Các ông bố bà mẹ hiểu rõ rằng, những đứa trẻ có giáo dục và đạo đức tốt là nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ, như cây non được tưới nước và tỉa cành đều đặn.
Tuy nhiên, nếu con bạn đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, bạn sẽ biết một sự thật rằng việc thực hành các quy tắc trong gia đình không hề đơn giản. Trên thực tế, nó chỉ dễ dàng khi áp dụng cho con cái của người khác mà thôi. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây, để tìm cho mình biện pháp thích hợp nếu bạn đang rơi vào cơn khủng hoảng khi phải đối phó với mấy đứa trẻ “tuổi teen” nhà bạn nhé!
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến các bậc cha mẹ đau đầu là vì họ không thiết lập được mối quan hệ hòa thuận với các con ở độ tuổi thanh thiếu niên của mình. Thông thường, mối quan hệ này sẽ nảy sinh rất nhiều tranh luận, căng thẳng và thậm chí cả sự thiếu tôn trọng. Những mâu thuẫn xảy đến khiến các bậc phụ huynh thất vọng, mệt mỏi, cảm thấy bị mắc kẹt và thường sợ hãi về những viễn cảnh tương lai trong mối quan hệ với các con.
Kỳ lạ thay, những đứa con ở độ tuổi thanh thiếu niên thường trở nên ngoan cố hơn, bất chấp hơn trên sự hỗn loạn này, vì nó mang lại cho bọn trẻ một cảm giác có sức mạnh và quyền lực khi đương đầu với cha mẹ. Đương nhiên, đó không phải là một sự phát triển lành mạnh đối với con trẻ và có thể dẫn đến những thứ rắc rối khác như tác động tiêu cực đến quan hệ vợ chồng bạn và quan hệ với những đứa con khác, cũng như làm mất đi niềm vui trong sinh hoạt gia đình. Do đó, chúng ta phải kịp thời điều chỉnh trạng thái này của con trẻ theo hướng đúng đắn.
Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ cũng vẫn là những người đang học cách làm cha làm mẹ, và thật không dễ dàng cho họ khi đứa con bé bỏng ngày nào trở nên ngày càng ương bướng và nổi loạn. Vì thế, các bậc phụ huynh bắt đầu thiếu tự tin trong cách suy nghĩ và ra quyết định kiểu như:
- Việc cha mẹ là người có quyền làm chủ mọi quyết định ở gia đình có hợp lý không?
- Có nên áp dụng nghiêm khắc các quy tắc không hay có thể nhân nhượng bọn trẻ?
Có nhiều bậc cha mẹ là những người rất thành đạt trong xã hội nhưng lại gặp trở ngại trong việc giáo dục con cái. Nguyên nhân là do việc thiếu kiên quyết trong việc khẳng định quyền quyết định đối với các quy tắc trong gia đình. Vì thế, xây dựng sự tự tin rất quan trọng để khôi phục sự cân bằng trong quan hệ gia đình và trong việc giáo dục con cái. Dưới đây là bốn nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ nên tham khảo:
Giữ vai trò người lãnh đạo
Thử hít thở sâu và tự tin bước vào vai trò của bạn với tư cách là người lãnh đạo xem sao. Yêu thương con không đồng nghĩa là nuông chiều theo hành vi sai quấy của con, hãy giữ tôn nghiêm trong quan hệ gia đình bằng vai trò chỉ huy của bạn. Nói tóm lại, các bậc làm cha làm mẹ chúng ta sẽ là người đặt tiếng nói quyết định cuối cùng.
