Con người sinh ra và sống giữa cuộc đời luôn có sự khác biệt về mức độ và chất lượng cuộc sống. Câu chuyện cậu bé 11 tuổi đi hát rong cùng bố kiếm tiền nuôi mẹ bệnh tật đã chạm đến trái tim của nhiều người.

Huỳnh Đỗ Thanh Tuấn, cậu bé được sinh ra nơi sông nước miền Tây, nhưng ngay từ khi bé đã phải theo cha mẹ lên Sài Gòn mưu sinh vì gia cảnh quá nghèo.

Hằng đêm, em cùng cha xuất phát từ căn nhà trọ dưới Hóc Môn chạy dọc qua đoạn Trường Chinh, vòng theo Lũy Bán Bích, ngang qua Quang Trung tới đường Phạm Văn Đồng – con đường sầm uất của những nhà hàng ăn uống. Mỗi đoạn đường em đi mang theo một tình yêu, một ước mơ đối với em đã trở thành quá lớn lao đó là được tới trường như bao bạn bè khác.

Hơn chục năm về trước, anh Đỗ Thanh Ly, 44 tuổi quê Cần Thơ đã lập gia đình với chị Huỳnh Thu Thủy và sinh được Tuấn và Tú. Chị Thủy từng có một đời chồng nhưng đã qua đời từ lâu. Khi chồng cũ chết, chị bị mất giấy khai tử nên bây giờ chị không đủ điều kiện đăng ký kết hôn với anh Ly, và Tuấn sinh ra không được làm giấy khai sinh vì ba mẹ không có hôn thú.

Vì không có số làm ăn, nên gia cảnh nhà anh chị càng ngày càng thêm phần khó khăn, nợ nần chồng chất nên phải bỏ quê lang thang lên Sài Gòn ở thuê kiếm sống. Chị Thủy bị tật ở tay nên đi xin việc không nơi đâu nhận.

Tuổi thơ của Tuấn trôi theo những biến cố của gia đình, em không biết chữ vì phải nghỉ học quá sớm. Em học thuộc lòng mấy bài hát mà ba dạy để đi hát phục vụ khách hàng mỗi buổi tối. Mỗi lần hát xong hai bài thì Tuấn đưa mic lại cho ba còn mình thì đi bán kẹo cao su, đậu phộng, mấy thứ đồ lặt vặt…

Đa số khách hàng nhìn thấy Tuấn đều rất cảm thông ủng hộ, mọi người đều thương cảm vì em còn nhỏ tuổi nhưng lại phải đi làm kiếm sống, có khách hàng còn cũng hát chung với em một bài. Một số thì cho em thêm tiền nhưng Tuấn đều lễ phép từ chối và chỉ mong mọi người giúp em mua đồ.

Đêm nào Tuấn cũng hát từ 25 đến 30 lượt của các bài hát, cuối buổi bao giờ cũng thấm mệt, giọng bị khàn đến mức không thể hát được nữa. Thu nhập của hai cha con từ 17h chiều đến đêm, hôm nào may mắn thì được 300.000 đồng, hôm nào không có người mua thì chỉ được 100.000 cả vốn lẫn lãi. Anh Ly rất thương con nhưng cũng không biết làm cách nào, anh nói trong nước mắt: “Biết là con rất khổ nhưng tôi cũng không biết làm cách nào khác để kiếm tiền lo cho gia đình với 4 miệng ăn”.

Nhiều hôm đến quán hát, người chủ không cho, họ đuổi vì sợ làm ảnh hưởng đến khách hàng. Nhưng cũng có hôm gặp được những người bảo vệ tốt bụng như anh Hải, bảo vệ một quán nhậu, anh tâm sự thấy tội nghiệp hai cha con nên giới thiệu cho những quán nhậu quen để vào hát.

Hôm nào sau giờ làm mệt mỏi Tuấn cũng xin bố để mua cho em một món đồ ăn gì đó mà em thích, chỉ đơn giản là gói kẹo hay bánh phồng tôm. Về hai em cùng ăn, đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất vì Tuấn được ngồi xem em học bài. Em Tú may mắn hơn vì nhận được sự trợ giúp để đến trường, khi em đi học Tuấn ở nhà chỉ chơi với chú chó nhỏ trong sân cùng với mấy em nhỏ trong xóm.

Khi đồng hồ điểm báo thời gian đã bước sang một ngày mới, cũng là lúc anh em Tuấn lên giường đi ngủ. Chị Thủy cũng tranh thủ thêu tranh chữ thập để bán, căn phòng mà anh chị đang thuê cũng nhờ chị chủ nhà tốt bụng nên lấy giá quá rẻ. Cũng là may cho anh chị, chứng kiến hoàn cảnh cực khổ của anh chị, chủ nhà còn cho mượn một số vật dụng mà không tính tiền.

Chị Thảo chủ nhà trọ chia sẻ: “Thấy hai vợ chồng nghèo và khốn khổ quá nên giúp đỡ được đến đâu tôi hết sức đến đó. Có khi đến ngày thu tiền mà chưa có tôi cũng cho nợ, trả sau”.

Thiết bị duy nhất là chiếc thùng loa hơn 7 triệu đồng, anh Ly mua được bằng cách trả góp mỗi tháng 250 nghìn. Ước mơ của hai cha con là cố gắng kiếm tiền để trả hết nợ cái loa đang dùng để kiếm kế sinh nhai và cưu mang gia đình.

Tuấn khoe những quả trứng thu được từ hai con gà nhà nuôi.

Không ai được lựa chọn số phận, nhưng được chọn cách nhìn nhận cuộc sống. Có lẽ những khó khăn mà Tuấn đang phải gánh nhận ngay từ những ngày thơ bé này sẽ trở thành hành trang đáng quý cho tương lai sau này của em. Bởi chẳng phải cũng nhờ những gian khó mà có thể em sẽ hiểu hơn thế nào là hạnh phúc, ấm no và đủ đầy.

Mỗi số phận có mặt trên đời đều mong muốn mình có thể đứng vững trên đôi chân của mình, có thể làm được những điều mình mong muốn cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Nhưng cũng còn nhiều những số phận luôn cần đến sự giúp đỡ của những người may mắn hơn, nâng đỡ giúp nhau vượt qua một trở ngại không dễ thay đổi của hoàn cảnh.

Nguồn ảnh: Tiin

Gia Viên