7 năm kết hôn, vợ chồng anh Nhân ở Tp.HCM hoãn sinh con để có thể toàn tâm chăm sóc 3 đứa cháu tật nguyền. “Giờ đẻ thì mẹ vợ bệnh lấy tiền đâu đi nhà thương, với nuôi ba đứa cháu”, anh Nhân tâm sự.

Vợ chồng anh Nhân, chị Hạnh vẫn luôn giữ được nụ cười bất chấp những khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh: Vnexpress)

Câu chuyện về anh Nguyễn Văn Nhân (1983, Quảng Ngãi) đi ở rể để lo cho gia đình vợ được người dân ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, (Tp.HCM), ngưỡng mộ nhiều năm nay. Người ta không chỉ bất ngờ vì chàng trai cao ráo, trẻ trung chấp nhận lấy cô vợ hơn nhiều tuổi, mà cảm phục trước tấm chân tình của anh dành cho những đứa trẻ không phải con mình.

“Tôi phải tu ba đời mới có được thằng rể như nó”, bà Gái, mẹ vợ anh Nhân tâm sự. (Ảnh: Kenh14)

Anh Nhân vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, là con một nên gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai anh từ nhỏ. Năm 2002, anh lên Sài Gòn mưu sinh để thay đổi cuộc sống. Nghèo khó đi kèm với sự tự ti, chàng trai quê mùa chẳng dám gặp gỡ người phụ nữ nào.

Năm 2006, duyên trời run rủi cho anh Nhân gặp chị Đinh Thị Hồng Hạnh (1978, Tp.HCM), đồng nghiệp tại công ty cao su ở Củ Chi. Hoàn cảnh của chị Hạnh cũng đáng thương, bố mất sớm, mẹ đau yếu liên miên, cùng 3 đứa cháu dị tật do ảnh hưởng chất độc màu da cam, bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ.

Cháu lớn tên Hồ (29 tuổi) sinh ra chỉ biết ăn nằm một chỗ, miệng cười cả ngày, mọi sinh hoạt phải có người hỗ trợ. Thoại (18 tuổi) và Duy (17 tuổi) đều dị tật ở chân, đi lại khó khăn. Gánh nặng gia đình khiến chị Hạnh phải bỏ học, hy sinh hạnh phúc riêng. “Tôi lấy chồng thì cháu và mẹ ai lo”, chị Hạnh từng tâm sự.

Anh Nhân cùng các cháu của vợ. (Ảnh: VnExpress)

Nghe chuyện của chị đồng nghiệp, anh Nhân rất cảm kích. Chàng trai trẻ cùng một vài người nữa lên kế hoạch thay phiên nhau giúp chị Hạnh chăm sóc người thân. “Tôi là đàn ông, lo cho mình còn chưa xong. Vậy mà, chị ấy là phụ nữ mà phải lo cho 4 người, lại nay đau mai bệnh”, anh Nhân chia sẻ với VnExpress. Từ đó, chàng trai quê Quảng Ngãi cứ tan làm lại ghé nhà chị Hạnh phụ chăm anh em Hồ. Những ngày cuối tuần đến để tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đưa ba cháu đi chơi.

Anh Nhân chăm sóc Hồ như thể con ruột. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)
Sự nhiệt tình, chân thành của anh Nhân khiến chị Hạnh xúc động. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Tình yêu của họ cũng bắt đầu từ đó, nhưng cũng vấp phải sự phản đối từ gia đình cũng như mặc cảm về cảnh nghèo. Năm 2010, họ kết hôn sau 7 năm yêu nhau. Chị Hạnh được mẹ anh Nhân chấp nhận bởi tính thật thà, chịu thương chịu khó và yêu thương gia đình. Bà cũng động viên con trai trân trọng vợ và ở rể để giúp đỡ, lo cho các cháu một tương lai tốt, dù bà đang sống một mình ở quê.

Đám cưới giản dị của anh Nhân, chị Hạnh. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Anh Nhân cùng vợ thay phiên nhau vừa đi làm, vừa chăm sóc cho 3 đứa cháu. Cháu Hồ khó tính trong khi bà nội sức yếu không thể chăm được, 2 đứa còn lại cần người túc trực đưa đi học thường xuyên. Chị Hạnh mỗi khi trái gió trở trời lại ôm đầu đau nhức. Vì vậy, anh Nhân quyết định nghỉ hẳn việc trên công ty, dành mọi thời gian ở nhà chăm sóc cho 3 đứa cháu vợ. Hằng ngày, anh tranh thủ đi làm than cho hàng xóm. Mỗi ngày làm tầm 200 viên than với thu nhập vài triệu đồng. Hàng xóm khi góp bao gạo, khi cân thịt, có người còn cho tiền giúp đỡ hai vợ chồng.

(Ảnh: Kenh14)

Để vợ đi làm không bận tâm với việc nhà, sáng nào anh Nhân cũng dậy sớm, vệ sinh cá nhân cho Hồ, chở Duy và Thái đi học rồi về đến chỗ làm. Đến trưa, anh lại tất bất về việc tắm rửa, cho Hồ ăn xong lại chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

Cưới nhau được 7 năm, anh Nhân chủ động khuyên vợ tạm hoãn việc sinh con để tập trung chăm cho các cháu học xong rồi tính tiếp. Ngày lấy chị, hai người từng hứa với nhau không sinh con vì gia cảnh không cho phép.

Cuộc sống mệt mỏi và nhiều gánh nặng, anh tìm đến đạo Phật để thanh thản và cân bằng lại tinh thần. (Ảnh: Trí Thức Trẻ)

Khi nói chuyện với mẹ, bà giục giã chuyện sinh con anh thường lảng tránh. Không chỉ thương mẹ mà việc thể hoàn thành nghĩa vụ của đứa con trai duy nhất trong gia đình cũng khiến anh day dứt. “Thu nhập của vợ chồng tôi còn thấp lắm, nếu sinh con thì làm sao lo nổi cho mấy đứa nhỏ. Tôi đã dở dang việc học, thì Thoại và Duy phải tươi sáng hơn”, anh Nhân tâm sự.

Buổi tối bình yên trong căn nhà tình thương của hai vợ chồng. (Ảnh: Kenh14)

Nhìn chồng chăm lo cho các cháu chẳng khác nào con đẻ khiến chị Hạnh cảm thấy mình thật may mắn. Đối với chị, anh không chỉ là chồng, mà còn là cha của mấy đứa nhỏ, là ân nhân của gia đình. Song, anh Nhân chỉ nghĩ việc của gia đình mình cần phải có trách nhiệm, còn giúp được những hoàn cảnh khó khăn ở ngoài xã hội kia mới đáng ca ngợi.

Minh Lan