Đám cưới là một trong những ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của mỗi người. Cô dâu, chú rể đã phải mất đến hàng tháng trời để chuẩn bị cho ngày này, một cách chu đáo, tỉ mỉ. Bởi mỗi chi tiết tưởng chừng rất nhỏ lại mang những ý nghĩa sâu xa. Hãy cùng khám phá những thông tục trong đám cưới của người phương Tây trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về nguồn gốc cũng như những ý nghĩa ẩn chứa trong đó nhé!
1. Thông báo về lễ cưới trên báo
Khi các cặp đôi có đủ duyên phận để cùng nhau bước vào lễ đường, nếu đã hoặc sắp kết hôn có lẽ bạn sẽ tưởng tượng được cảm giác của cô dâu và chú rể: Hạnh phúc, hồi hộp đến nỗi bạn muốn thông báo với cả thế giới rằng hai người sắp trở thành một gia đình. Ngày trước, khi báo giấy còn thông dụng, tòa soạn luôn dành một cột báo nhỏ để các cặp đôi thông báo cho mọi người biết về ngày vui của họ.
Phong tục này bắt nguồn từ một nguyên tắc được nhà thờ Công giáo La Mã đặt ra vào năm 1215: Các cặp đôi phải công bố chính thức đám cưới của mình với Nhà thờ. Điều luật này được định ra nhằm ngăn chặn những đám cưới chui, lén lút chủ yếu giữa những người cùng huyết thống thời bấy giờ.
Hiện giờ, với sự bùng nổ của mạng xã hội, bạn sẽ không còn được trải nghiệm cảm giác thú vị như: một ngày đẹp trời, khi đọc báo vào bữa sáng, bạn vô tình biết được một người bạn thời niên thiếu của mình chuẩn bị làm đám cưới. Tin vui ấy, giờ đây sẽ xuất hiện ngay trên tường Facebook của bạn, thậm chí là có cả hình ảnh minh họa kèm theo. Cũng thật thú vị, đúng không?
2. Nhẫn đính hôn bằng kim cương
Chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương cũng có lịch sử của nó. Đây là một thông lệ xuất phát từ thời kì La Mã cổ đại, khi Giáo hoàng Innocent quyết định các cặp đôi cần có thêm một khoảng thời gian trước khi tiến tới hôn nhân thật sự. Nhưng vào thời kì này, người ta chỉ đeo những chiếc nhẫn bằng sắt rất đơn giản ở ngón tay áp út bên trái.
Năm 1447, quận công Maximilien de Habsbourg đã chọn một chiếc nhẫn kim cương để cầu hôn người vợ tương lai của ông Marie de Bourgogne, khởi đầu cho thông tục dùng nhẫn kim cương làm nhẫn đính ước. Nhưng chỉ đến những năm 1930, khi đồ trang sức được trang trí với những viên đá quý hiếm bắt đầu xuất hiện nhiều, việc dùng những chiếc nhẫn quý giá này để cầu hôn mới bắt đầu trở nên phổ biến. Có lẽ không phải giá trị đắt tiền của kim cương, mà chính tính chất bền vững tuyệt đối của loại vật chất tuyệt đẹp này đã khiến nó trở thành biểu tượng của tình yêu bất diệt và sự vĩnh cửu của mối quan hệ vợ chồng thiêng liêng.
3. Mạng che mặt của cô dâu
Ngày nay, mạng che mặt của cô dâu được xem là biểu tượng của sự e lệ và kín đáo của một cô dâu trong ngày cưới. Nhưng khi ngược về thời kì bắt nguồn của tục lệ này, chiếc mạng che mặt lại mang một ý nghĩa khác. Người Hi Lạp – La Mã cổ đại chính là những người đầu tiên sử dụng mạng che mặt cho các cô dâu trong lễ cưới. Họ quan niệm rằng chiếc mạng được làm bằng một vật chất đặc biệt sẽ giúp bảo vệ cô dâu khỏi những linh hồn xấu hay ác quỷ trong lễ cưới.
