Trái ngược với không khí sôi sộng World Cup tại Nga, người Việt ở chợ Liu, chợ Chim… vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bấp bênh của cuộc sống, bươn chải từng ngày để mưu sinh.
Phóng viên báo Tiền Phong và Tuổi Trẻ đã có bài ghi nhận cuộc sống người Việt tại các trung tâm buôn bán, sầm uất bậc nhất xứ sở Bạch Dương.
Trung tâm thương mại Sadovod (chợ Chim) và Trung tâm thương mại Moscow (chợ Liu) là hai địa điểm buôn bán lớn tại Nga, nơi tập trung đông người Việt làm ăn sinh sống. “Liu” là cách gọi dân dã của người Việt do gần ga điện ngầm Liubliuno, còn chợ “Chim” nằm trong khu Sadovo, trước đây vốn bán nhiều chim, thú và hiện giờ vẫn còn khu nhỏ.
Đi tàu điện ngầm từ trung tâm Moscow mất khoảng hơn tiếng đồng hồ mới đến Liublino. Chẳng khó khăn gì để tìm ra khu chợ có diện tích hàng chục hecta nằm ngay giao lộ hai con đường lớn Belorechenskaya và Krasnoda.
Từ khi chợ Vòm bị cháy, tiếp đó là việc Nga bị Mỹ cùng phương Tây cấm vận vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, tình hình kinh doanh của người Việt Nam ở Nga trở nên khó khăn hơn. Chính xác thì phải nói là lao đao, đi xuống. Nếu mang theo máy ảnh chuyên dụng, khách du lịch có thể bị chặn lại, lục soát.
Trung tâm thương mại Moscow chẳng khác gì một mê cung, có khoảng 20 dãy lớn được đặt tên theo bảng chữ cái, mỗi dãy có đến hàng trăm gian, tìm ra một gian cố định không dễ chút nào.
Giống như mọi người Việt xa quê khác, vợ chồng anh Hoàng Long (người có thâm niên buôn bán ở đây cả chục năm) rất vui khi gặp được đồng hương, trái với bầu không khí nặng nề khi mới bước vào chợ.
“Tôi sang đây gần 20 năm rồi, cũng làm đủ nghề trước khi vào chợ buôn bán đấy chứ. Việc buôn bán của tôi khá tốt, từ một sạp đã lên được hai sạp. Hiện tôi đã mua được nhà ở Moscow, nằm khá gần khu vực trung tâm”, anh Long kể.
Người đàn ông 37 tuổi này là hình mẫu của người Việt sang Nga thành công. Giá thuê một sạp hàng ở chợ Liu không hề rẻ, từ 300.000-1.000.0000 rúp/tháng (khoảng 5.000-16.000 USD).
Tuy làm ăn khá tốt, nhưng mọi thương lái đều trong cảnh phập phồng lo sợ. Suốt một năm qua, người dân Nga nhiều lần biểu tình kêu gọi chính phủ dẹp khu chợ này vì gây cản trở giao thông ở khu vực quan trọng.
Là một người yêu bóng đá cuồng nhiệt, anh Long chịu chơi chẳng kém cổ động viên các nước khác khi đã mua sẵn vé của 5 trận đấu. “Đúng là hơi khó mua thật, vì FIFA chỉ công bố ngày bán chứ không nói cụ thể giờ giấc. Tôi đọc được các trang thông tin tiếng Nga nên biết rõ ngày nào, giờ nào FIFA bắt đầu mở các phiên bán vé. Nhờ vậy tôi mua được khá nhiều vé với giá gốc, giá như vậy cũng không quá đắt với người dân Nga”, anh Long cho biết.
Rời Liu, phóng viên lên đường sang Incentra, tổ hợp đa chức năng Hà Nội, ở phía bắc Moscow. Trái với khung cảnh sầm uất ở Liublino, tòa nhà thương mại Incentra vắng tanh, mọi sinh hoạt ở đây đều hợp pháp và chính thức. Không có gì phải e ngại cho việc chụp ảnh, chỉ là… gần như không có gì để chụp. So với thu nhập khá thấp của dân lao động, tòa nhà thương mại này là khá xa xỉ nên cả người địa phương cũng không vào.
Giống như những trung tâm thương mại khác, Incentra chia làm nhiều tầng và bày bán những mặt hàng lưu niệm, quần áo, đồ gia dụng, điện tử… So với thu nhập thấp của dân lao động, tòa nhà thương mại này khá xa xỉ nên cả người địa phương cũng không vào.
Mùa World Cup liệu có cải thiện tình hình làm ăn nơi đây? Có lẽ là không. Incentra nằm quá xa khu trung tâm thành phố. Cả chợ Liu cũng vậy, nơi đây chủ yếu bán hàng sỉ nên cũng không phải là địa điểm cho du khách.
Chia tay Incentra, tiếp tục hành trình tới chợ Chim, nằm ở ngoại ô cách khu trung tâm độ gần 30 km. Nơi đây được chia làm nhiều khu vực khác nhau, tuỳ vị trí đẹp hoặc xấu sẽ có các mức giá cho thuê rất chênh lệch, từ vài trăm đến 10.000 USD.
Các mặt hàng cũng đủ loại, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thức ăn… với đủ giá cả khác nhau. Vài chục hoặc vài trăm rúp cũng có mà lên tới hàng triệu cũng có. Dân buôn bán cũng đủ người tứ xứ: Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Việt Nam…
Khu buôn bán của người Việt Nam nằm sâu nhất ở phía trong, được ngăn cách với bên ngoài bởi một cánh cổng, có gác chắn và nhân viên bảo vệ đứng canh cửa. Đây có lẽ là khu rẻ nhất ở chợ Chim.
Hàng hoá chủ yếu là rau, củ, quả, nội tạng bò, lợn cũng có. Người Việt trong chợ chào hỏi nhau rất niềm nở, hỏi han tình hình kinh doanh và trao đổi mọi chuyện làm ăn.
Chị Phương (50 tuổi) một tiểu thương đã hơn 30 năm làm ăn ở Moscow chia sẻ, chị từng vài lần về Việt Nam, nhưng rồi sau đấy lại phải trở lại qua Nga: “Cũng có lúc muốn về nhà, không muốn bươn chải bên này nữa nhưng về thì không biết làm gì cho ra tiền. Mà giờ cái gì cũng cần tiền”.
Làm ăn vài chục năm trời cũng dành dụm được một khoản, chị Phương vừa mua một căn nhà ở ngoại ô Moscow, cách không xa chợ Chim, thế là gia đình có thể xin định cư lâu dài tại Nga.
(Còn nữa)
Bài viết dựa trên phóng sự “Ký sự World Cup: Người Việt ở chợ Chim” của phóng viên Nguyên Phong (báo Tiền Phong) và “Người Việt ở Nga mùa World Cup” tác giả Huy Đăng (báo Tuổi Trẻ).
H.H