Năm 1986, kỹ xảo điện ảnh Trung Quốc chưa phát triển, đạo cụ làm phim còn thô sơ, nhưng Tây Du Ký đã tạo nên những thước phim bất hủ sống mãi trong lòng người. Quyết định thành công của bộ phim phải chăng đến từ sự tận tâm, tận lực của các diễn viên đã có may mắn đi trên hành trình thỉnh kinh huyền thoại ấy? 

Sau hơn ba thập niên, tuy có nhiều bộ phim về đề tài Tây Du Ký, nhưng phiên bản của đạo diễn Dương Khiết luôn giữ được sức sống mãnh liệt, không phải vì kỹ xảo mà nhờ nó giữ được cái hồn, cái thần của nguyên tác. Cùng với tiếng vang khắp châu Á của Tây Du Ký, người ta cũng dành những lời ca ngợi cho nữ đạo diễn tài ba và dàn diễn viên thực lực của bộ phim.

Bài viết này xin dành để ôn lại những kỷ niệm với một diễn viên đặc biệt trong Tây Du Ký – chú ngựa bạch sắm vai Bạch Long Mã oai phong, như một nốt nhạc góp vào khúc ngợi ca dạt dào ấy. Diễn viên bốn chân đã cùng vào sinh ra tử với đoàn làm phim Tây Du Ký ròng rã 5 năm trời, cống hiến thầm lặng nhưng hết mình cho thành công của bộ phim.

Bạch Long Mã đã cống hiến rất nhiều cho thành công của bộ phim Tây Du Ký. Ảnh: Eva.

Trở thành một thành viên chính thức như một sự an bài

Trong năm đầu tiên khởi quay, đoàn làm phim Tây Du Ký không có chú ngựa bạch nào cho riêng mình, mặc dù Bạch Long Mã có thể được coi là một trong những diễn viên chính của phim. Lúc bấy giờ, vì kinh phí chung để sản xuất bộ phim rất eo hẹp, đoàn làm phim quyết định đến vùng nào sẽ kiếm ngựa ở địa phương đó để có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển và chăm sóc.

Tuy nhiên, phương án này đã nhiều lần đặt cả đoàn vào những tình huống dở khóc dở cười. Trong cảnh quay ở đảo Hải Nam, nhân viên phụ trách và quản lý trường quay phải chạy tất tả khắp nơi để tìm một chú ngựa bạch. Cuối cùng, họ dắt về được một chú ngựa với tướng tá oai phong, rất thích hợp với vai Bạch Long Mã, chỉ có điều chú ngựa này có… màu nâu. Sau khi hóa trang xong, đoàn đã có một chú bạch mã tuyệt đẹp. Tuy nhiên, ngay trước khi bấm máy cảnh đầu tiên, “ngựa bạch” lồng lên, phi thẳng xuống con sông gần đó tắm gội.

Một lần khác, khi di chuyển đến Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, đoàn không kiếm đâu được bóng dáng một chú ngựa. Khi ấy, đạo diễn Dương Khiết ủy thác cho phó đạo diễn Vương Tiểu Dĩnh, người có biệt danh là “anh Vương miệng sắt”, nội trong ba ngày phải tìm cho ra một chú ngựa phù hợp. Cuối cùng, khi kỳ hạn ba ngày gần hết, phó đạo diễn Dĩnh hồ hởi gọi điện về thông báo đã có ngựa. Mọi người trong đoàn đều phấn khởi. Đến khi phó đạo diễn dẫn ngựa về, ai cũng ngạc nhiên vì đó thực sự là một chú Bạch Long Mã “tí hon”. Nó gầy còm đến mức khiến Đường Tăng không dám cưỡi lên vì sợ sẽ làm ngã chú ngựa.

Bạch Long Mã cùng Đường Tăng. Ảnh: Eva.

Sau những phen dở khóc dở cười như thế, đạo diễn Dương Khiết hiểu rằng cần phải tuyển một “diễn viên” cố định cho vai diễn này. Ý tưởng táo bạo của bà xuất hiện cùng lúc với việc đoàn làm phim tới Nội Mông để quay cảnh kế tiếp. Đây cũng chính là nơi đoàn làm phim Tây Du Ký gặp được Bạch Long Mã đích thực. Bạch mã này có thân hình cao lớn, cơ bắp bóng lưỡng, thần thái oai phong, lông bờm mượt như tơ. Hơn nữa, chú ta cũng làm quen rất nhanh với các bạn diễn. Tuy nhiên, bạch mã này lại là một “quân mã”, nên nếu đoàn làm phim muốn mua, người ta sẽ phải khai trừ quân tịch của chú. Đạo diễn Dương Khiết hiểu vấn đề, nhưng bà vẫn dặn dò, nhất định sẽ quay lại để đón ngựa.

