Có một gia đình để yêu thương đã là một hạnh phúc, nhưng biết trân trọng nâng niu và duy trì hạnh phúc ấy đến “đầu bạc răng long” thì cần không ít nỗ lực.

Sau một ngày làm việc tại công sở, một người chồng đồng thời cũng là người cha của ba đứa con mệt mỏi trở về nhà. Nhưng khi vừa ra khỏi xe, anh không thể tin vào mắt mình. Dường như có một quả bom phát nổ trong tổ ấm gia đình anh; căn nhà hoàn toàn hỗn độn.

Ba đứa trẻ mặc đồ ngủ nước mắt ngắn dài trên bãi cỏ phía trước và ném những nắm bùn vào mặt nhau. Gần thùng rác là một đống những lon nước ngọt và hộp các-tông đựng bánh mỳ kẹp trống rỗng. Trong nhà để xe, cửa bên và cửa trước chiếc xe thứ hai của họ mở toang. Con chó trung thành của gia đình thì chẳng thấy đâu cả.

Dường như có một quả bom phát nổ trong tổ ấm gia đình anh; căn nhà hoàn toàn hỗn độn. (Ảnh minh hoạ: Yalalla)

Người chồng thận trọng tìm lối băng qua đống đổ nát tiến tới cửa trước và bước vào nhà. Phòng khách trông giống như một bãi chiến trường. Chao của cái đèn đắt tiền biến thành cái đĩa ném và nằm như một miếng giẻ vụn trên sàn nhà. Chiếc thảm Ba Tư thường đặt ở chỗ cửa ra vào, bị đính lên tường với thứ gì tựa như cồn dán. Chiếc vô tuyến đang bật ở mức to nhất. Trong căn phòng chẳng có một chỗ nào sạch sẽ. Đồ chơi, giấy gói kẹo, quần áo búp bê và những quyển sách đầy màu sắc bị phá hỏng tứ tung vung vãi khắp nơi. Và đó mới chỉ là khúc dạo đầu!

Liếc vào bếp, thảm hoạ vẫn tiếp diễn: bồn rửa bát đầy bát đĩa bẩn. Thức ăn thừa của bữa sáng cho thấy bữa sáng gồm có những gì (hiển nhiên rồi, toàn ngũ cốc sũng nước). Cửa tủ lạnh mở toang và đầy vết thức ăn của chó. Đỉnh điểm của sự bừa bộn là có gì đó xào xạo dưới chân anh: chiếc cốc uống cafe yêu thích của anh vỡ thành ngàn mảnh, trộn thành một núi cát. Và đó chưa phải là tất cả….

Liếc vào bếp, thảm hoạ vẫn tiếp diễn: bồn rửa bát đầy bát đĩa bẩn. (Ảnh minh hoạ: Scary Mommy)

Anh chạy vội lên tầng trên, tìm lối đi giữa đống đồ chơi và quần áo vứt đi. “Vợ mình nhất định phải ở quanh đây,” anh nghĩ, có đôi chút tuyệt vọng. Sẽ sao đây nếu có điều gì đã xảy ra với cô ấy? Điều gì đó rất kinh khủng.

Anh cau mày khi dẫm phải cái gì đó mềm mềm ướt ướt. Cái thảm bị ướt ở ngay trước nhà tắm. Bệ xí bị tắc vì đầy giấy và bị giật nước quá nhiều. Những chiếc khăn tắm ướt sũng trải đầy sàn. Chiếc gương được trang trí bằng những đốm thuốc đánh răng và bọt cạo râu.

Anh bắt đầu thấy hốt hoảng, lo lắng lao vào phòng ngủ. Anh dịu bớt đi khi thấy vợ ngồi an toạ trên gường trong chiếc váy ngủ yêu thích, cười mỉm khi đọc một cuốn sách. Cô ngẩng đầu lên, nở một mụ cười và hỏi một cách tự nhiên, “Chào anh yêu, hôm nay anh làm việc tốt chứ?” Anh không thể tin vào tai mình và chỉ có thể lắp bắp hỏi: “Cái gì… đã xảy ra…ở đây thế…?”

Cô cười, không mảy may xáo động, và nói: “Anh vẫn thường hỏi em đã làm gì suốt cả ngày?” Anh chỉ có thể lẩm bẩm một cách biết lỗi “ừ….”

“Chào anh yêu, hôm nay anh làm việc tốt chứ?” (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

“Anh yêu, hôm nay em không làm việc gì. Anh không nhận thấy à?”

Anh đã hiểu ra tất cả, và bỗng thấy thương vợ đến thắt ruột. Anh đã không đặt mình vào vị trí của vợ mà hiểu những lo toan, vất vả, hy sinh cô dành cho gia đình…

Trong gia đình, chồng hay vợ đều đảm đương một thiên chức riêng biệt. Nếu người đàn ông là trụ cột cho một mái ấm, thì phụ nữ là người giữ lửa cho mái ấm ấy. Công việc của người vợ tuy không đem lại tài chính cho gia đình, hay dễ dàng được công nhận như của người chồng, nhưng nếu thiếu vắng bàn tay của người vợ, gia đình ấy sẽ không thể hòa thuận. Vậy nên, điều làm nên hạnh phúc của một gia đình là sự cảm thông và sẻ chia. Nếu ai cũng chỉ nhìn vào khuyết điểm và phàn nàn về điều người kia không làm được, hoặc dùng lăng kính của bản thân mình để đánh giá, áp đặt tiêu chuẩn lên người kia, mâu thuẫn sẽ nảy sinh và cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành thảm họa. Hạnh phúc thực sự phải đến từ những hy sinh và thấu hiểu.

Xuân Dung – An Nhiên

Xem thêm: