Bản tính sáng, đạo ắt thông.
Trở mình giải thoát khỏi vòng lưới giăng.
Luyện biến hóa khó vô chừng,
Đạo trường sinh ấy phải chăng dễ dàng?
Trong Tây du ký*, một trong những câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người hâm mộ có lẽ là “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”. Thuở trẻ xem Tây du ký, đến tập này không khỏi sa nước mắt, thương Ngộ Không mà oán trách Đường Tăng “có mắt như mù”, rõ ràng là yêu ma lại cứ khăng khăng là người tốt. Nhiều năm sau, đọc nguyên tác, mới vỡ lẽ ra nhiều điều, đặc biệt là về tâm cảnh của Đường Tăng. Mọi người đều nhớ chuyện Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, ba lần bị sư phụ đuổi, nhẫn nhục hết lòng, nhưng bạn còn nhớ chăng, Tam Tạng cũng ba lần cự tuyệt yêu quái?
Tây du ký kể rằng sau khi Tôn Ngộ Không mời được Bồ Tát hồi sinh cây nhân sâm, Hành Giả cùng Trấn Nguyên Đại Tiên kết nghĩa anh em. Tiệc tùng suốt mấy ngày vui vẻ, cuối cùng cũng đành chia tay, mấy thầy trò thay da đổi thịt, phấn chấn tinh thần, càng quyết chí sang Tây Thiên bái Phật. Đi được chẳng mấy chốc thì gặp một ngọn núi cao. Đường Tăng đói bụng, sai Hành Giả đi tìm chút gì lót dạ. Hồi thứ 27 “Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng/ Đường Tăng giận đuổi Mỹ Hầu vương” có viết:
“Lại nói chuyện người ta thường có câu: “Non cao lắm quái, núi hiểm nhiều ma”, đúng như vậy. Núi này có một con yêu tinh. Khi Hành Giả ra đi, làm kinh động con yêu quái. Trên tầng mây, đạp luồng gió âm, hắn nhìn thấy Đường Tăng đang ngồi dưới đất, xiết bao mừng rỡ nói:
– May quá! May quá! Mấy năm nay mọi người thường nói về lão hòa thượng nhà Đường bên phương Đông đi lấy kinh “Đại Thặng”. Lão vốn là Kim Thiền Tử hóa thân, tu hành mười đời, ăn được một miếng thịt của lão sẽ sống lâu mãi mãi. Hôm nay lão đến đây rồi!
Yêu tinh định xông tới bắt sống luôn, nhưng thấy bên cạnh Tam Tạng có hai đại tướng đứng bảo vệ, bèn không dám vội vã. Hai viên đại tướng ấy là ai? Đó là Bát Giới và Sa Tăng. Bát Giới và Sa Tăng tuy chẳng có võ nghệ cao cường gì, nhưng Bát Giới là Thiên Bồng nguyên soái, Sa Tăng là Quyển Liêm đại tướng. Uy vũ của họ cũng chưa biết thế nào, nên yêu tinh cũng không dám đường đột, bèn nói:
– Ta tạm trêu họ tí chút xem sao?
Nói đoạn, dừng vệt gió âm nhảy xuống, nấp trong hốc núi, lắc mình một cái, biến thành một cô gái xinh đẹp tuyệt vời, mày ngài mắt phượng, răng trắng môi hồng, tay trái cầm một chiếc liễn xanh, tay phải cầm một chiếc bình lục, từ hướng Tây đi về phía Đường Tăng:
Thánh tăng dừng ngựa sườn non.
Bỗng đâu cô gái nõn nường tới bên
Búp tay trắng muốt ngó sen.
Quần là mỏng dính như in cặp đùi.
Mặt hoa lúng liếng môi cười,
Liễu in khói biếc – nét ngài mỏng manh.
Ngó nghiêng đôi mắt đưa tình,
Xem ra đang bước tới gần Đường Tăng.
Tam Tạng trông thấy gọi:
– Bát Giới, Sa Tăng ơi, Ngộ Không vừa nói chỗ này đồng không mông quạnh, không có người ở, thế mà, các con xem, chẳng phải là người đang đi tới gì kia?
Bát Giới nói:
– Sư phụ và Sa Tăng cứ ngồi đây, để lão Trư đi xem xem.
Nói xong chú ngốc vứt đinh ba, sửa lại áo xống, bước khệnh khạng ra vẻ phong thái nhà nho, tới đón cô gái. Thật là: xa trông thì chẳng thấy gì, đến gần mới biết cực kỳ xinh tươi. Cô gái:
Người đâu trong ngọc trắng ngà,
Áo the hở ngực đẫy đà cặp lê.
Liễu xanh xanh biếc hàng mi,
Mắt phượng chơm chớp khác gì sao băng.
Dung nhan đầy đặn khuôn trăng.
Thiên nhiên phú bẩm cao thanh dáng người.
Nhẹ như én lượn bầu trời.
Tiếng oanh thỏ thẻ lòng người ngẩn ngơ.
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Lung linh thược dược như đưa xuân tình.
Bát Giới thấy cô gái xinh đẹp tuyệt trần, lòng dục trỗi dậy, không chịu nổi, nhưng cố giữ không dám nói bậy bạ, cất tiếng:
– Chào cô. Cô đi đâu đấy? Tay cầm vật gì vậy?
Rõ ràng là một con yêu tinh, nhưng Bát Giới không nhận ra. Cô gái đáp lại liến thoắng:
– Thưa trưởng lão, cái liễn xanh này đựng cơm gạo tám, còn chiếc bình lục này đựng bánh bao. Em mang tới đây chẳng có ý gì khác, ngoài việc phát nguyện dâng cơm chay cho trưởng lão.
Bát Giới nghe vậy, trong lòng hí hửng, vội vàng quay người, chạy một mạch như lợn phải gió, trở về báo với Tam Tạng:
– Sư phụ ơi, đúng là “ở hiền gặp lành”, sư phụ đói, bảo sư huynh đi tìm cơm chay, con khỉ ấy không biết đi hái đào, hay nghịch ngợm ở đâu rồi, hốc đào cho lắm vào, rồi có khi còn cãi nhau với người ta, hay là lại ngã cây nữa ấy chứ. Sư phụ xem kia, chẳng phải là người mang cơm chay đến đó sao?
Đường Tăng không tin, nói:
– Đồ bị thịt ngốc nghếch! Từ lúc chúng ta đi tới giờ, chưa gặp được một người tốt nào, làm gì có người mang cơm chay lại dâng?
Bát Giới nói:
– Thưa sư phụ, chẳng phải đang đến gì kia?
Tam Tạng vừa nhìn thấy, vội vàng đứng dậy, chắp tay trước ngực chào:
– Kính chào bà. Nhà bà ở đâu? Gia đình ra sao? Có muốn cầu mong gì mà đến dâng cơm chay vậy?
Rõ ràng là một con yêu tinh, mà Tam Tạng cũng không nhận ra. Yêu tinh thấy Đường Tăng hỏi lai lịch, bèn rắp tâm dối trá, múa mép khua môi rằng:
– Thưa sư phụ, ngọn núi này gọi là Bạch Hổ lĩnh, hổ báo, rắn rết cũng phải sợ. Nhà tôi ở mé chính tây. Cha mẹ tôi hãy còn sống, thường đọc kinh làm thiện, hay thết đãi cơm chay các hòa thượng xa gần, song hiềm một nỗi không có con, cầu cúng mãi mới được mình tôi là gái. Các cụ muốn tìm nơi môn đệ gả chồng cho tôi, nhưng e già cả không nơi nương tựa, đành phải gả chồng và cho ở rể, để phụng dưỡng tuổi già.
Tam Tạng nghe vậy, nói:
– Bà nói sai rồi. Thánh nhân có câu: “Cha mẹ còn sống, không được đi chơi xa. Nếu có đi phải cho cha mẹ biết nơi chốn”. Các cụ đang còn, lại kén rể cho bà. Nếu bà có muốn cầu xin gì thì bảo nam giới đi cũng được, tại sao lại đi một mình trong núi, chẳng có người đi theo, vậy là không giữ tròn đạo đức của nữ giới đâu.
Cô gái cười thỏ thẻ, nói khéo:
– Thưa sư phụ, chồng tôi đưa mấy người làm công đi cuốc ruộng ở thung lũng phía bắc. Tôi nấu cơm trưa, mang đi cho họ. Nhưng mùa màng bận rộn, chẳng sai được ai, cha mẹ thì già, nên phải tự mang đi, bất ngờ gặp ba ngài từ phương xa tới, nghĩ tới cha mẹ hay làm việc thiện, nên mới dâng cơm chay, nếu mấy ngài không hiềm nghi thì xin nhận tấm lòng thành.
Tam Tạng nói:
– Xin cảm ơn! Xin cảm ơn! Một người đồ đệ của tôi đi tìm quả cũng sắp về rồi, tôi chẳng dám ăn đâu. Nếu chúng tôi ăn, chồng bà biết sẽ mắng bà, thì đó chẳng phải là tội của bần tăng này hay sao?
Cô gái thấy Đường Tăng không chịu ăn, lại càng tươi cười mời mọc:
– Sư phụ ạ, cha mẹ tôi dâng cơm chay thì kể làm gì. Chồng tôi cũng thực là một người tốt, suốt đời chỉ biết sửa đường bắc cầu, kính già thương trẻ, nếu biết là dâng cơm chay mời các nhà sư, thì tình cảm vợ chồng chúng tôi càng khăng khít gắn bó hơn đấy.
Nhưng Tam Tạng vẫn không chịu ăn. Chú ngốc đứng bên cạnh khó chịu, dẩu mồm lầu bầu oán trách:
– Thiên hạ có vô số nhà sư, chẳng ai gàn như cụ hòa thượng nhà mình, cơm đã sẵn sàng ba phần rồi mà chẳng chịu ăn, cứ đợi con khỉ về chia làm bốn phần mới ăn hẳn?
