Kiệt quệ sau hai cuộc đại chiến, vậy nhưng, chỉ 15 năm sau ngày Thế chiến thứ 2 kết thúc, dân tộc Đức đã đi một bước dài trên con đường hồi sinh bằng ý chí của người bại trận.

Từ đức tính nghiêm túc chấp hành luật lệ trong lúc lâm nguy nhất

Mùa đông năm 1944, quân đồng minh đã nổ phát đánh cuối cùng bắt đầu cho sự sụp đổ của đế chế phát xít Đức. Nước Đức thời điểm đó chìm trong một bầu không khí chết chóc, nền kinh tế sụp đổ, vật tư khan hiếm, nền công nghiệp thuộc loại hàng đầu chỉ còn lại 20%, gần phân nửa nhà cửa bị xóa sạch, 12% dân số tử vong, cuộc sống người dân đang rơi vào ngõ cụt, nạn đói kéo dài 3 năm mà cao điểm là vào mùa đông 1946.

Nhiều nhà máy của Đức bị phá hủy trong thời gian Chiến tranh thế giới 2. (Ảnh từ tạp chí Life)

Đối với người bình thường, vấn đề thiếu thốn lương thực đã đủ để làm cho họ kiệt quệ sức lực. Nhưng người dân ở Đức còn phải chịu đựng cả một mùa đông dài khắc nghiệt, lúc này chính quyền Đức đã cho phép người dân chặt cây trên đồi để sưởi ấm.

Nước Đức kiệt quệ, hoang tàn sau chiến tranh. (Ảnh từ tạp chí Life)

Trong lúc đang lâm vào cảnh nguy cấp nhất, không một vụ trộm cướp nào diễn ra trên lãnh thổ nước Đức. Thậm chí, người dân trước khi lên đồi chặt cây, họ còn phải đợi các chuyên gia lâm nghiệp đánh dấu những cây nào già, yếu, nguy hiểm để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc. Cả nước Đức, không một ai tự ý lên đồi chặt những cây mà không có đánh dấu từ trước, mặc dù vào thời điểm đó đất nước đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, không cảnh sát, không tòa án, không nhà nước. Mỗi người dân đều nghiêm túc chấp hành luật lệ mà không cần đến một sự ràng buộc nào.

Trong hoàn cảnh lâm nguy, người Đức vẫn nghiêm chỉnh tự nguyện chấp hành luật lệ (Ảnh: globaltravel)

Cảnh tượng này đã được khắc ghi lại trong cuốn hồi ký “Một thập kỷ ở Đức” của học giả nổi tiếng Ji Xianlin. Khi đó ông đang là du học sinh tại Đức và đã chứng kiến tất cả, đến 50 năm sau ông vẫn không thể quên được những ký ức lúc đó, nước Đức mặc dù đang trong cảnh không có chính phủ lãnh đạo, nhưng người dân không hề bị lao đao.

Đức tính nghiêm túc đã khiến dân tộc Đức gục ngã sau hai cuộc chiến tranh thế giới, lại có thể đứng lên nhanh chóng một cách kì diệu. (Ảnh: globaltravel)

Trong thời điểm đất nước lâm nguy, sức mạnh nào đã khiến người dân Đức có một đức tính kỉ luật như vậy? Câu trả lời cho sức mạnh này đó là: nghiêm túc. Họ không cần đến cảnh sát hay pháp luật để giám sát bởi tính nghiêm túc là bản chất của con người, nó đã ăn sâu vào từng mạch máu bên trong mỗi con người Đức. Và điều này đã khiến dân tộc Đức gục ngã sau hai cuộc chiến tranh thế giới, lại có thể đứng lên nhanh chóng một cách kì diệu.

Đến chủ nghĩa hoàn hảo được cả thế giới ngưỡng mộ

Tại World Cup 2014, Đức đã đánh bại Brazil ở bán kết với tỷ số 7:1. Họ đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi hạ gục ông vua bóng đá Brazil trong một trận đấu được xem là “thảm kịch” của nền bóng đá trên thế giới. Sự thực là, người Đức đã lên kế hoạch cho chiến thắng này, không phải từ mấy tháng trước, mà là… từ mấy năm trước. Và khi đã lên một kế hoạch, người Đức luôn tính toán vô cùng khoa học, từ những chi tiết mà có thể không nhiều người để ý.

Người Đức đã lên kế hoạch cho chiến thắng này, không phải từ mấy tháng trước, mà là… từ mấy năm trước. (Ảnh: BBC)

Thay vì nghỉ ở những khách sạn đắt tiền gần các sân vận động, người Đức đã bắt tay vào việc lựa chọn địa điểm xây dựng và thiết kế khu nghỉ để các cầu thủ nghỉ ngơi, tập luyện và làm quen với khí hậu ở Brazil ngay từ khi … World Cup 2010 kết thúc. Ông Rainer Ernst – kiến trúc sư cho hay: “Các cầu thủ có thể sẽ phải thi đấu vào lúc 1h ở Recife hay Salvador và họ cần phải làm quen với ánh nắng mặt trời ở những nơi đó. Chúng tôi chọn Campo Bahia vì theo tính toán vị trí mặt trời ở đây sẽ giúp cầu thủ dễ thích nghi với những trận đấu buổi trưa tại Brazil”.

Người Đức đã chi gần 30 triệu USD gồm cả mua đất và xây dựng Campo Bahia để chuẩn bị cho chức vô địch World cup 2014 (Ảnh: Spiegel, Bussiness Insider)

Với những kế hoạch được tính toán khoa học và tỉ mỉ từng chi tiết đến như vậy, chúng ta không ngạc nhiên với chức vô địch World Cup lần thứ 4 mà họ đã chờ suốt 24 năm. Và sau khi kết thúc giải đấu với chức vô địch vẻ vang, Liên đoàn Bóng đá Đức đã tặng lại khu nghỉ Campo Bahia này cho người Brazil.

Giây phút thảnh thơi xem lại trận đấu các trận vừa tham dự của các cầu thủ đội Đức quầy bar World Cup ngay trong khu nghỉ. (Ảnh: Spiegel, Bussiness Insider)

Chủ nghĩa hoàn hảo không chỉ giúp người Đức giành chiến thắng vẻ vang tại World cup mà còn khiến tất cả hàng hóa, từ hóa chất, máy móc, sản phẩm công nghệ cao, đồ gia dụng trong bếp cho đến những đồ thể thao gắn dòng chữ “Made in Gemany”  trở thành thương hiệu khẳng định chất lượng và lòng tin trên toàn thế giới. Một cái chảo của Đức sản xuất có thể dùng hơn 100 năm, do đó có rất nhiều người đều dùng nồi truyền từ thời ông bà để lại. Đối với người Đức, bất kỳ đồ dùng nhà bếp nào cũng thế, chỉ cần mua một lần dùng cả đời, không cần mua lần thứ hai, bởi vì cả đời bạn dùng cũng không bị hỏng.

Dòng chữ “Made in Gemany”  trở thành thương hiệu khẳng định chất lượng và lòng tin trên toàn thế giới. (Ảnh: impulse)

Kim chỉ nam cho từng hành động của người Đức đó là: “Tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ để không phải đi con đường vòng tới những thành công lớn”. Và họ đã hồi sinh kỳ diệu đất nước sau tai họa chiến tranh khủng khiếp để tạo ra những thành tựu ngày hôm nay: trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là cường quốc xuất khẩu lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc – vốn là quốc gia có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và sử dụng lao động.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh tiểu học Đức đã được giáo viên tỉ mỉ sửa cho từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy… (Ảnh: Cdn8.steveseay)

Ngày nay, thế trẻ em Đức vẫn luôn được truyền dạy phẩm chất đáng quý ấy từ cha ông. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh tiểu học Đức đã được giáo viên tỉ mỉ sửa cho từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy… để tạo thành thói quen chỉn chu trong mọi việc.

Bỏ qua một lần phạm lỗi nhỏ sẽ hình thành tác phong xuề xòa và sau này càng dễ phạm sai lầm bởi sự dễ dãi với bản thân – Đó là những gì người Đức tâm niệm.

Hiểu Minh