Tin tưởng vào quyết định của mình
Nhiều bậc cha mẹ lưỡng lự khi nói đến các quy tắc của gia đình, lý do là vì họ lo sợ rằng những đứa con (đặc biệt bọn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên) sẽ không thích. Điều này dẫn đến việc các bậc phụ huynh nảy sinh một loại tâm lý lo lắng và tự vấn các quy tắc chính mình đặt ra cho gia đình. Kết quả là họ thường không kiên quyết trong việc áp dụng các quy tắc và phải rơi vào tình trạng liên tục đàm phán những yêu cầu và đòi hỏi của bọn trẻ. Giải pháp cho vấn đề này là bạn phải có niềm tin và kiên quyết với quyết định của mình. Nếu bạn có một ý thức đáng tin cậy về quy tắc hành vi và đạo đức, hãy tin tưởng về những gì là đúng và sai bạn đã đặt ra cho gia đình và con cái của mình.
Hành động hợp lý sẽ giúp bạn làm chủ được tình huống và dạy cho các con nhận được bài học từ những việc làm sai trái của chúng. Bạn sẽ giúp chúng học cách tự kỷ luật đối với bản thân và có ý thức vững chắc về việc điều chỉnh các hành vi tiêu cực.
Bước thực hiện: Hãy dành thời gian ngồi một mình tĩnh lặng để tâm trí và cơ thể bạn lắng xuống một chút và suy nghĩ về tình huống mà bạn cần phải thiết lập một quy tắc hoặc giới hạn với bọn trẻ tuổi thanh thiếu niên nhà bạn. Bất kể bạn có thể gặp phải phản ứng gì từ bọn trẻ, hãy vững vàng với những gì bạn cho là quyết định đúng đắn. Đừng nuông theo cảm xúc thái quá, hãy học cách lắng nghe tiếng nói của lý trí và sau đó giữ vai trò nghiêm trang của bậc làm cha mẹ.
Ngừng việc giải thích quyết định của mình
Hãy bỏ đi cảm giác rằng bạn phải có trách nhiệm giải thích và biện minh cho các quy tắc của gia đình khi bọn trẻ tuổi teen nhà bạn muốn tranh luận. Đương nhiên, bọn trẻ không phải lúc nào cũng thích các quy tắc và rất có thể sẽ tìm cách phản kháng. Nhưng bạn phải xác định rõ với các con rằng khi bọn trẻ còn chưa trưởng thành và sống dưới sự chăm nom, dạy dỗ của cha mẹ thì các con phải chịu sự quản lý và chấp nhận các quy tắc cha mẹ đã quy định. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể cho phép các con phát biểu ý kiến, và nếu bọn trẻ biết thể hiện quan điểm một cách tôn trọng, bạn cũng có thể xem xét chúng. Có điều một khi bạn đã quyết định, đừng cảm thấy rằng mình có lỗi hay mắc nợ các con một lời giải thích, đừng để các con làm bạn phải suy nghĩ phức tạp hơn nữa về quyết định đúng đắn của mình. Quy tắc là quy tắc, đơn giản là vậy thôi.
Bước thực hiện: Lần tiếp theo bạn bị lôi kéo vào cuộc tranh luận hoặc đàm phán với con bạn, hãy giữ vững bản thân và thoát ra khỏi nó. Bình tĩnh lấy lại vị trí của bạn trong tình huống này, giải thích cho các con của bạn rằng chúng có thể không thích quyết định của bạn nhưng bọn trẻ phải tôn trọng quy tắc gia đình và chấp nhận nó, và bạn sẽ thấy chuyện này có thể lắng xuống một khi tiếng nói quyết định đã được cất lên.
Bạn phải luôn nắm được quân “át chủ bài”
Điều đó có nghĩa là gì? Đó là điều quan trọng cuối cùng mà bạn nên nhận ra rằng với tư cách là “chỉ huy trưởng” trong gia đình, bạn luôn có quyền làm chủ mọi tình huống. Thông thường, các bậc cha mẹ ngần ngại đặt ra giới hạn cho con cái vì họ lo rằng khi nghe thấy từ “không” (nghĩa là không cho phép vượt giới hạn đã quy định), bọn trẻ tuổi teen sẽ bắt đầu phản ứng bằng sự tức giận hoặc nổi loạn. Nếu đây là tình huống bạn đang phải đối mặt, hãy tỉnh táo nhận ra rằng với tư cách làm cha mẹ, bạn luôn có quyền làm chủ vấn đề. Cho dù hình thức bạn áp dụng nghiêm khắc đến đâu, điều đó không có nghĩa là bạn đang cố nhẫn tâm với con cái, mà vì để giáo dục chúng.
