Nhịp sống hối hả của thành phố đang khiến bạn nghẹt thở. Đôi khi bạn không biết mình phải làm thế nào để vượt lên những căng thẳng trong cơ thể và cả trong tâm hồn. Những lúc như vậy, các nhà khoa học sẽ dành cho bạn một lời khuyên: Hãy để tiếng mưa vỗ về, làm dịu đi tâm trí đang mệt mỏi và đầy sợ hãi của bạn.
Có lẽ không ngoa khi cho rằng tiếng mưa rơi là một trong những âm thanh thân thương nhất đối với tuổi thơ của mỗi người. Với những thế hệ trước, tiếng mưa giống như một bản nhạc của đất trời: mưa tí tách khi chạm mặt sân, lộp bộp trên mái nhà lợp tôn, có khi lại ào ào trong những cơn mưa hạ. Khi mưa tạnh, những giọt nước đọng nơi mái tranh chầm chậm rỏ xuống lu nước bên hiên nhà, tạo nên những âm thanh trong veo, để ý kỹ mới có thể cảm nhận.
Đã bao lần, bạn nghe tiếng mưa và hít hà mùi thơm của đất và thấy rằng tâm hồn mình đầy ắp sự mát mẻ, trong lành và cả một chút mộng mơ? Và cũng đã bao lâu bạn quên mất rằng âm thanh của đất trời ấy tuyệt vời đến như thế nào?
Nếu đã quá lâu rồi bạn quên mất tiếng mưa, hoặc nếu bạn là một người trẻ, không có quá nhiều kỷ niệm với âm thanh ấy, cũng có thể bạn là một người sống hướng ngoại và ít khi để ý đến những điều nhỏ bé này, những phát hiện khoa học dưới đây có lẽ sẽ mang đến cho bạn thêm một gợi ý: Khi tâm trí bạn đã quá mệt mỏi hãy tìm về tiếng mưa.
Tiếng mưa có là âm thanh của sự bình tâm
Tiếng sóng biển rì rào đập vào rặng đá, tiếng con suối róc rách theo dòng, tiếng mưa rơi…Rất nhiều người đã trải nghiệm cảm giác thanh thản khi nghe những âm thanh được tạo nên từ nước trong thiên nhiên. Nhưng hơn cả sự thoải mái hay cảm giác tĩnh lẵng, theo các nhà thần kinh học, tiếng nước vận động trong thiên nhiên mang đến cảm giác “không có sự đe dọa” cho con người.
Bạn đọc có thể ngạc nhiên và ngờ vực, nước trong thiên nhiên đôi khi thật quá đáng sợ. Những cơn lũ quét, những trận sóng thần hay thậm chí chỉ là những cơn mưa lớn đã đủ mang đến bao sợ hãi cho con người. Tuy nhiên, trong khuôn khổ những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học chỉ tập trung vào một điểm cụ thể – âm thanh mà nước vận động trong thiên nhiên tạo ra.
Những loại nước này có nhịp điệu, chúng tạo ra những âm thanh lặp lại theo quy luật và có những tần số khiến bộ não của con người được đưa vào trạng thái bình ổn, không lo lắng.
Các nhà khoa học đã cho biết, trong cuộc sống, những âm thanh có cường độ vượt quá 70 dB và xuất hiện một cách bất ngờ (không theo quy luật nhất định) sẽ được não bộ người tự động hiểu là “tín hiệu nguy hiểm”. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại trường đại học Pennsylvanie, Hoa Kỳ, năm 2012. Cũng theo đó, con người đã được tạo lập cơ chế để phản ứng lại (một cách tự nhiên) với những âm thanh đột ngột xuất hiện, những tiếng hét hay những âm thanh chát chúa.
Phát hiện này có thể đã cho bạn lời giải thích vì sao khi tham gia giao thông vào giờ cao điểm, hay khi nghe thấy người khác lên giọng hoặc nói quá to, bạn thường có cảm giác căng thẳng và khó chịu. Cường độ lớn và sự xuất hiện đột xuất, không theo quy luật của còi xe, hay giọng người chính là một trong những nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng căng thẳng này.
