hành cùng tôi tiếp tục đem cái chữ đến với các em học sinh nghèo trong làng mình”, H’Blao tâm sự trên báo Gia Lai.
Cống hiến đơn giản chỉ vì… thương
Học sinh của H’Blao đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học tình thương đến nay có 65 học sinh thường xuyên.
Thỉnh thoảng, có nhiều đứa vài hôm không đến lớp, cô giáo đến tận nhà hỏi mới hay học sinh phải lên rẫy ở vì không có ai trông em cho bố mẹ đi làm. Thế là H’Blao phải động viên cả bố mẹ lẫn học sinh, mua kẹo dỗ các em trở lại lớp.
H’Blao chia sẻ: “Em suốt ngày dạy cho mấy đứa nhỏ. Thương các em thì giúp thôi! Em mong các em ham học, học lên cao nữa để kiếm nghề. Có chữ đã mới mong biết làm ăn, đổi đời được”.
Tình yêu và nhiệt huyết của cô giáo tật nguyền H’Blao với học trò khiến bao người ngưỡng mộ. Tấm lòng muốn mang con chữ đến cho các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn của H’Blao đã giúp những người dân ở Chao Pông hiểu được giá trị của con chữ và ủng hộ ngày càng nhiều.
Ông Kpah Jihveng, trưởng thôn Chao Pông, nói: “Phải biết học cái chữ chứ. Học nhiều nữa để cái tay biết làm việc giỏi, cái đầu nghĩ việc hay mà thoát nghèo. Mình đi đến nhà nào cũng động viên bố mẹ cho con đến trường. Học không hiểu thì đến học thêm lớp học của cô H’Blao. Miễn phí mà!”.
Lớp học miễn phí của Rmah H’ Blao vẫn còn khó khăn vì học sinh toàn con nhà nghèo, cô giáo dạy cũng chẳng lấy tiền công mà chỉ bằng niềm đam mê. Thế nhưng chính nhờ những con người như H’ Blao mà sự tử tế và tình yêu thương giữa cuộc đời vẫn được nhân lên từng ngày.
Minh Lan