Không thể phủ nhận rằng, công nghệ đem đến cho thế giới loài người nhiều sự tiện lợi và tiến bộ. Tuy nhiên chúng cũng đang gây ra các động tiêu cực đến lối sống của con người, đặc biệt là những người trẻ. Dưới đây là danh sách 5 cách mà công nghệ tấn công chúng ta theo nhận định của tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Ellen Hendriksen.

Ngày 4 tháng 7 năm 1776: Hoa Kỳ chính thức độc lập

Ngày 20 tháng 7 năm 1969: Con người đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt trăng

Ngày 9 tháng 11 năm 1989: Bức tường Berlin sụp đổ

(Ảnh: Baomoi)

Nhưng tất cả những ngày tháng thay đổi lịch sử đó đã đi quá xa, chỉ có ngày 29/6/2007, cái ngày mà những bước ngoặt lớn của lịch sử mới thật sự tác động tới con người hiện tại. Đó là ngày mà chiếc điện thoại Iphone đầu tiên được bán ra, và từ đó đến nay, đời sống tinh thần của loài người đã thay đổi mãi mãi.

Nghiên cứu, báo cáo trên các tạp trí khoa học và những lời đồn đoán đều đang khiến chúng ta lo lắng hơn. Một nghiên cứu mới trên tạp chí Emotion với sự tham gia của hơn 1 triệu học sinh trung học Mỹ đã kết luận rằng, thanh thiếu niên danh nhiều thời gian với màn hình điện tử hơn thời gian cho các hoạt động “phi màn hình” như giao tiếp, thể thao hoặc làm bài tập ở nhà. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có một mối quan hệ nhân quả giữa việc gia tăng thời gian dùng thiết bị điện tử với sự suy giảm mức độ hạnh phúc.

Nhưng chính xác thì điều này diễn ra bằng cách nào? Với những suy đoán chuyên môn của riêng mình, cô Ellen liệt kê 5 lý do chính dưới đây.

Lý do 1: Công nghệ giúp ta giải quyết những rắc rối nhỏ nhưng dễ làm ta tổn thương với những rắc rối lớn

Sự nghi ngại là căn nguyên của lo lắng: “Điều gì sẽ xảy ra?”, “Mọi người nghĩ gì về tôi?”, “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu điều này xấu đi?”

Và theo một số cách, công nghệ giảm bớt sự không chắc chắn đó bằng cách hỗ trợ chúng ta kiểm soát thế giới và nhu cầu của chính bản thân mình. Chúng ta có thể dành rất nhiều thời gian cho một thế giới được kiểm soát như vậy. Chúng ta tìm đường bằng Google Map, đọc các review về sản phẩm, xem trước thực đơn, nhấn nút và đọc được chính xác danh sách khách mời. Nhưng kết quả là chúng ta phải bớt xén thời gian cho việc thích nghi với một cuộc sống đầy bất ổn.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng, loại bỏ sự ngờ vực khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn. Nhưng sự thật không phải như vậy, thay vào đó công nghệ tước đoạt đi nhiều kinh nghiệm sống, thứ mà chúng ta chỉ có thể sở hữu khi kinh qua những rắc rối nho nhỏ trong cuộc sống.

Cũng vì lẽ đó, cuộc đời của chúng ta sẽ trở nên mông lung hơn khi giải quyết những rắc rối lớn như lựa chọn công việc hay tìm kiếm tình yêu. Trong một nền kinh tế nhộn nhịp ngày nay, một công việc ổn định nhanh chóng sẽ bị quên lãng. Và trên Internet có biết bao dịch vụ hẹn hò khiến người ta lo lắng rằng liệu nửa kia của mình có thực sự là lựa chọn chính xác không. 

Bởi vì công nghệ giúp chúng ta giải quyết những vấn đề nhỏ, nên hệ quả tất yếu là tâm lý con người không được chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách lớn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu và căng thẳng trong cuộc sống hiện đại.

(Ảnh: Elephant Journal)

Lý do 2: Công nghệ làm ta xa lánh mọi người (Và cả những cảm xúc tiêu cực của họ)

Công nghệ cải thiện cuộc sống của con người rất nhiều, nhưng trái lại nó cũng khiến chúng ta né tránh mọi người. Có một quảng cáo như thế này trên ga tàu điện ngầm khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Thỏa mãn mong muốn không dính líu đến con người của bạn”. Đó là quảng cáo của một hãng giao thức ăn nhanh, nhưng đó cũng là một dấu hiệu cho lối sinh hoạt của chúng ta đang bị biến dạng bởi công nghệ.

Tất cả chúng ta đều có những lúc ghét bỏ người khác, trong vài trường hợp, chúng là điều dễ hiểu, nhưng sự khi sự tránh né con người trở thành điều hiển nhiên, chúng sẽ làm bạn thiếu hụt những trải nghiệm.

Thứ nhất, chúng làm nghèo nàn kho thông tin của bạn về những tình huống có thể xảy ra, vì vậy khó tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực rằng mọi việc diễn ra tệ hơn thực tế. Thứ 2, khi không còn giao tiếp đủ nhiều với người khác, sự tự tin của bạn sẽ bị lung lay. Chúng ta nghi ngờ khả năng của chính mình, không biết cách để giải quyết mọi việc và nó trở thành cái vòng luẩn quẩn khiến bạn tránh né giao tiếp nhiều hơn.

