Ngày nay, dưới chân ngọn núi Hiei hiểm trở phía Đông Bắc của cố đô Kyoto, nằm rải rác những ngôi mộ không tên của các nhà sư Phật giáo phái Tendai thất bại trong hành trình đầy khó khăn “1.000 ngày tìm giác ngộ”. Vậy hành trình này là gì và tại sao những nhà sư này lại quyết tâm thực hiện nó dù có gian khổ đến nhường nào?
Các vị thiền sư ở đây theo trường phái Tendai-shu (Phái Thiên Thai – một dòng tu thuộc Phật Giáo Đại Thừa), từ xa xưa đã nổi tiếng là những bậc “thần hành” với khả năng đi bộ đến hàng ngàn dặm. Tendai-shu vừa là một trường phái tu hành, lại vừa giống như là một “công phu” huyền bí được các bậc cao tăng nơi đây lưu truyền đời này sang đời khác. Họ tin rằng trạng thái giác ngộ của đạo Phật có thể đạt được ở kiếp này, nhưng chỉ bằng cách từ bỏ cực độ. Hành động cao nhất để thể hiện sự từ bỏ cực độ này, cũng là con đường đi đến giác ngộ, chính là hoàn thành Kaihogyo – thử thách 1000 ngày.
Bí ẩn hành trình 1000 ngày tìm giác ngộ
Không phải tất cả nhà sư tại đền Enryakuji đều có thể tu tập Tendai-shu, chỉ một số ít người sau khi lựa chọn cẩn thận mới được cho phép tham gia vào “khóa học” gọi là Sennichi Kaihogyo, hay “Thử thách một ngàn ngày” kỳ bí.
Sennichi Kaihogyo xứng danh là một trong những thử thách nghiêm ngặt và khó khăn nhất thế giới, về cả thể chất lẫn tinh thần. Bởi vì những thử thách của Kaihogyo quá khắc nghiệt, kéo dài liên tục trong vòng 7 năm. Tất cả những người tham gia sẽ phải vượt qua quãng đường lớn hơn một vòng quanh trái đất, chỉ nhờ đôi chân mang giày cỏ cùng với đức tin.
Những nhà sư tham gia thử thách này còn được gọi là “nhà sư marathon”. Bởi vì tổng cộng quãng đường mà họ phải trải qua được ước tính dài gấp 1.000 lần cự li marathon tiêu chuẩn (cự li marathon tương đương 26 dặm hay 42 km). Tuy nhiên, Kaihogyo là chặng đường gian khổ hơn một cuộc marathon gấp nhiều lần.
Ngoài ra, cuộc hành trình này lại giống như một cuộc hành hương với các điểm đến là 250 di tích linh thiêng rải rác khắp ngọn núi Hiei hùng vĩ. Các nhà sư tìm đến những địa điểm này để làm lễ, trong đó bao gồm các thác nước, dòng suối, những cây cổ thụ, giếng thiêng, đền miếu hay đôi khi chỉ đơn giản là những tự tích trên vách đá.
Trong 100 ngày đầu tiên, các nhà sư có quyền rút khỏi thử thách Kaihogyo. Tuy nhiên, từ ngày 101 trở đi, quyền rút bỏ bị mất. Mọi nhà sư phải hoặc là hoàn thành thử thách Kaihogyo, hoặc là… tự chấm dứt cuộc đời mình.
Chính vì điều này, mỗi nhà sư đã thật sự đều mang theo một sợi dây thừng hoặc một lưỡi gươm ngắn trong suốt quá trình. Trong hơn 200 năm qua, chỉ có 46 nhà sư đã hoàn thành trọn vẹn “Thử thách một ngàn ngày”, kể từ khi truyền thống này được bắt đầu vào năm 1585.
Rất nhiều người thậm chí đã chết trong cuộc hành trình đi tìm giác ngộ. Đây chính là lý giải cho những ngôi mộ không tên nằm rải rác khắp ngọn núi thiêng Hiei.
Niềm tin kiên định: Hoàn thành hay là chết…
Gyoja (tên gọi những nhà sư tham gia thử thách) thường duy trì một tốc độ rất ổn định suốt cả chuyến đi. Họ không chạy, nhưng một người đi bộ bình thường sẽ không thể nào theo kịp.
Trang phục mà Gyoja mặc khi tham gia thử thách hết sức giản dị. Họ mặc một bộ đồ bằng vải thô, khoác bên ngoài chiếc áo choàng màu trắng, đầu đội mũ rơm truyền thống có tên gọi là renge-gasa, mang vớ tách ngón chân và một đôi giầy cỏ. Mỗi Gyoja có thể đem theo một tiểu đồng bên mình, nhiệm vụ chủ yếu của những tiểu đồng này là để cầm đèn soi đường cho nhà sư khi họ di chuyển vào ban đêm.
Sennichi Kaihogyo quả thực là một thử thách hết sức gian khổ, thế nhưng, không gì có thể ngăn cản được những bậc chân tu kỳ lạ này tiếp tục cất bước về phía mục tiêu cuộc đời của họ. Tổng cộng, cuộc hành trình của họ phải kéo dài suốt 1000 ngày. Mỗi người phải vượt qua chặng đường hơn 300km. Các nhà sư cũng phải trải qua một quãng thời gian rèn luyện khắc khổ đến cực điểm với 9 ngày không ăn, uống hay ngủ.