Khi trở về Bắc Kinh, đạo diễn Dương Khiết đã tranh luận và thuyết phục đến “mặt đỏ tía tai” với các nhân viên của phòng sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc để được tuyển riêng Bạch Long Mã cho đoàn. Nhưng chỉ khi bà kiến nghị lên lãnh đạo của Đài truyền hình, yêu cầu của bà mới được chấp nhận. Sau khi được cấp kinh phí, đạo diễn Dương Khiết vui mừng trở lại Nội Mông. Chính bà cũng không ngờ rằng, những người phụ trách trại ngựa đã “khai trừ quân tịch” của Bạch Long Mã, tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ bà đến đón ngựa về.

Bao phen sinh tử sát thân, vẫn kiên cường cống hiến

Chú ngựa cũng trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn giống như các diễn viên khác của đoàn phim. Ảnh: Zing.

Bạch Long Mã ra nhập đoàn làm phim năm ấy khi chú mới 4 tuổi. Đến từ vùng đất của sự hoang dã, phóng khoáng nhưng tính tình của bạch mã này khá nền nã, thích nghi nhanh và rất hiểu người.

Khi tham gia đoàn làm phim, chú ngựa nhận được sự chăm sóc rất chu đáo. Đoàn cắt cử hai nhân viên để chăm sóc sức khỏe và sự an toàn của chú khi di chuyển. Tấm lòng tận tâm của hai người chăm sóc đã khiến tướng mạo của bạch mã đẹp và hoàn thiện hơn theo từng ngày. Tuy trên đường di chuyển đến các điểm quay khác nhau, chú ngựa phải ở trong xe chứa đạo cụ, nhưng hai nhân viên chăm sóc cũng luôn đi cùng, không để chú cô đơn một mình trong thùng xe.

Không biết có phải con vật đã cảm nhận được tấm lòng, sự yêu mến của đoàn làm phim dành cho nó hay không, nhưng chú ngựa đã đáp trả lại ân nghĩa ấy bằng sự cộng tác và cống hiến hết mình.

Để có được những cảnh quay chân thực nhất, đoàn làm phim Tây Du Ký đã tới khắp mọi miền trên đất nước Trung Quốc để quay phim. Hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt nào cũng đã trải qua. Vậy nên, mỗi diễn viên đã có cho mình cơ hội được nếm trải những gian truân và Bạch Long Mã cũng vậy.

Bao phen nguy nan, nhưng lòng vẫn không sờn. Ảnh: Zing.

Chú ngựa trắng đã nhiều phen gặp nguy hiểm trên đường di chuyển và trong cả những cảnh phim. Một lần di chuyển đến ở Hàng Châu, khi từ xe tải bước xuống, bạch mã bị trượt chân, té ngã xuống cống nước, bốn vó chổng lên trời. Lại thêm bộ yên cương đóng sẵn trên lưng nay bị mắc trong miệng cống, chú ngựa càng hoảng sợ vì không thể tìm cách tự đứng lên. Lúc đó, đạo diễn Dương Khiết quyết định phải an ủi chú ngựa. Bà nói với ngựa như với một con người: “Con có đau không? Sao lại đi đứng không cẩn thận chút nào vậy? Đừng vội nhé, chúng ta sẽ vực con dậy ngay đây”. Sau câu nói của đạo diễn, chú ngựa ứa nước mắt khiến cả đoàn làm phim hết sức ngạc nhiên. Không ai biết lúc ấy chú ngựa quá đau hay đã thực sự cảm nhận được tấm chân tình của nữ đạo diễn.

Có một kỷ niệm đáng nhớ khác của Bạch Long Mã và đoàn, đặc biệt với nữ đạo diễn của phim. Để lột tả được một cách chân thực nhất sự vất vả và gian nan của chuyến hành trình thiêng liêng, nữ đạo diễn yêu cầu năm diễn viên chính thực hiện cảnh đi xuyên qua đỉnh của thác nước nơi Cửu Trại Châu. Đỉnh thác này gồm những tảng đá lớn, trơn nhẵn, nước cũng chảy rất xiết, việc thực hiện cảnh quay trực tiếp vì thế trở nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, không ai trong năm diễn viên có ý định đầu hàng.

Cảnh quay tuyệt vời trên đỉnh thác ở Cửu Trại Câu. Ảnh: Zing.

Khi thực hiện cảnh quay này, nữ đạo diễn đứng phía dưới chân thác để chỉ đạo quay, nên chỉ đến khi cảnh quay kết thúc bà mới được biết Bạch Long Mã của đoàn vừa trải qua một phen sinh tử thực sự. Khi bước trên con dốc của đỉnh thác, bạch mã đã không giữ được thăng bằng vì đá dưới chân phủ đầy rêu rất trơn. Cú ngã đẩy chú ngựa nằm sõng soài trên mặt đá. Thân hình đồ sộ, địa hình lại nhấp nhô, trơn trượt, nên chú ngựa không thể tự mình vực dậy. Nước chỗ này chảy rất xiết, chỉ một chút sơ ý là có thể cuốn trôi bạch mã.

Những nhân viên của đoàn bối rối vô cùng khi không biết làm thế nào để giúp người bạn diễn của mình. May mắn thay, lúc ấy, một vị khách du lịch đã rẽ đoàn người đi thẳng tới chỗ bạch mã. Ông yêu cầu mọi người gỡ bộ yên cương xuống, để ngựa nghỉ một lúc. Vài phút sau, ông cầm cương, hiệu lệnh cho mọi người cùng hiệp lực kéo ngựa lên. Cuối cùng, bạch mã cũng thoát khỏi thế nguy hiểm. Vị khách du lịch ấy là một người tộc Tạng, cũng là một nhân viên chăm sóc và thuần dưỡng ngựa chuyên nghiệp.