Nhưng mạng che mặt cũng mang ý nghĩa, người đàn ông sẽ chỉ được nhìn mặt vợ mình sau khi đã thành hôn. Điều này giúp ngăn chặn những trường hợp chú rể không thích vẻ bề ngoài, đặc biệt là khuôn mặt của cô dâu và “cao chạy xa bay” trước ngày cưới. Chúng ta cũng có thể quan sát được tục lệ này trong các đám cưới truyền thống của nhiều quốc gia phương Đông.
4. Trao dâu
Nếu đã có dịp tham dự các lễ cưới của người phương Tây, bạn sẽ cảm thấy giây phút người cha dẫn con gái mình vào lễ đường là một trong những giây phút xúc động nhất của buổi lễ. Tiếp đó, để mọi nghi lễ có thể bắt đầu, người cha sẽ trao gửi con gái mình cho chú rể.
Nghi thức “trao dâu” này bắt nguồn từ thời kì rất xa xưa. Khi ấy, cô gái được coi là thuộc quyền sở hữu của người cha. Hình thức trao gửi này đánh dấu sự trao quyền sở hữu cho người đàn ông sẽ làm chồng cô. Nhưng cũng có những lý giải cho rằng, vì cô dâu phải đeo mạng che mặt nên việc di chuyển trong lễ đường là không dễ dàng, vì thế cô cần một người để dẫn mình tới lễ đường. Người thích hợp nhất chính là cha cô gái, người đã dìu dắt cô ngay từ những bước chân chập chững đầu tiên trong cuộc đời.
Ngày nay, nghi thức trao dâu có lẽ đã không còn những ý nghĩa như thời cổ xưa. Nhưng nó vẫn là một trong những phần quan trọng nhất của buổi lễ. Bởi các ông bố luôn dùng những giây phút quý giá trước khi trao con gái mình cho người chồng tương lai, để dặn dò chàng trai sẽ thay ông chăm lo, đồng hành cùng con gái mình. Giây phút này sẽ khiến cho các cô dâu cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của cha mẹ, còn các chú rể sẽ hiểu được yêu thương, chăm sóc vợ chính là trách nhiệm thiêng liêng mà cha cô dâu trao cho mình.
5. Phù rể
Thông tục có các phù rể trong đám cưới cũng bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại. Vào thời kì này, các phù rể không đơn giản là những người bạn thân thiết của chú rể, mặc những bộ suit thật bảnh bao để làm chứng cho giây phút trọng đại trong cuộc đời của bạn mình.
Vào thời kì ấy, những ai muốn trở thành phù rể phải thực sự chứng minh được khả năng bảo vệ và phản ứng trước những chuyện bất ngờ. Bởi họ sẽ thực sự phải dùng đến thanh kiếm cũng như sự dũng cảm của mình để bảo vệ lễ cưới khỏi những kẻ quấy rối, và ngăn chặn mọi kẻ muốn bắt cóc cô dâu. Thật kỳ lạ, nhưng việc các đám cưới bị phá ngang dường như là nỗi sợ hãi rất lớn của những người dân Hy Lạp thời kì này.
6. Bánh cưới tầng
Những chiếc bánh cưới trong các hôn lễ thường rất to và có nhiều tầng. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao người ta lại cần một chiếc bánh to đến như vậy? Liệu có phải kích cỡ này chính là để đáp ứng việc chia đều bánh cho các vị khách trong bữa tiệc? Nhưng nguồn gốc của chiếc bánh này thực sự vui vẻ và tinh nghịch hơn rất nhiều.
Những vị khách thời trung cổ sẽ chất những chiếc bánh sữa nhỏ ngọt thành đống thật cao và cô dâu chú rể sẽ phải cố gắng trao nhau nụ hôn mà không làm đổ tháp bánh. Thực hiện thành công nhiệm vụ “được khách mời giao phó” này là dấu hiệu cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Cuối cùng, theo thời gian, tháp bánh sữa đã biến thành những chiếc bánh ngọt chồng tầng chúng ta thấy ngày nay.
7. Váy cưới màu trắng
Từ rất nhiều năm nay, sự “trong trắng” của cô dâu sẽ quyết định việc cô ấy có được mặc chiếc váy trắng trong ngày cưới hay không.
Điều trớ trêu là, thông tục mặc váy trắng trong ngày trọng đại này lại không bắt đầu bằng đám cưới của nữ hoàng Victoria thùy mị với Hoàng tử Albert. Nó bắt đầu từ công chúa Anne của nước Anh. Bà đã chọn mặc một chiếc váy trắng trong đám cưới với vua Pháp Louis XII, là đám cưới thứ ba của bà. Công chúa Anne đã chia tay với người chồng đầu tiên sau những năm chung sống không hạnh phúc, còn người chồng thứ hai, người anh em họ của Louis, Charles III đã chết. Những đám cưới này đã giúp duy trì địa vị hoàng hậu nước Pháp của bà.
8. Bó hoa cưới
Việc này khởi nguồn từ thời kì Cái chết đen – đợt dịch bệnh kinh hoàng nhất ở Châu Âu và Trung Á, từ năm 1348 đến năm 1350. Truyền thuyết dân gian tin rằng cô dâu phải cầm một bó các loại cây có mùi hăng và cay nóng như tỏi và thì là khi bước trong lễ đường, điều này sẽ giúp cô tránh được những linh hồn quỷ ám đang hoành hành và gây ra thứ bệnh nguy hiểm chết chóc thời bấy giờ.
Thời gian qua đi cùng với sự kết thúc của những đợt dịch bệnh kinh hoàng, các cô dâu nhận thấy việc cầm một bó các thứ kì lạ trong lễ cưới không còn thích hợp. Vậy nên họ đã quyết định thay vì cầm tỏi và hành, một bó hoa rực rỡ ngát hương sẽ thích hợp hơn và khiến họ trở nên đẹp và thật tươi tắn trong ngày trọng đại của mình.
9. Buộc lon vào xe của cặp đôi mới cưới
Bạn sẽ nhận ra rằng những chiếc xe chở cô dâu chú rể ở các nước phương Tây thường có một chùm lon buộc ở đuôi xe. Những chiếc lon này sẽ tạo ra những âm thanh rất huyên náo khi xe chuyển bánh. Thông tục này cũng xuất phát từ niềm tin: tiếng động chói tai do những chiếc lon va chạm với mặt đường sẽ xua đuổi những linh hồn xấu xa, để bảo vệ cô dâu và chú rể khi họ phải di chuyển bằng ô tô.
Nhưng cũng có những giả thiết thú vị rằng, vì những chiếc lon này sẽ được những người bạn thân của chú rể buộc vào sau xe, tiếng động không mấy dễ chịu của nó sẽ khiến chú rể luôn nhớ anh là người may mắn khi lấy được cô dâu; và anh đã chiếm mất cơ hội đến với cô dâu của những chàng trai khác, kể từ sau hôn lễ này.
10. Bế cô dâu qua ngưỡng cửa
Ngày nay, người ta coi hành động bế cô dâu qua ngưỡng cửa để vào nhà là một hành động vô cùng lãng mạn, chứng tỏ sức mạnh và tấm lòng chân thành muốn bảo vệ cô dâu mọi lúc, mọi nơi của chú rể.
Nhưng ở thời La Mã cổ đại, hành động này rất được xem trọng, vì họ quan niệm rằng thời điểm đôi vợ chồng trẻ bước qua ngưỡng cửa chính là cơ hội cuối cùng để những linh hồn xấu xa có thể phá quấy cặp đôi. Vậy nên, việc bế cô dâu vào nhà cũng chính là hành động bảo vệ cô dâu, và mối quan hệ của họ.
11. Tuần trăng mật
Điều này bắt nguồn từ thế kỷ thứ 5 khi thời gian được tính bằng quỹ đạo của mặt trăng. Trong suốt tuần trăng đầu tiên sau khi cưới, cặp đôi sẽ sống riêng một thời gian để tận hưởng những tháng ngày riêng tư, ngọt ngào bên nhau.
Truyền thống này giống như một món quà dành cho đôi uyên ương mới. Vậy nên, nó được duy trì đến tận ngày nay, tuy rằng người ta không dành cả một tuần trăng để hưởng thụ kì trăng mật, mà chọn một chuyến du lịch ngắn đến một nơi thật lãng mạn để tận hưởng đám cưới của mình.
Theo Littlethings
Xuân Dung
Xem thêm: