Dữ liệu mới nhất cho thấy các cuộc đình công, biểu tình ở Trung Quốc đã tăng 27% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết đều liên quan đến nền kinh tế. 

Cụ thể theo báo cáo mới của Freedom House, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, bất chấp sự cai trị ngày càng hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các cuộc đình công, phản đối tập thể, biểu tình đã lan rộng ở Trung Quốc ​trong thời gian qua.

Dữ liệu cho thấy có tổng cộng 937 cuộc đình công, biểu tình được ghi nhận ở Trung Quốc trong quý 3 năm nay, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 2, có 805 vụ, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết là phản đối của người lao động (44%) và phản đối của chủ sở hữu (21%).

Báo cáo cho biết, 41% người tham gia đòi quyền lợi trong quý 3 là công nhân; đông thứ hai là chủ sở hữu, chiếm 28%; còn có người dân nông thôn, học sinh, phụ huynh và người tiêu dùng. Quảng Đông đã trở thành điểm nóng về việc người dân tập hợp đòi quyền lợi, tiếp theo là Sơn Đông và Tứ Xuyên.

Báo cáo cũng cho thấy 1/3 số cuộc biểu tình đã bị các giới chức đàn áp thông qua việc giám sát, bắt giữ hoặc bạo lực.

Kevin Slaten, người đứng đầu văn phòng “Freedom House” tại Đài Loan, người chịu trách nhiệm thực hiện báo cáo, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng phân tích dữ liệu thu thập được cho thấy các cuộc đình công, biểu tình gần đây ở Trung Quốc chủ yếu liên quan đến các vấn đề kinh tế lao dốc, với 3/4 liên quan đến nợ lương, công trình chưa hoàn thiện và thu hồi đất, v.v.

Đồng quan điểm, Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, cũng nói với The Epoch Times rằng nền kinh tế là nguyên nhân trực tiếp nhất, tiếp theo là vấn đề tư pháp và sự thất bại trong quản lý xã hội đã khiến người dân Trung Quốc bức xúc, bất mãn và họ phải lên tiếng.

Nhà kinh tế học người Mỹ David Huang cũng nói với The Epoch Times rằng điều này chủ yếu phản ánh những vấn đề sâu xa của tình hình kinh tế hiện tại. Ví dụ, tỷ lệ thất nghiệp rất cao, nợ lương, nhà máy đóng cửa hàng loạt, nhiều dự án xây dựng dở dang và các vấn đề khác.