Khi nghe câu chuyện, bên cạnh sự cảm kích an bài của số phận đã giúp cứu thoát Bạch Long Mã, đạo diễn Dương Khiết cũng cảm thấy đau lòng, bà nhận ra mình đã quá tàn nhẫn khi bắt chú ngựa phải thực hiện một cảnh quay nguy hiểm tới như vậy.

Những gian nan và nỗ lực ngoài đời của đoàn làm phim đã tạo nên những thược phim chân thực. Ảnh: Eva.
Ý chí của những người làm phim đã truyền tải một cách sống động ý chí của năm thầy trò Đường Tăng trên chuyến hành trình thiêng liêng và gian khó. Ảnh: Zing.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều những tai nạn mà Bạch Long Mã gặp phải trong khi đồng hành cùng đoàn làm phim. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những hiểm nguy, chú ngựa vẫn kiên cường gắn bó với đoàn trọn vẹn 5 năm trời, cho đến khi bộ phim đóng máy. Không biết nói, bạch mã dùng ánh mắt, thái độ làm việc và hợp tác của mình để hoàn thành xuất sắc vai diễn được giao.

Cuộc sống kết thúc trong nỗi buồn

Tuy đã vào sinh ra tử với đoàn làm phim, nhưng tới khi bộ phim Tây Du Ký đóng máy, đạo diễn Dương Khiết lại không được biết Đài truyền hình Trung Ương đã đưa Bạch Long Mã đi đâu. Chỉ cho tới sau này, bà mới hay tin, bạch mã ngày nào đã được đưa đến Vô Tích và trở thành ngựa dành cho khách tham quan ở đó. Trước cửa chuồng chú ngựa có tấm biển đề “Ngựa trong phim Tây Du Ký”, để du khách chụp ảnh hoặc thuê cưỡi.

Nhưng Bạch Long Mã lại có một kết thúc thật buồn. Ảnh: Eva.

Khi biết chuyện, nữ đạo diễn Dương Khiết không khỏi có cảm giác đau lòng. Bà không ngờ, sau khi cống hiến hết mình cho bộ phim, chú ngựa lại sống một cuộc đời buồn như vậy. Khi gặp lại chú ngựa trong căn phòng nhỏ cô đơn của nó, vị đạo diễn đã khẽ hỏi thăm, như cách bà hỏi thăm chú ngựa khi bị ngã ở Hàng Châu: “Bấy lâu nay, con sống có tốt không? Sao lại gầy gò thế này? Họ có cho con ăn no không?”.

Trong một dịp nữ đạo diễn về thăm Bạch Long Mã. Ảnh: Eva.

Chú ngựa khi ấy đứng im nhìn bà. Bà tiếp tục hỏi, như hỏi một người quen đã lâu lắm rồi mới có được ngày tái ngộ: “Chúng ta đến thăm con đây, con có còn nhớ Tây Du Ký không? Có nhớ hay không? Có nhớ bọn ta không?”. Trong lòng bà, nữ đạo diễn cảm thấy chú ngựa đã nhận ra mình, bởi khi trở ra, trong một khoảnh khắc quay đầu nhìn lại, bà thấy chú ngựa vẫn nhìn theo mình. Rồi sau đó, chú thở dài và lặng lẽ quay đi.

Sau lần ấy, nữ đạo diễn đã cố gắng thuyết phục những người phụ trách để cho Bạch Long Mã có được một điều kiện sống tốt hơn. Họ đã đồng ý với bà. Thời gian cứ như vậy trôi qua, lần thứ hai nữ đạo diễn có cơ hội gặp lại bạch mã ở Vô Tích, nó đã quá già và cũng không còn phản ứng được gì với cuộc sống xung quanh. Dáng hình bé nhỏ của Bạch Long Mã lẫn giữa những chú ngựa trẻ khỏe cứ mờ dần rồi tắt hẳn. Chú ngựa khi qua đời đã được chôn ở một góc nhỏ nào đó của Vô Tích, trong âm thầm và lặng lẽ.

Bạch Long Mã đã đến với Tây Du Ký và cống hiến hết mình trên suốt hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Thông qua vai diễn của đời mình, chú ngựa ấy đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của một diễn viên và sứ mệnh của một nhân vật.

Rốt cuộc thì những tiếng bước chân trên hành trình ấy vẫn mãi âm vang như lời bài hát:

Gió mây sấm chớp mặc sức gầm thét

Mãi một hào ca

Hướng về chân trời, hướng về chân trời

Bao mùa luân phiên xuân hạ thu đông

Trải bao phen cay đắng ngọt bùi

Xin hỏi đường ở phương nào?

Đường dưới chân ta…


Hy Văn

Video xem thêm: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

videoinfo__video3.dkn.tv||48868aefb__