Não bộ của chúng ta luôn cần được ở trong một môi trường hài hòa với sự cân bằng về âm thanh. Sự cân bằng này thể hiện ra ở sự đồng đều trong tần số của các nguồn âm. Chính sự đồng điệu, hài hòa, không có yếu tố bất ngờ này sẽ tạo nên cảm giác an toàn, bình tâm cho con người. Đồng thời, nó cũng có thể kích thích việc tiết ra hooc-môn endophine, một loại hooc-môn tạo nên sự vui vẻ, từ đó tạo nên được một trạng thái lý tưởng để tâm trí được nghỉ ngơi, thậm chí là đưa con người vào một trạng thái hướng vào nội tâm một cách dễ dàng, thoải mái.
Sự ngụy trang bằng âm thanh
Trong các nghiên cứu và thực tế chữa bệnh, bác sĩ Orfeu Buxton, chuyên gia về chứng “mất ngủ” đến từ đại học Havard đã cho biết một con số không nhỏ các bệnh nhân của họ có thể tìm lại được giấc ngủ nhờ vào việc nghe tiếng mưa, hoặc những âm thanh tương tự. Ông gọi hiện tượng này là sự ngụy trang bằng âm thanh.
Khái niệm này giải thích hiện tượng những âm thanh có tần số đồng đều có khả năng “tắt” các cảm giác “bị đe dọa” trong não bộ của nhiều người. Bởi khi con người đang ở trong trạng thái căng thẳng, nhiều phần của não bộ sẽ bị kích thích và đặt vào trạng thái phòng vệ. Tiếng mưa rơi với sự đồng đều của các tần số âm thanh chính là một loại “ngụy trang” như thế.
Đừng quên món quà dịu dàng của tự nhiên
Bên cạnh âm thanh, những cơn mưa còn mang đến mùi hương thật đặc trưng. Mùi mưa mang theo mùi đất ẩm thanh mát. Thứ mùi dịu dàng ấy dễ dàng đưa chúng ta trở lại với những ký ức tuổi thơ êm đềm. Những ký ức này sẽ khiến những cảm giác dễ chịu và thư giãn ùa về.
Khi tìm thấy mình trong những bộn bề căng thẳng, xin bạn hãy đừng tìm đến những chất kích thích như rượu, bia, thuốc là hay những thú vui tốn kém nhưng rất dễ gây nghiện như mua sắm. Vẫn còn có rất nhiều những phương cách khác lành mạnh hơn rất nhiều để giúp bạn tìm lại trạng thái cân bằng của cảm xúc. Nghe tiếng mưa rơi là một ví dụ.
Khi bạn buồn bã hoặc căng thẳng, có lẽ không thể tìm ngay đến nơi nào đó có những cơn mưa rào, trên Internet, có rất nhiều những video ghi lại tiếng mưa, tiếng sóng biển dành cho bạn.
Hoặc nếu may mắn hơn sống ở gần những nơi như sông, suối hoặc biển, hay thậm chí nơi bạn sống chỉ có một cái hồ rất nhỏ, hãy tìm đến đó. Việc ngắm những gợn nước lăn tăn, lắng nghe tiếng nước nhẹ vỗ vào bờ cũng sẽ giúp bạn nguôi ngoai đi cảm giác buồn chán, tắt bớt đi những suy nghĩ tiêu cực đang hành hạ bạn. Từ đó, bạn sẽ thấy tâm trí mình bình lại, để nhìn lại những điều đang xảy ra, và quan trọng nhất là nhìn lại chính mình.
Phật gia luôn hướng con người đến việc tu sửa chính mình. Vậy phải chăng trong những lúc rối bời nhất, chúng ta nên đi tìm những điều khiến mình có thể bình tâm. Để rồi bình tĩnh nhìn vào trong mình và tìm ở đó những điều mình đã làm sai, những điều mình cần cố gắng để những mâu thuẫn không lên cao trào, để xoa dịu đi những căng thẳng trong cuộc sống. Phải chăng khi tìm được đến những điều này, bạn sẽ bước thêm một bước nữa hướng đến sự bình yên thật sự của tâm mình.
Hy Văn