Trong 3 năm đầu của cuộc hành trình, những nhà sư thường đi bộ khoảng 30-40 km một ngày trong 100 ngày liên tục, bất kể thời tiết ra sao. Đến năm thứ 4 và thứ 5 thì số chặng đường sẽ được tăng lên. Họ di chuyển rất nhanh trong khi chiếc mũ trên đầu gần như bất động, ngay cả trên những đường dốc hoặc mấp mô. Và đặc biệt, họ luôn giữ được tư thế thẳng khi đi.
Vào năm thứ năm của cuộc hành trình, các Gyoja còn phải tiến hành một nghi thức chay tịnh đặc biệt, gọi là “do-iri”. Trong chín ngày liên tiếp, họ sẽ không ăn, không uống và không ngủ. Chỉ miệt mài tụng niệm một câu thần chú suốt ngày đêm. Đây có thể coi là thử thách khổ hạnh nhất trong cuộc hành trình. Cách duy nhất để có thể vượt qua là hoàn toàn tin tưởng vào Thần và sự giác ngộ của chính mình.
Năm thứ sáu, các Gyoja thực hiện những chuyến đi 60km mỗi ngày, trong 100 ngày liên tiếp. Năm thứ bảy cũng tương tự, nhưng quãng đường đi tăng lên thành 84km mỗi ngày.
Giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình vẫn là thử thách đi bộ 100 ngày liên tiếp, nhưng quãng đường được rút ngắn xuống còn 30-40km mỗi ngày, cho đến khi về tới đích. Khi một Gyoja hoàn tất “Thử thách một ngàn ngày”, ngay lập tức ông sẽ trở thành “Dai-ajari”, một vị Bồ tát sống.
Vậy tại sao các vị thiền sư này không đả tọa như những môn phái khác trong con đường tu luyện của mình mà đi bộ trong suốt 1000 ngày để giác ngộ?
Một nhà sư sau khi hoàn thành thử thách đã kể lại: “Chúng ta đều tự hỏi bản thân ‘Tại sao mình tồn tại?’. Việc di chuyển liên tục trong 1.000 ngày cho anh nhiều thời gian suy nghĩ về câu hỏi này, để nhìn nhận lại cuộc đời. Đó là một loại thiền định thông qua chuyển động. Do đó không được đi nhanh quá”. Ông cũng nói thêm: “Ai cũng muốn tìm được thứ vừa vặn với mình, với cơ thể mình, với những việc đang làm trong cuộc sống. Tôi chọn cách hoàn thành khóa tu, nhưng đó chỉ là một trong nhiều con đường khác nhau, để đưa chúng ta tới cùng một nơi”…
Một chú tiểu cũng chia sẻ về trải nghiệm của mình về thử thách: chuyến đi nhằm xả tâm trí, cơ thể, khiến tất cả mọi thứ biến mất. “Khi anh là hư không, thì sẽ có thứ gì đó ùa đến, lấp đầy không gian”. Đó là ý thức rộng lớn, ẩn dưới bề mặt của sự sống, là cảm giác đồng nhất với vũ trụ.
Một trong những Dai-ajari nổi tiếng nhất là Yusai Sakai, vị thiền sư sinh năm 1926 và mới chỉ viên tịch vào năm 2013, đã thực hiện thành công “Thử thách một ngàn ngày” đến hai lần trong cuộc đời mình. Ông răn dạy: “Thông điệp tôi muốn truyền đạt là, hãy sống mỗi ngày như thể đó là toàn bộ cuộc đời của bạn. Nếu bạn bắt đầu một điều gì đó hôm nay, thì hãy hoàn thành nó hôm nay. Ngày mai là một thế giới khác. Hãy sống một cách tích cực!”.
Các nhà sư “thần hành” trên đỉnh núi Hiei được coi là những anh hùng vĩ đại ở Nhật Bản. Rất nhiều người xem họ như là nhà lãnh đạo tinh thần. Chỉ có điều là đã mấy chục năm nay vẫn chưa có một Gyoja thế hệ mới nào dám dấn thân vào con đường thử thách, để tiếp bước những vị chân tu tiền bối.
Bài học quý giá nhất mà thử thách 1000 ngày mang lại, không chỉ đơn thuần là sự thành tựu trong tu luyện của những Gyoja. Ngay cả đối với những người bình thường không tu Phật, vẫn có thể học được những thông điệp từ chuyến đi khổ hạnh này. Đó là không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình, hãy luôn kiên định vào mục tiêu cho đến khi thành công. Bởi vì, sự kiên định ngày hôm nay sẽ quyết định thành công cho ngày mai, hãy cố gắng như đang ở ngày thứ 101.
Ngoài ra, khi con người từ bỏ cuộc sống vật chất hiện đại cùng những thiết bị “khiến họ trở nên lười” hơn, và hòa mình cùng với thiên nhiên, quay trở về những điều đơn sơ bình dị nhất, thì họ sẽ đạt được một cảnh giới mới – cảnh giới của sự tự do và giải thoát chính mình.
Thanh Thanh (tổng hợp)
Xem thêm: