Trong ngày tết, mọi người hay ăn nhiều đồ dầu mỡ nên rất mau ngán. Chính vì thế, hôm nay, chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn cách muối dưa hành chua ngọt ngọt, giòn không hăng để ăn kèm cùng bánh chưng, thịt đông… nhằm có một ngày tết thật trọn vẹn.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Tùy số người trong gia đình mà bạn chọn lượng hành muối nhiều hay ít. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm với tỷ lệ vừa cho khoảng 5 người trong gia đình.
– 1 kg hành củ (Chọn hành tía là ngon nhất hoặc hành trắng, củ đều thì sẽ ngọt, giòn)
– Đường
– Muối
– Gừng
– Ớt
Thực hiện:
– Ngay sau khi mua hành về, bạn ngâm hành một ngày một đêm trong nước vo gạo, nước tro bếp hay nước pha phèn chua có thêm chút muối cho độ mặn vừa phải nhằm làm cho hành chắc củ và bớt hăng. Đây cũng là cách giúp bụi ra bớt, lớp vỏ bên ngoài tự bong, khi rửa đất bám gốc hành cũng ra bớt.
– Qua một ngày đêm thì đổ bỏ nước vo gạo (hay nước tro) và lại thay bằng nước lã pha muối ngâm thêm một ngày để hành trắng và giòn.
– Sau đó bạn vớt hành ra, bóc lớp vỏ già bên ngoài, cắt bớt rễ, rửa lại trong nước pha muối loãng cho thật sạch và để ráo nước trước khi cho vào vại muối.
– Tiếp đến bạn cho hành vào lọ thủy tinh cùng khoảng 200g muối, xóc đều và để trong khoảng 2-3 ngày. (Chú ý, thỉnh thoảng xóc đều lọ để hành ra bớt nước đen.)
– Sau đó, đổ hành ra rổ, để ráo nước. Lúc này phần nước đen đã ráo hết, khi muối hành nước sẽ trong và thơm.
– Gừng rửa sạch, cạo vỏ, đập dập. Ớt bỏ hạt cắt lát.
– Pha đường với nước ấm cùng chút muối rồi đổ vào lọ, nếm thử cho vừa độ mặn ngọt. Tiếp tục đổ hành và gừng, ớt vào đảo đều. (Chú ý, lượng nước phải ngập hành và không để nước nóng quá sẽ làm chín củ hành và sẽ rất khó lên men khi muối.)
Đậy kín lọ, để trong khoảng 7-10 ngày là bạn đã có thể lấy hành ra để cùng cả nhà thưởng thức được. (Nếu lấy ra ăn trước thì sẽ thấy hành vẫn còn hăng). Vị cay cay, thanh thanh của hành sẽ khiến cả gia đình cảm nhận được hương vị Tết đậm đà.
Phong Vân