Mong muốn thoát khỏi đói nghèo ở Triều Tiên, mơ ước đặt chân đến vùng đất mới, cô Han và con trai cuối cùng lại chết đói ở một trong những thành phố giàu có nhất châu Á. 

Cô Han Sung-ok, 42 tuổi đang xem xét mua mớ rau diếp trong chợ, trong khi cậu con trai 6 tuổi của cô trèo lên hàng rào gần đó. Người phụ nữ bán rau tỏ thái độ bực mình khi thấy cách Han chọn rau. Cô là một khách hàng kén chọn và thường không mua nhiều rau, chỉ 1-2 loại rau với số tiền không thể rẻ hơn. Lần này, cô Han mua rau diếp với giá 500 won. Chỉ trả lời mấy câu ngắn gọn, cô xách túi rau rồi rời đi cùng cậu con trai.

Một thời gian sau, người ta phát hiện ra xác của hai mẹ con cô trong căn phòng nhỏ. 

Không ai hay tin gì về cái chết của hai mẹ con cô Han cho tới tận 2 tháng sau, khi nhân viên ghi số nước phát hiện có mùi hôi thối phát ra từ căn hộ của họ. Xác hai mẹ con nằm trên sàn nhà và thức ăn duy nhất được tìm thấy trong căn phòng của họ là một túi ớt đỏ. 

“Giá mà cô ấy hỏi…”

Một trong những người cuối cùng nhìn thấy cô Han còn sống là người phụ nữ bán rau bên đường gần khu chung cư của cô. Bà đã nhìn thấy cô Han vào đợt mùa xuân – thời gian mà cảnh sát xác nhận rằng cô đã rút nốt 3.858 won cuối cùng trong tài khoản ngân hàng của mình. 

Bà bán rau nói với BBC: “Nghĩ lại điều đó khiến tôi cảm thấy rùng mình”. Bà kể lại: “Lúc đầu, tôi ghét cô ấy vì cô ấy kén chọn, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi rất muốn xin lỗi vì điều đó. Giá mà cô ấy hỏi han tử tế thì tôi đã cho cô ấy một ít rau diếp”. 

Đó là một câu “giá mà” trong rất nhiều những câu “giá mà” khác. Giá mà chính quyền nhận ra hoàn cảnh khốn khổ của cô ấy. Giá mà chính phủ hành động nhiều hơn để giúp đỡ những người đào thoát từ Triều Tiên. Giá mà cô ấy nhờ giúp đỡ…

Tại thành phố hơn 10 triệu dân, Han và con trai dường như trở nên vô hình. Rất ít người biết cô. Những ai biết cô đều nói rằng, cô nói rất ít và thường đội mũ để tránh những ánh mắt xung quanh. 

Nhưng giờ đây, có lẽ ai cũng biết đến cô, bức ảnh của cô Han được đặt giữa những bông hoa và món quà trên một chiếc đền tạm ở quảng trường Gwanghwamun thuộc trung tâm thành phố Seoul. Hàng chục người đang khóc thương cho cái chết bất hạnh của mẹ con cô dù họ thậm chí không biết cô là ai. 

Một người đào thoát khóc than thảm thiết nói với BBC: “Thật không tưởng tượng được rằng sau khi trải bao khó khăn để đến được miền Nam thì cô ấy lại chết vì đói. Điều ấy khiến tim tôi đau đớn. Khi tôi nhận được tin, thật quá vô lý để tin. Nó không thể nào có thể xảy ra ở Hàn Quốc. Tại sao không một ai biết gì về điều này cho tới khi họ chết?”.

Nhưng có một lý do mà dường như mọi người đều không biết, đó là cô Han muốn lẩn tránh.

Thoát khỏi Triều Tiên dường như là một điều không thể. Nhiều người cho rằng mở rộng đỉnh Everest còn dễ hơn việc thoát khỏi Triều Tiên. Thậm chí nếu ai đó có thể vượt qua hàng rào lính canh giám sát ở khu vực biên giới, họ vẫn còn một hành trình dài ngàn dặm ở lãnh thổ Trung Quốc. Mục đích của những người đào thoát là tìm đến Đại sứ quán Hàn Quốc ở một nước thứ 3 như Thái Lan, Việt Nam hoặc Campuchia.

Tuy nhiên, ngàn dặm ở Trung Quốc là ngàn vạn rủi ro. Đầu năm 2018 truyền thông Hàn Quốc đưa tin, kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, để truy tìm người Triều Tiên đào thoát ông ta đã không tiếc tiền thuê gián điệp tại Trung Quốc. Nếu họ bị bắt được, họ sẽ bị đưa về Triều Tiên, bị ép làm lao động khổ sai tại một trong những trại cải tạo khét tiếng mà ai cũng biết. Những người phụ nữ đưa tiền cho môi giới với hy vọng được giúp đỡ, lại thường bị cầm tù, hoặc bị bán làm cô dâu hoặc gái mại dâm. 

Theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận “Sáng kiến Tương lai Triều Tiên” (Korea Future Initiative) có trụ sở tại Thủ đô London của Anh, việc bóc lột lao động tình dục đối với người Bắc Triều Tiên đem lại lợi nhuận ít nhất 105 triệu USD mỗi năm cho xã hội đen Trung Quốc, trong đó có cả việc buôn bán phụ nữ có cảnh ngộ bi thảm. Đài BBC cũng từng cho biết, rất nhiều phụ nữ Bắc Triều Tiên sau khi trốn khỏi Triều Tiên đến Trung Quốc thì bị bóc lột tình dục và cần phải trốn thoát một lần nữa thì mới có được tự do.

Cô Han Sung-ok. (Ảnh: BBC)

Trường hợp của cô Han, thật khó để xác định thời điểm cô ấy rời Triều Tiên. Hai người đào thoát khác từng nói chuyện với cô Han cho rằng cô đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc và đã có con với ông ấy. Tuy nhiên, 10 năm trước, cô Han đã đến Seoul một mình và chắc chắn rằng cô không mở lòng với nhiều người bạn cùng lớp ở trung tâm Hanawon.

Tất cả những người đào thoát đều phải trải qua khóa giáo dục cơ bản bắt buộc trong 12 tuần tại một trung tâm có liên kết với Bộ Hợp nhất Seoul nhằm làm quen với cuộc sống ở miền Nam. Lớp học cô Han tham gia là một trong những lớp học lớn nhất kể từ khi trung tâm được thành lập với sỹ số hơn 300 người. Tất cả các học viên dường như đều hiểu rằng họ đã vất vả như thế nào mới có thể vượt qua Trung Quốc.

Một người bạn cùng lớp của cô Han nói với BBC: “Tôi biết cô ấy đã đến Trung Quốc trước. Tôi biết được điều này vì tôi nhận ra ngay cả khi cô ấy cười và tươi tỉnh, vẫn luôn có một bóng tối bên cạnh. Tôi hỏi cô ấy chuyện gì đã xảy ra, cô ấy thường gạt đi”.

“Tôi là kiểu người không quá quan tâm đến chuyện cá nhân, vậy nên tôi nói với cô ấy: ‘Tôi không biết đó là gì, nhưng nếu cậu ra ngoài, miễn là cậu làm việc chăm chỉ, thì cậu sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Hàn Quốc là nơi cậu có được những gì cậu làm ra. Cậu trẻ và xinh đẹp, cậu sẽ không phải sống một cuộc đời khốn khổ. Dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng đừng cảm thấy hổ thẹn, hãy sống bằng lý trí’”.

Ban đầu, Han lộ diện và làm rất tốt trong cuộc sống mới. Chính quyền sắp xếp cho những người đào thoát sống trong những căn hộ trợ cấp, và cô Han được bố trí sống cùng 6 người bạn cùng lớp khác tại khu phố Gwanak-gu.

Một người bạn của Han nói: “Cô ấy rất xinh đẹp và nữ tính. Tôi tin rằng cô ấy là người thứ 2 trong lớp tìm được việc làm. Ban đầu, cô ấy làm việc theo ca tại một quán cà phê trong trường Đại học Seoul. Thậm chí ngay cả khi ở đó, tôi cũng nghe tin cô ấy đã gây được ấn tượng rất tốt. Điều chúng tôi nhớ là cô ấy thông minh, nữ tính và chúng tôi nghĩ rằng cô ấy là người có thể tự chăm sóc cho bản thân mình”.

Hai người đào thoát sống cùng nhà với Han trước đây nói với BBC rằng họ cho rằng Han đã thuyết phục người chồng Trung Quốc của cô chuyển đến Hàn Quốc và gia đình họ đã di chuyển về phía Nam Tongyeong, tại đây người chồng làm việc cho một xưởng đóng tàu. Cô có đứa con thứ 2 và gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập.

Cuối cùng, chồng cô đã quay lại Trung Quốc cùng cậu con trai cả, bỏ lại cô Han không có công ăn việc làm cùng đứa con thứ 2 tàn tật ở lại Hàn Quốc. Hàng xóm của cô Han nói rằng, cô đã nhớ cậu con đầu lòng của mình rất nhiều.

Sau đó, cô Han quay về sống tại căn hộ trợ cấp khu phố Gwanak-gu ở Seoul, nơi cô bắt đầu cuộc sống tại Hàn Quốc. Cô cũng nộp đơn xin trợ giúp tại trung tâm cộng đồng vào tháng 10 năm ngoái và nhận được số tiền 100.000 won (khoảng hơn 2 triệu đồng) mỗi tháng để nuôi con.

Cô Han đáng lẽ có thể yêu cầu trợ cấp với số tiền lớn hơn với quyền lợi dành cho người trưởng thành. Theo chính sách của Hàn Quốc, một người đào thoát độc thân có thể nhận được số tiền lớn hơn gấp 6-7 lần mà cô Han xin hàng tháng dành cho con. Tuy nhiên, để nhận được loại trợ cấp này, cô Han phải xuất trình giấy chứng nhận ly hôn, nhưng cô lại không có. Nhân viên của Trung tâm phúc lợi Seoul đã đến thăm căn hộ của mẹ con cô Han để kiểm tra phúc lợi hàng năm nhưng rất tiếc cô lại không có nhà, họ cũng không biết gì về tình trạng của cậu con thứ 2 của cô.

Cô Han đã không trả tiền thuê nhà và các hóa đơn khác trong một thời gian. Cô cũng không còn thuộc diện nhận trợ cấp của chính phủ vì đã quá thời hạn 5 năm bảo vệ.

Nhiều người đào thoát tập trung tranh luận trước đền thờ trên quảng trường Gwanghwamun, bên cạnh nụ cười tươi của cô Han được lưu lại trên tấm di ảnh. Họ cho rằng:

“Đây là một cái chết bởi sự thờ ơ”.

 “Điều này thật vô lý, thật mỉa mai khi một người Triều Tiên đến Hàn Quốc để thoát đói lại chết vì đói ở đây”.

“Chính phủ Hàn Quốc đã làm gì, đây là cái chết do bị bỏ rơi”.

Tuy nhiên, nhiều người hiểu rằng nguồn cơn của tất cả những câu chuyện bi kịch này đều đến từ Triều Tiên. 

Vòng hoa trước bàn thờ tạm của cô Han tại quảng trường Gwanghwamun. (Ảnh: BBC)

Tại sao có nhiều người muốn đào thoát? 

Yonmi Park, một cô gái trẻ đã đào thoát khỏi Triều Tiên – nơi theo cô là “hành tinh đen tối nhất trên Trái đất”, chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng họ muốn trốn thoát khỏi Triều Tiên đơn giản vì họ quá đói, và trốn thoát là lựa chọn cuối cùng. 

Nhắc đến Triều Tiên, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh quốc gia sản xuất nhiều vũ khí hạt nhân, khép kín và không thích giao du khiến nhiều người cảm thấy tò mò. Tuy nhiên, đối với những người dân sống tại chính quốc gia này – đặc biệt là những người muốn đào thoát khỏi đất nước của họ, quê hương chính là địa ngục. Tại Triều Tiên, việc bày tỏ sự hoài nghi đối với sự vĩ đại của chế độ có thể khiến ba thế hệ trong một gia đình bị bỏ tù hoặc tử hình. 

Bà Lee So-yeon, một phụ nữ đào thoát thành công đến Seoul nói rằng sau khi đến đây bà mới biết tin tức ở Triều Tiên bị phong bế đến mức nào. Thế giới bên ngoài trong hình dung của bà quả thực khác xa. Lần đầu tiên bà đã biết đến nước nóng, máy sấy tóc, biết đến quyền bỏ phiếu dân chủ và tự do thực sự. Đối với Lee So-yeon mà nói, quả thực đây đều là những thuật ngữ vô cùng lạ lẫm.

Tính đến tháng 10/2016, Hàn Quốc thống kê có khoảng 30.000 người Triều Tiên đào thoát đang sống tại Hàn Quốc, trong đó có 7/10 là phụ nữ. Từ trước đến nay, Hàn Quốc luôn chú trọng đến việc tạo việc làm cho những người đào thoát, với hi vọng trong tương lai khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, những người này sẽ trở thành “cầu nối”. Cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye từng nói, “những người đào thoát chính là một sự thử nghiệm cho việc thống nhất hai miền”. Bà muốn “các bộ ngành có liên quan hợp tác để đưa ra một chế độ có thể giúp những người đào thoát có cuộc sống ổn định” và dần thiết lập một thể chế để có thể thu nhận lượng lớn những người trốn từ Triều Tiên đến.

Bạn đang đọc bài viết: “Cái chết thương tâm của hai mẹ con người Triều Tiên đào thoát đến Hàn Quốc “ tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4ea9e27a9__