Từ các ngôi sao, người nổi tiếng trên thế giới tự kết thúc sinh mạng…
Anthony Bourdain, một đầu bếp danh tiếng, một nhà văn tài hoa, và một ngôi sao truyền hình nổi tiếng, rất quen thuộc với người Việt khi ông cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả ở Hà Nội năm 2016, đã tự tử ở một khách sạn ở Pháp khi đang quay chương trình cho kênh CNN. Cái chết của ông khiến các fan trên khắp thế giới thương tiếc, khiến tất cả mọi người đều bất ngờ. Bourdain qua đời còn khiến tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ rằng “có nỗi buồn sâu sắc”.
Đáng chú ý là cách đây khoảng 1 tháng, khi trả lời phỏng vấn tạp chí People, Bourdain nói, ông thà “chết trên yên ngựa” còn hơn nghỉ hưu: “Tôi đã có một câu trả lời khác vài năm trước. Tôi đã lừa dối bản thân mình khi nghĩ rằng tôi sẽ hạnh phúc trong một cái võng hoặc làm vườn. Nhưng không, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng tôi không thể hạnh phúc. Tôi sẽ chết trong yên ngựa thì hơn”.
Một người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp: Du lịch trải nghiệm khắp nơi trên thế giới, thưởng thức, nghiên cứu đủ món ăn của ngon vật lạ trên đời, ngôi sao truyền hình được nhiều người ưa thích, nhà văn có khá nhiều đầu sách bán chạy. Ông là người cương trực, mạnh khỏe, là người tập luyện môn võ jujitsu lâu năm, lại chọn kết thúc cuộc đời khi chỉ còn ít ngày nữa là sinh nhật lần thứ 62 sẽ đến, khiến mọi người không thể nào hiểu nổi. Nó thể hiện một hội chứng nguy hiểm đang tràn lan trên khắp thế giới: Tự tử đã không từ một ai, sang hay hèn, giàu hay nghèo, thành công hay thất bại.
Ba ngày trước đó, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở Mỹ Kate Spade, người được mệnh danh là “Mẹ đẻ của những chiếc túi” cũng tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 56. Kate đã vật lộn với chứng trầm cảm suốt 5 năm, và hai vợ chồng có vấn đề tình cảm, đã sống tách biệt trong 10 tháng qua.
Và chỉ trước đó 1 tháng, ngôi sao nhạc điện tử Thụy Điển Avicii cũng đã quyên sinh khi mới 28 tuổi. Gia đình Avicii từng chia sẻ bóng gió ám chỉ việc anh mất vì tự tử trong bức thư ngỏ sau sự việc đau lòng: “Anh dằn vặt với những ý nghĩ về nghĩa lý, cuộc sống, hạnh phúc. Anh đã không thể tiếp tục thêm. Anh muốn tìm kiếm bình yên”.
Một loạt các sao, người nổi tiếng trên thế giới tự sát, tuy bối cảnh khác nhau như chuyện gia đình, quan hệ căng thẳng với người thân, đổ vỡ tình cảm, trầm cảm… nhưng đều có điểm chung, họ đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, có danh vọng cao và tiền tài, và luôn bận rộn, căng mình ra với công việc.
… Đến tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam tìm đến cái chết ở mức báo động
Một số số liệu thống kê đáng báo động về tình trạng tự tử của thanh thiếu niên nước ta. Theo thống kê từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử nhập viện, hầu hết đều là những người trẻ tuổi. Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trên dưới 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, chủ yếu là ở nhóm người trẻ tuổi. Đây được xem là loại “độc dược” được nhiều người bệnh sử dụng để tìm tới cái chết, bởi lẽ thuốc diệt cỏ Paraquat là loại “độc của độc” khi nó mang tỉ lệ tử vong lên tới 70%. Con số ước tính khoảng 1000 ca trên khắp cả nước — (Nguồn VTC News).
Tại Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên từng nghĩ đến tự tử và tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với năm 2005 (theo cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần thứ 2, năm 2010). Số lượng người dân có ý nghĩ tự tử chiếm khoảng 8,9% dân số (theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Thị Thanh Hương và các đồng sự, năm 2006) — (Nguồn suckhoetamthan.net).
Các nguyên nhân tự tử của thanh thiếu niên nước ta thường là do tan vỡ tình cảm, người yêu chia tay, cha mẹ hoặc thầy cô mắng chửi, áp lực học hành thi cử, kết quả thi kém, bị bạn bè người thân xúc phạm, bi kịch gia đình xung khắc, cãi vã đánh nhau, gia đình, nhà trường đặt quá nhiều kỳ vọng, bị gia đình ruồng bỏ…
Nhiều trường hợp đau lòng khi các bà mẹ trẻ tự tử đã đem theo cả những đứa con nhỏ còn ngây thơ của họ chịu tội cùng, chỉ vì cãi nhau tức giận với chồng, cãi nhau với mẹ chồng, buồn chán chuyện gia đình hay các vấn đề áp lực cuộc sống của riêng họ.
