Người có trí thông minh cảm xúc (EQ – Emotional Quotient) cao là những người rất khéo léo trong giao tiếp và thường đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Theo nghiên cứu của giới chuyên gia thì những người này thường không dại dột tiết lộ những suy nghĩ của bản thân về nơi công sở.

Bạn không thể xây dựng một mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp và bền vững nếu bạn không cởi mở với đồng nghiệp của mình, tuy nhiên nếu không khéo léo, chính sự cởi mở có thể chấm dứt mối quan hệ đó trong tiếc nuối. Hơn thế nữa, sự nghiệp của bạn cũng có thể tiêu tán nếu lỡ miệng nói ra những điều không nên nói. Bởi vậy, chia sẻ mặt tốt của bản thân một cách khéo léo là cả một nghệ thuật.

(Ảnh: Entrepreneur)

Một cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn một triệu người cho thấy nhóm thể hiện xuất sắc nhất hầu hết là những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao (chiếm 90%). Những người có EQ cao rất giỏi đọc ý người khác, và điều này mách bảo họ nên và không nên tiết lộ điều gì về bản thân ở nơi làm việc.

Các chuyên gia cũng chỉ ra 12 điều phổ biến nhất mà khi nói ra khiến sự nghiệp của chúng ta đi chệch hướng, và những người EQ cao không bao giờ tiết lộ những điều này nơi làm việc của họ.

1. Chán ghét công việc hiện tại

(Ảnh: Career.vn)   

Ở nơi làm việc, không ai muốn nghe bạn than vãn về công việc, điều đó chứng tỏ bạn đang suy nghĩ tiêu cực, không có tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của cả nhóm. Các sếp sẽ rất nhanh chú ý tới người thiếu hợp tác và không tích cực trong công việc, thêm vào đó luôn có những ứng cử viên khác tràn đầy nhiệt huyết để thay thế.

2. Đánh giá đồng nghiệp không đủ năng lực

Ở bất cứ nơi làm việc nào cũng sẽ luôn có những người không đủ năng lực và rất có thể mọi người đều biết họ là ai. Nếu bạn không thể giúp họ tiến bộ hay có đủ thẩm quyền để sa thải họ thì bạn cũng đừng nên chê bai về năng lực yếu kém của họ. Việc này cũng chẳng làm bạn tốt đẹp hơn. Sự thiếu khôn ngoan này có thể sẽ “phản” lại bạn khi có thể bạn cũng sẽ nhận được những lời đánh giá tiêu cực từ đồng nghiệp xung quanh.

3. Bàn về thu nhập

Có thể bố mẹ bạn rất thích nghe bạn kể về thu nhập hàng tháng của mình, nhưng ở nơi làm việc điều này chỉ mang lại điều tiêu cực. Trả lương hoàn toàn công bằng là điều không thể và tiết lộ mức lương của bạn sẽ khiến đồng nghiệp bạn so đo. Ngay khi mọi người biết bạn được trả bao nhiêu thì mọi thứ bạn làm ở nơi làm việc sẽ được đem so với mức thu nhập của bạn. Trao đổi về mức lương với một đồng nghiệp để thỏa trí tò mò, nhưng lúc ấy, các bạn sẽ không bao giờ nhìn nhận về nhau như lúc trước nữa.

4. Nói về niềm tin tôn giáo và chính trị thiếu khách quan

(Ảnh: Vet Times Jobs)

Niềm tin tôn giáo và chính trị của con người gắn kết chặt chẽ với con người họ. Việc bàn tán về niềm tin chính trị và tôn giáo có thể gây xung đột ở nơi làm việc. Không đồng ý với quan điểm của ai đó có thể khiến họ lập tức thay đổi nhận thức về bạn một cách tiêu cực. Đối đầu với giá trị cốt lõi là một trong những điều xúc phạm mà bạn không thể làm.

Vì những người khác nhau ứng xử với chính trị và tôn giáo khác nhau, nhưng khẳng định giá trị của bạn có thể khiến bạn lập tức bị xa lánh như cách bạn được yêu thích vậy. Ngay cả việc đưa ra một sự kiện nóng trên thế giới mà cứ khăng khăng ý kiến có thể dẫn đến mâu thuẫn.

Người ta gây dựng cuộc sống của họ dựa trên lý tưởng và niềm tin của họ. Hãy sẵn sàng lắng nghe người khác và đừng áp đặt bất cứ điều gì theo nhận định của bạn bởi như vậy chỉ đem lại cái nhìn bất đồng quan điểm dẫn đến mâu thuẫn. Ý niệm về chính trị và niềm tin tôn giáo ăn sâu trong tiềm thức con người nên khi thách thức cách nhìn của họ bạn có khả năng cao bị đánh giá hơn là thay đổi được họ.

5. Chia sẻ trên Facebook

Không sếp nào muốn nhìn thấy hình ảnh của nhân viên trên facebook. Nó có thể là đồ bạn đang mặc, người đi cùng với bạn, điều bạn đang làm hoặc thậm chí là bình luận của bạn bè. Những điều nhỏ nhặt này có thể khiến sếp hoặc đồng nghiệp thay đổi ý định giao việc lớn cho bạn hoặc cất nhắc bạn thăng chức. Đừng tự gây phiền phức khi chia sẻ thoải mái trên mạng xã hội. Nếu không muốn từ bỏ mạng xã hội bạn có thể dùng hai tài khoản khác nhau, 1 cho công việc và một chỉ dành riêng cho bạn bè.

6. Không quan tâm đến công việc của đồng nghiệp

(Ảnh: sefure.org)

Ở nơi làm việc, bạn chỉ chăm chăm lo cho chuyện của bản thân mà không màng điều đó có thể xung đột với công việc của mọi người. Nếu như vậy là bạn đã vô tình thể hiện cho người ta thấy bạn ích kỷ, kỳ quặc đối với đồng nghiệp và cả công ty. Những nhân viên tuyệt vời luôn muốn cả đội thành công.

7. Thói quen say xỉn

Bạn cho rằng có thể kể về những lần say xỉn của mình như một thành tích để mua vui thì đó là một cách làm sai lầm.Thay vì vui vẻ, hài hước họ sẽ đánh giá bạn là một người thiếu chín chắn và có lối sống không chỉn chu. Không ai thích một người suốt ngày nhậu nhẹt, ảnh hưởng lớn đến công việc và tình cảm gia đình.

8. Đùa phản cảm

Nếu có điều gì đó bạn có thể học từ những người nổi tiếng thì đó là sự cẩn trọng về những gì bạn nói và người bạn đang nói chuyện với bạn. Những câu chuyện cười phản cảm có thể làm người khác thấy kinh khủng và cũng khiến bạn thật kinh khủng. Một câu chuyện cười được chọn để kể phù hợp với từng đối tượng cũng như sự thân thiết của bạn với họ. Nếu thấy có người bị câu chuyện của bạn làm khó chịu, hoặc bị tổn thương bạn nên dừng kể câu chuyện ấy. Bởi biết đâu câu chuyện của bạn lại chạm vào nỗi đau trong quá khứ của người ấy.

9. Bạn đang tìm việc

(Ảnh: Laodong.vn)

Khi bạn nói với mọi người rằng bạn đang tìm công việc mới, đồng nghĩa với việc bạn tiết lộ kế hoạch rời bỏ công việc, đột nhiên bạn trở thành người làm lãng phí thời gian của mọi người. Trong khi đó, đơn xin việc của bạn có thể bị từ chối lúc đó bạn cũng sẽ không còn được tin tưởng và vị thế của bạn cũng không còn được như trước.

Đạt Vũ