Không chỉ có vậy, điều cốt lõi là khi chúng ta đã cố gắng né tránh người khác cũng có nghĩa là ta cố gắng né tránh những cảm xúc khó chịu đi kèm với nó: Lúng túng, lo âu, chán nản, tự ý thức… Bạn lẩn tránh chúng như một bóng ma, nhưng cuối cùng những cảm xúc đó vẫn tồn tại và rất có thể những người xung quanh bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả từ hành động của bạn.

Lý do 3: Giao tiếp qua màn hình hoàn toàn khác với giao tiếp mặt đối mặt

(Ảnh: Technology)

Vào đầu những năm 1990, người ta đã dự đoán rằng rồi sẽ đến lúc chúng ta nhâm nhi li cocktail trên bãi biển vừa đọc thư điện tử để tiết kiệm thời gian. Nhưng những gì đang diễn ra thực tế còn vượt xa điều đó. Chúng ta giao tiếp thông qua màn hình, nhắn tin, bài đăng trên mạng xã hội và tất cả chúng đang chiếm lấy nhiều thời gian hơn của mọi người.

Trong khi giao tiếp qua màn hình bạn có quyền nghiền ngẫm, soạn thảo và chỉnh sửa cho chau chuốt câu từ, thì những cuộc đối thoại trực tiếp hoặc chí ít là giao tiếp bằng điện thoại lại xảy ra nhất thời và cần sự ứng biến. Nó giúp chúng ta phát triển khả năng thích ứng và kỹ năng giao tiếp xã hội. Và khi chúng ta mơ hồ với những gì chúng ta thốt lên, điều đó lại quay trở lại làm ta bồn chồn và lo lắng.

Lý do 4: Truyền thông xã hội là một tòa án cộng đồng

Đối với những thanh thiếu niên vẫn đang trong quá trình hình thành tính cách cũng như các quan niệm đạo đức, việc sử dụng mạng xã hội giống như là họ đang ở trong một cơn khủng hoảng thông tin vậy. Bất kể một ứng dụng nào, mà ở đó chỉ cần lượt thích và người theo dõi đều được trình bày dễ thấy, mọi người đều có thể bình luận, khen hoặc chê. Điều đó làm cho các giá trị và quan niệm bị xáo trộn dẫn đến nhầm lẫn cho người sử dụng.

Hội chứng sợ hãi xã hội là khi bạn sợ bản thân bị bóc mẽ và đánh giá bởi cộng đồng. Và hệ thống truyền thông trên các trang mạng xã hội như thể là một tác nhân mạnh mẽ thổi bùng lên ngọn lửa sợ hãi đó. Với nhiều người, khả năng đánh giá, phân tích và chọn lọc các nội dung về cá nhân để đăng tải lên trên mạng xã hội có thể giúp họ tạm thời giảm đi cảm giác lo âu. Nhưng về lâu dài, việc cố gắng chắt lọc và tuyển lựa chúng khiến ta cảm thấy những gì mình chọn chỉ như lớp vỏ mỏng manh bên ngoài. Kết quả là những điểm khác biệt giữa “con người ảo” mà bạn tô vẽ với những con người ngoài đời thật làm ta trở nên sợ hãi nếu bị bóc trần.

(Ảnh: The New York Review of Books)

Lý do 5: “Ghen tị và thất vọng”

Hầu hết mọi người đều biết rằng truyền thông xã hội chỉ là một bức tranh hào nhoáng bên ngoài và dù sao chẳng có ai sẵn sàng lôi hết chuyện xấu của mình ra kể lể. Chúng ta thường chỉ có thể nhìn thấy những bức ảnh về đồ ăn, về những chuyến du lịch và những cuộc gặp gỡ được chau chuốt tỉ mỉ. Nhưng chúng ta lại vin vào đó để cảm thấy tự ti và thua thiệt. Điều đó một lần nữa dẫn đến nguyên nhân của chứng sợ xã hội.

Nói chung, công nghệ là nguyên nhân và là giải pháp của các vấn đề trong cuộc sống. Truyền thông xã hội rõ ràng giúp ta duy trì mối quan hệ, nhưng cùng lúc nó khiến ta cảm thấy xa cách với mọi người và dường như cái được chẳng bõ cho cái mất, khi mà trầm cảm và các căn bệnh tâm lý đang lan tràn trong cộng đồng những người thường xuyên sử dụng thiết bị công nghệ.

Việc máy móc thay thế con người trong nhiều việc, giúp chúng ta cảm thấy tiện nghi và thỏa mãn. Nhưng đồng thời chúng cũng lấy luôn của chúng ta bản năng ứng phó với các vấn đề diễn ra trong môi trường sống hiện thực. Khi mà những kỹ năng xã hội và trạng thái tâm lý ổn định bị mài mòn, người ta dễ có xu hướng thu mình lại. Nếu tất cả mọi người đều đắm chìm trong một thế giới ảo như thế, vậy thì cấu trúc xã hội chắc chắn sẽ bị hủy hoại rất ghê gớm.

Vì vậy, thay vì dành quá nhiều thời gian vào chiếc điện thoại di động, hãy bước ra ngoài, gặp gỡ và trò chuyện nhiều hơn. Hãy lựa chọn một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức khỏe, tham gia các dự án công đồng, tìm kiếm những khoảng lặng cho cuộc sống hối hả và bạn sẽ thấy rằng, cuộc đời vẫn đẹp khi không có truyền thông xã hội. Bạn sẽ tự do hơn và có nhiều hơn thời gian cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Trọng Đạt