Nguyên nhân hội chứng tự tử
Như vậy, bất kể người thành công hay thất bại, người giàu hay nghèo, người cao tài hay bất tài, người nổi tiếng hay tầm thường, người thông minh hay ngu dốt… thì lý do họ tự sát đều là: mệt mỏi chán nản với cuộc sống, thấy cuộc đời không còn ý nghĩa.
Có người do nóng giận, thất ý nhất thời mà đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng cũng có người qua quá trình nhiều năm suy nghĩ, tìm tòi ý nghĩa cuộc sống mà không được, vật lộn với cuộc sống để muốn thay đổi. Họ nghĩ thành công, danh vọng, tiền bạc đem lại hạnh phúc, nên đã luôn cố gắng. Để đạt được hết thành công này đến thành công khác là cái giá mấy chục năm lăn lộn, căng thẳng, tranh đua khiến họ kiệt quệ về tâm thần và thể xác.
Ngày nay, trên hầu như khắp thế giới thì tỉ lệ người tự tử phần nhiều ở tuổi thanh thiếu niên, về giới thì nữ nhiều hơn. Điều này rất dễ hiểu vì tuổi thanh thiếu niên và nữ giới là những người có tâm lý yếu hơn, tức là sức mạnh tinh thần kém, dễ bị tổn thương hơn cả.
Do đó, những người có tinh thần vững chãi sẽ vượt qua được những khó nạn trong cuộc đời, họ sẽ không nghĩ đến tự sát. Vì thế trong tâm lý học gần đây có đưa ra chỉ số AQ, tức là chỉ số nghịch cảnh, viết tắt của từ tiếng Anh Adversity Quotient. Người có AQ cao sẽ:
– Xử sự tích cực lạc quan, đối mặt với các vấn đề bằng thái độ tích cực.
– Sẵn lòng đón nhận rủi ro trong các công việc, không né tránh.
– Sẵn lòng đón nhận sự phân công công việc khó khăn phức tạp.
– Coi sự phát sinh các nguy cơ trong công việc là bắt đầu của một cơ hội.
– Cho dù liên tiếp thất bại, vẫn không chịu khuất phục tiến lên.
– Có thể tìm ra phương án giải quyết bằng góc độ sáng tạo.
– Không ngừng học tập, trưởng thành và hoàn thiện mình.
Tuy nhiên, để đạt được AQ cao thì cần có các biện pháp rèn luyện tinh thần gian khổ mới có thể đạt được.
Cội nguồn của hội chứng tự tử
Những người có tuổi một chút đều đã trải nghiệm, cách đây vài chục năm, xã hội vô cùng hiếm người tự tử, mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả hơn, nhưng bình yên và ít cạnh tranh hơn.
Còn trong lịch sử thì tự tử lại càng hiếm xảy ra. Xưa kia chỉ có các anh hùng tuẫn nạn, tuẫn tiết như Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang khi thất bại, Lê Lai cứu Lê Lợi mà tuẫn tiết, tướng Nguyễn Tri Phương thấy thành Hà Nội thất thủ mà tuẫn tiết… Họ đều tự sát vì đại nghĩa, vì dân tộc, chứ không vì bế tắc trong cuộc sống cá nhân.
Người xưa không tự tử vì họ coi tự tử là tội lỗi. Bất kể là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, hay Cơ Đốc giáo đều có chung quan điểm như vậy.
Nho gia, trong Hiếu Kinh có viết: “Thân thể tứ chi, lông tóc da thịt, đều là cha mẹ phú cho, nên không dám làm nó bị tổn hại hoặc thương tật, đó là bắt đầu của chữ Hiếu”. Do đó để làm được Hiếu thì cần cẩn trọng trân quý sinh mệnh, giữ gìn và dụng tâm bảo vệ, không được hủy hoại, làm tổn thương thân thể mình.
Đạo Cơ Đốc, Kinh Thánh coi tự tử tương đương với tội giết người. Đức Chúa Trời là Đấng quyết định khi nào chết và chết thế nào. Đối với Kinh Thánh cướp lấy quyền sinh sát của Đức Chúa Trời là phạm thượng. Người phạm tội tự tử sẽ phải đọa địa ngục vì người ấy đã từ chối ơn cứu rỗi của Đấng Christ.
Phật gia giảng, con người luân hồi chính là để trả nghiệp và tạo nghiệp. Những khổ đau, bất hạnh mà một người phải chịu là để trả nợ nghiệp đã gây ra trước đây, hoặc các kiếp trước, đã gây đau khổ cho người khác, đã phạm tội lỗi, làm việc ác. Do đó tự tử tức là trốn trả nợ nghiệp. Cái nợ kia chưa hết, lại tạo thêm nợ rất lớn nữa là sát sinh (tự sát cũng chính là sát sinh), thì kiếp sau gộp vào trả, tội sẽ lớn hơn, nghiệp càng nặng thêm.
Những sinh mệnh mà chưa đi hết cuộc đời đã định của mình, theo Phật giáo giảng sẽ không siêu thoát, thành cô hồn dã quỷ, phiêu đãng rất cực khổ. Do đó trong Phật giáo có làm các lễ siêu độ cho những người chết bất đắc kỳ tử, như bị giết, tại nạn, và cả tự sát. Cúng rằm tháng 7 cũng là để giúp những cô hồn dã quỷ này siêu độ.
Đạo gia giảng, con người sống thuận theo tự nhiên, vô vi, mà tự tử là trái tự nhiên, là hữu vi. Trong cuộc đời có thăng trầm được mất, Đạo gia giảng: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”, nên con người cần thuận theo Đạo, tuỳ kỳ tự nhiên.
Trước những được mất, thắng thua, phúc họa, lành dữ trong đời người, Lão Tử nói: “Hết thảy sự việc, có lúc thấy là bị tổn thất, nhưng trái lại lại có lợi ích, có lúc thấy có lợi ích nhưng trái lại lại bị tổn thất”. Do đó, người theo đạo Lão hiểu quy luật trong họa có phúc, trong phúc có họa, và lý âm dương tương sinh tương khắc, nên họ biết “Công thành thân thoái” (Thành công sự nghiệp rồi rút lui), họ sẽ chủ động con đường rút lui của mình khi trên đỉnh sự nghiệp, nên không bao giờ bị căng người nhọc sức chạy theo hết thành công này đến thành công khác.
Lão Tử nói: “Họa hoạn không gì lớn bằng lòng tham không biết đủ, tai họa không gì lớn bằng ham muốn đắc được. Do đó, biết đủ dừng lại thì sẽ luôn luôn được đầy đủ”. Làm được như thế này, thiết nghĩ trong cuộc đời chẳng có chuyện gì phải bận tâm, phải lo lắng cả, nói chi đến chuyện nghĩ đến tự sát.
Có một điều dễ thấy là, những người theo các tôn giáo, theo các pháp môn tu luyện thường có tinh thần rất vững chắc, họ có thể vượt qua những khổ nạn mà người thường khó mà vượt qua được. Cũng có nghĩa là họ có AQ cao. Có lẽ vì vậy mà thường hiếm thấy họ tự sát.
Một điểm quan trọng là những người theo các chính giáo, các pháp môn tu luyện đều tin vào nguyên thần bất diệt (còn gọi là thần thức, hay linh hồn), nên họ sẽ không trốn nợ nghiệp đời này để phải trả ở đời sau nặng hơn. Họ tin rằng, càng chịu khổ, càng trả nợ nghiệp nhanh thì càng sớm thoát khỏi luân hồi, trở về Thiên quốc. Do đó, chịu khổ, nhẫn chịu cũng là một trong những yêu cầu của tất cả các pháp môn tu luyện.
Cũng rất trùng hợp là thời hiện đại, các niềm tin tôn giáo, các tín ngưỡng chính giáo, văn hóa tu luyện cổ xưa bị xóa bỏ, bị phỉ báng, bị coi là mê tín… Thay vào đó là tư tưởng tôn sùng vật chất của thuyết duy vật, coi vật chất quyết định ý thức, quyết định tất cả, nên khắp nơi trên thế giới (nhưng ở nước ta nghiêm trọng hơn) đều quay cuồng kiếm tiền, hưởng thụ đời sống vật chất, buông thả lối sống.
Họ không tin có kiếp trước kiếp sau, tin chết rồi là hết, nên khi sống thì tranh giành, đấu đá, thậm chí giết hại nhau để có được vị trí cao, tiền bạc nhiều. Họ coi hạnh phúc là hưởng thụ, nên mặc sức ăn chơi, kể cả các chất gây nghiện như rượu, ma túy, phóng túng tình dục, chạy theo dục vọng… cho đến khi sức tàn lực kiệt. Khi tinh thần thể xác suy sụp, không chịu nổi những “nghịch cảnh” trong cuộc sống thì tìm đến cái chết để kết thúc, vì lúc đó, đối với họ thì sống không bằng chết, sống còn khổ cực đau đớn hơn cái chết.
Trở về với truyền thống là con đường đúng đắn giải quyết các vấn nạn xã hội hiện nay, là con đường chân chính mà nhân loại đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
Tuy nhiên, cũng có thể giảm thiểu được rất nhiều trường hợp tự tử đáng tiếc nếu các bậc cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người thân của thanh thiếu niên, các thành viên trong gia đình biết học được chữ Nhẫn: kiềm chế cơn nóng giận, nóng giận thì không nên nói năng gì, đợi qua cơn bốc hỏa hãy nói năng nhẹ nhàng với nhau bằng lý trí, rộng lượng và tình thương yêu đích thực. Ngoài ra chúng ta cần tôn trọng người khác (cho dù là trẻ em), hãy để họ lựa chọn con đường đi của mình, đừng can thiệp, đừng quá kỳ vọng vào người khác (và trẻ em), mà chỉ nên chìa bàn tay ra giúp đỡ nhau với một tấm lòng Thiện Lương.
Bạch Nhật