Năm 1981, American Airlines thực hiện chương trình ưu đãi đặc biệt AAirpass dành cho các khách hàng thân thiết. Chương trình tưởng như sẽ mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho hãng hàng không, sau đó, lại trở thành một trong những “thảm họa” tồi tệ nhất đối với các nhà quản lý của American Airlines.
Với những khách hàng tham gia AAirpass, họ cần bỏ ra một khoản tiền trị giá 250.000 USD để sở hữu tấm vé hạng nhất cho số lượng không giới hạn các chuyến bay của American Airlines. Khoản tiền tăng thêm cho tấm vé kèm người đi cùng là 150.000 USD – đây là một khoản tiền không hề nhỏ trong những năm 80 của thế kỷ trước. Khi giới thiệu AAirpass vào năm 1981, American Airlines hy vọng sẽ có cơ hội huy động hàng triệu đô la trong thời điểm lãi suất ngân hàng đang tăng cao một cách kỷ lục.
Đối với 66 khách hàng tham gia chương trình, AAirpass là “món hời” có lợi nhất họ từng đạt được; nhưng với American Airlines, đó lại là hàng triệu đô tổn thất mỗi năm.
Steve Rothstein là một trong những khách hàng bay thường xuyên nhất của chương trình AAirpass. Với tấm vé cho phép bay không giới hạn ở hàng ghế hạng sang, Rothstein giống như đang sở hữu một phi cơ riêng trong tay. Ông bay để làm việc, bay để du lịch, bay để giải trí, bay để thỏa mãn sở thích được ngồi trên máy bay, và bay bất cứ khi nào ông có cảm hứng mà không cần bận tâm đến giờ giấc hay địa điểm nơi đến. Ông từng đáp máy bay đến những thành phố xa xôi chỉ để xem một trận bóng chày hay mua một chiếc bánh mỳ sandwich.
“Tôi có thể đến nơi nào đó mà không cần phải suy nghĩ về nó… Chỉ cần đặt chuyến bay và lên đường”, ông Rothstein kể lại với New York Post. “Một ngày Chủ Nhật vui vẻ là được dậy sớm và bay đến thành phố Detroit, thuê một chiếc xe rồi đến tỉnh Ontario của Canada, ăn trưa và chi khoảng 50 hay 100 USD để mua những món đồ ở Canada”, ông nói.
Giống như một “ông hoàng” với các chuyến bay miễn phí, ông Rothstein cũng hào phóng giúp những hành khách đang vô vọng có được chiếc ghế đi kèm trên máy bay, hay bay từ Chicago đến San Francisco để đón một người bạn đến thăm bảo tàng Louvre ở Paris, và thậm chí cho một linh mục được đi cùng tới Rome để gặp đức giáo hoàng.
Kể từ khi tham gia chương trình AAirpass vào năm 1987, tính đến năm 2012, ông Rothstein đã thực hiện hàng ngàn chuyến bay. Trong đó, khoảng 500 chuyến là đến Anh, 70 chuyến tới Australia, 120 chuyến tới Tokyo (Nhật Bản), và rất nhiều chuyến bay đường dài khác. Tính riêng trong tháng 7/2004, ông Rothstein bay ít nhất 18 lần tới các địa điểm như Nova Scotia, New York, Miami, London, Los Angeles, Maine, Denver và Fort Lauderdale.
Cái tên Steve Rothstein đã trở nên nổi tiếng đối với các nhân viên của American Airlines. Họ quen mặt và tên của ông, và nhớ cả những món ăn ông yêu thích khi ở trên máy bay. Thậm chí, ngay cả CEO của hãng cũng thuộc nằm lòng cái tên này.
“Tôi trở thành một ‘người hùng’ trên chuyến bay… Tôi chỉ cần xuất hiện và chọn một ghế ngồi”.
Nhưng những chuyến bay bất tận của các khách hàng giống như Rothstein lại trở thành một nỗi lo lắng cho American Airlines. Khi các chi phí hàng không tăng cao trong những năm gần đây, chương trình AAirpass của hơn 20 năm trước đưa đến khoản lỗ khổng lồ mà hãng không thể ngờ tới.
Theo tính toán của hãng, mỗi một hành khách thường xuyên bay miễn phí bằng AAirpass có thể làm thất thoát hàng triệu đô la doanh thu mỗi năm.
Thậm chí, các khách hàng còn có thể tận dụng lợi thế của tấm vé đi kèm để kiếm tiền từ những hành khách bị lỡ chuyến bay. Họ có thể trao đổi với một khách hàng bất kỳ tại sân bay, cho phép họ đi cùng ở hàng ghế hạng VIP, đổi lại bằng một mức phí trao đổi. Hãng hàng không cũng phải gánh chịu tổn thất khi khách hàng đặt trước hai chỗ ngồi, rồi sau đó lại đột ngột hủy vào phút cuối. Những trường hợp như vậy sẽ ngăn cản các khách hàng tiềm năng khác trả tiền để được sử dụng chiếc ghế trống đó.
Vì vậy, American Airlines bắt đầu tìm cách hủy quyền bay dài hạn của những người bay “quá đà”. Những khách hàng AAirpass từng một thời được đối đãi như thượng khách, sau đó lại trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra. Một số tấm vé AAirpass đã bị vô hiệu hóa và tước quyền sử dụng.
Cho đến nay, American Airlines không còn cung cấp vé vô hạn nữa, mà thay vào đó, chương trình AAirpass hiện tại chỉ cho phép người dùng bay với giá ưu đãi so với mức chi phí thông thường.
Hồng Liên tổng hợp
Xem thêm:
- Mỹ có thật sự là thiên đường về chất lượng hàng không và chất lượng cuộc sống?
- Những câu chuyện có thật về luân hồi kỳ 2: Đôi tình nhân buộc tay nhau tự vẫn tại Núi Cấm được tái sinh bên nhau?
- Cách đây một thế kỷ: Hút thuốc có lợi cho sức khỏe (theo quảng cáo)!
- Nhạc sĩ viết nên bản nhạc xuất sắc nhờ chỉ dẫn từ các nhà soạn nhạc nổi tiếng quá cố (Video)
- Tâm bệnh và thân bệnh, cái nào cần chú ý hơn?
- Cổ tích giữa đời thường: Cô gái tuổi teen mắc hội chứng Down vừa ký hợp đồng người mẫu đầu tiên