Có nhiều tên gọi cho Bhutan như Vương quốc Rồng Sấm, Thiên đường cuối cùng nơi hạ giới, … nhưng có lẽ Vương quốc Hạnh phúc là tên gọi được nhiều người biết đến nhất khi nhắc đến nơi này.
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có những gì?
Có lẽ Bhutan là quốc gia duy nhất quản lý và phát triển đất nước dựa theo Tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH- Gross National Happiness) thay vì GDP. Như vậy, bên cạnh các chỉ số về kinh tế, người dân còn được quan tâm đến cả những chỉ số đặc biệt như: giờ ngủ bình quân, chỉ số về môi trường hay chỉ số về giữ gìn bản sắc văn hóa…
Ở Bhutan, nếu người dân không có đất để sống, họ sẽ làm đơn trình lên nhà vua và được cấp đất làm kinh tế. Nếu như ai đó mắc bệnh, Chính phủ cũng sẽ lo đầy đủ. Tất nhiên, ngành y tế Bhutan vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy nên, với những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể làm đơn xin Nhà vua đưa ra nước ngoài chữa trị. Tuy nhiên, ở Bhutan, rất ít trường hợp bị bệnh nan y bởi đời sống người dân rất nhẹ nhàng, thanh thản; thức ăn chủ yếu là rau, trái cây sạch (nông nghiệp Bhutan không được dùng bất cứ chất hóa học nào) và hơn 50% người ăn chay.
Ngoài ra, chi phí đi học của trẻ em cũng được chính phủ trợ cấp. Không những vậy, dù trong giờ làm hay thậm chí một cuộc họp, phụ huynh vẫn có thể bỏ ngang để đi đón con. Bởi trong quan niệm của người Bhutan, chăm sóc con cái quan trọng hơn so với hiệu quả công việc.
Đặc biệt, đức vua Bhutan rất thường xuyên vi hành. Mọi người dân đều có quyền “chặn đường” nhà vua để tố cáo những bất công trong cuộc sống. Từng vụ việc đều được vua lắng nghe và giải quyết chỉ trong vài ngày. Vậy nên, quan chức ở đây đều không dám tham ô – vốn bị xem là hành vi đáng khinh miệt ở đất nước này.
Khi mới đến Bhutan, bạn sẽ rất khó phân biệt giữa nhà giàu với nhà nghèo. Bởi chính phủ quy định xây chung một kiểu nhà và mọi người đều được đối xử công bằng với nhau. Không những vậy, đây còn là nơi không có tội phạm, trộm cắp, giật đồ, lừa gạt… Người dân Bhutan cũng rất thật thà. Bất kể là với người dân địa phương hay khách du lịch đều không cần mặc cả.
Nhưng vẫn có những mặt trái ít ai biết…
Theo báo cáo điều tra của Cục Thống kê Quốc gia Bhutan năm 2010, khoảng 70% phụ nữ cho biết họ đã từng bị đánh đập vì không chăm sóc con cái chu đáo, tranh cãi với chồng, nấu ăn dở tệ hoặc vì nhiều lý do khác… Họ cũng nhiều khi bị cưỡng ép phải làm những việc mà bản thân không thích hoặc không muốn. Thế nhưng, họ thường im lặng chịu đựng những bất công đó.
Thực tế thì, ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, vẫn có những góc tối khiến người ta phải thất vọng. Những phụ nữ ở Bhutan không chỉ bị phân biệt đối xử. Họ còn là nạn nhân của bạo hành gia đình. Thậm chí, có những người đàn ông không xem họ là vợ hay một con người.
Liệu có tồn tại hạnh phúc thực sự?
Dẫu là ai, lớn lên trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều trải qua những thăng trầm, vui buồn ai lạc, dù ít dù nhiều. Hôm nay có thể đang vui vẻ hạnh phúc, ngày mai đã lại u sầu ảm đạm. Chúng ta chẳng thể nào kiểm soát được hết những gì xảy ra xung quanh mình. Cũng giống như thời tiết vậy – nắng mưa là việc của trời!
Người ta vẫn nói: Cái đẹp nằm trong con mắt kẻ si tình còn sướng khổ nằm trong tư duy của người suy diễn. Được mất trên đời đều là duyên, sang giàu hay nghèo khổ đều là số. Nếu không thể lựa chọn số phận, ta vẫn có thể chọn lạc quan, vui vẻ đón nhận mọi thứ như những gì vốn có cơ mà!
Thực tế cũng cho thấy dẫu sống trong một xã hội văn minh, hiện đại bậc nhất thế giới, hay một quốc gia an nhiên, tự tại, lấy đời sống tinh thần làm điểm tựa thì vẫn không thể tránh khỏi những điều xấu xí. Vẫn luôn có những dấu chấm đen giữa một trang giấy trắng. Bởi vì hạnh phúc thực sự vốn không thể tìm kiếm ở thế giới bên ngoài. Hạnh phúc đích thực và vĩnh hằng nằm trọn vẹn trong trái tim ta, trong tâm ta.
Sướng khổ tại tâm mình, chẳng phải là đạo lý đó sao…
(Nguồn ảnh: pinterest)
Tân Sinh