Vì thế, bạn phải kiên quyết trong việc áp đặt “luật” gia đình đối với hành vi xấu của trẻ. Bạn có thể áp dụng các biện pháp như rút lại các đặc quyền đi chơi riêng cuối tuần, quy định lại giờ giới nghiêm chặt chẽ hơn, hoặc trong vài trường hợp đặc biệt cũng có thể chuyển con bạn ra khỏi nhà trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả mọi tình huống, hãy tự tin là bạn luôn có tiếng nói cuối cùng, tiếng nói quyết định đối với các vấn đề. Điều này không phải luôn dễ dàng, nhưng nếu ý chí của bạn vững vàng, bạn sẽ thấy mình có cách giải quyết.
Bước thực hiện: Hãy liệt kê một số các cách phạt mà bạn nghĩ có hiệu quả giáo dục và răn đe khi con bạn có hành vi cư xử kém. Ví dụ như tước quyền sử dụng điện thoại di động, sử dụng xe máy, chuyến đi biển mùa hè với bạn bè, các hoạt động thể thao hay du lịch dã ngoại cuối tuần,…Đương nhiên bạn không cần áp dụng một trong những điều này hay tất cả chúng, chỉ cần biết rằng mình có quyền làm chủ tình huống bạn sẽ biết mình phải làm gì.
Khi con trẻ đến độ tuổi thanh thiếu niên và dễ chịu tác động của những thói hư tật xấu từ bạn bè cũng như ngoài xã hội, kỷ luật tốt trong gia đình sẽ giúp bọn trẻ có khả năng nhận biết và phòng tránh các cám dỗ bằng cách tự kỷ luật. Kỷ luật không mang đến bất hạnh cho con trẻ như một số người vẫn nhầm tưởng khi nó có vẻ đi ngược lại bản năng tự nhiên của chúng ta là muốn yêu thương, bảo vệ và chiều chuộng con mình. Thực ra đó chính là cách để giúp con trẻ trở thành một người sống có quy tắc đạo đức tốt và nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Tất nhiên, làm cha mẹ không đơn giản như chúng ta nghĩ, đó cũng là thứ mà ta cần phải học, học yêu thương con đúng cách cũng như học cách nghiêm túc trong việc dạy dỗ và xử phạt con cái của mình. Có thể sự tự tin trong vấn đề quản giáo con cái không có sẵn trong bạn, hãy dành thời gian và tâm sức để xây dựng và hoàn thiện chính mình. Hãy tĩnh tâm suy xét về tương lai của gia đình và các con, về trách nhiệm của mình và về những gì bạn có thể làm để định hướng cho các con một cách đúng đắn nhất.
Hạnh phúc chân chính thật sự của một đứa trẻ là trở thành một con người có phẩm chất tốt, tuân thủ theo các hành vi và quan niệm đạo đức đúng đắn, chứ không phải chỉ để tận hưởng sự buông thả theo sở thích nhất thời. Khi bạn đi đúng hướng, con bạn sẽ muốn hành xử đúng đắn, không phải vì trẻ sợ bị trừng phạt mà vì để trở thành một con người tốt, một thành viên tốt của gia đình và xã hội. Để con cái mình có được niềm hạnh phúc lâu dài này, hãy trở thành một bậc cha mẹ vĩ đại bằng tình yêu thương con vô bờ và bằng cả sự uốn nắn giáo dục con nghiêm túc nhất của bạn.
Tâm An