Rồi chẳng phân trần gì nữa, thò ngay mõm vào liễn định chén liền”.
Tính ra, trước lúc Ngộ Không trở về, Đường Tăng đã ba lần cự tuyệt cô gái. Tuy Tam Tạng không có mắt thần nhìn rõ yêu ma, nhưng ông có giới hạnh làm bùa hộ mệnh. Vì là bậc chân tu đức hạnh nên Đường Tăng không bị sắc dục làm động niệm, mới có thể nhìn ra sự trái lẽ trong lời của cô gái, thậm chí còn bảo cô ta “không giữ tròn đạo đức của nữ giới”. Chứ cứ như Bát Giới, tuy cũng xuất thân là Thần Tiên, có đủ phép thần thông, nhưng ham ăn háo sắc nên suýt nữa cũng bị yêu tinh xơi tái rồi. Bạch Cốt Tinh sau khi bị Hành Giả nện một gậy, thoát xác thì căm tức nói: “…chỉ cần cúi xuống ngửi một cái, là ta sẽ quắp lấy, biến thành mồi của ta rồi”. Như vậy, chẳng phải chính giới hạnh đã bảo vệ Đường Tăng thoát khỏi nguy hiểm hay sao?
Cũng theo lời Tôn Ngộ Không, thì “Lão Tôn trước kia, khi còn là yêu ma động Thủy Liêm, lúc nào muốn ăn thịt người đều làm cách như thế này: hoặc biến thành vàng bạc, nhà cửa, hoặc biến thành gái đẹp say người. Kẻ nào ngu si say đắm phải lòng con, là bị con lừa mang về động. Lúc ấy, thì tùy ý con, hoặc nấu hoặc kho, ăn không hết, con phơi khô để dành phòng lúc mưa dầm”. Cũng hàm ý rằng, chỉ những ai ham hố tiền tài hay sắc đẹp, đánh mất đạo đức, thì yêu ma mới có thể làm hại. Con người là tinh hoa của trời đất, là anh linh của vạn vật, con người có thể tu thành Phật, thành Tiên, nên yêu quái không được phép tùy tiện ăn thịt người, trừ khi bản thân người đó có vấn đề về đức hạnh.
Thật vậy, trong hồi thứ 13 “Sa hang cọp Kim Tinh cứu thoát/ Núi Song Soa Bá Khâm mời sư”, Đường Tăng sau khi rời khỏi Tràng An thì bị yêu tinh hổ bắt về động toan làm thịt, may được Thái Bạch Kim Tinh giáng trần, hóa thành một cụ già tới giải thoát cho. Đường Tăng cảm tạ, nói “Không ngờ tôi duyên may phận lớn, được cụ tới cứu giúp”, còn cụ già lại đáp rằng “Nhờ bản tính nhà ngươi huyền minh, cho nên chúng không ăn thịt nổi”. Câu nói này của Thái Bạch Kim Tinh giúp chúng ta hiểu ra một đạo lý: Thì ra trên đường đi thỉnh kinh, Đường Tăng bao lần sa vào miệng cọp mà không chết, bao yêu quái muốn ăn thịt mà không ăn thịt nổi, bề mặt thì vì có đồ đệ tài phép, mà gốc rễ là vì bản tính huyền minh của chính ông. “Bản tính huyền minh” ấy phải chăng chính là tính bản thiện, cái tâm trong sáng, từ bi thuở ban sơ có trong mỗi con người? Phật tính ấy hễ còn thì con người còn được Trời cao bảo hộ, còn có cơ hội phản bổn quy chân.
Trong đoàn đi thỉnh kinh, Đường Tăng là đại diện cho những người tu luyện mà mọi công năng xuất ra đều bị khoá lại, không nhìn được không gian khác, cũng tức là “tu trong mê”. Vì tu trong mê nên chỉ có thể dựa vào Pháp lý để phân biệt chính – tà, dựa vào tín tâm kiên định để nhận được sự hộ trì của Thần Phật. Người tu trong mê là rất khó, sẽ có lúc va vấp, ví như Đường Tăng bị Bạch Cốt Tinh lừa, đuổi mất Ngộ Không đi, nên đoạn sau mới gặp nạn to ở nước Bảo Tượng. Tuy vậy, nhờ lòng thành hướng Phật trước sau không đổi, cuối cùng ông đều có thể biến nguy thành an, tu thành chính quả.
Có bài thơ rằng:
Vọng tưởng chẳng cần cưỡng diệt,
Chân như hà tất tìm cầu.
Trước tu tư tinh bản nguyên,
Mê ngộ nào chia sau trước.
Giác ngộ: phút giây thành chính quả,
Mê lầm: vạn kiếp vẫn trầm luân.
Nếu như ý nghĩ hợp bản chân,
Vô số tội kia đà diệt hết.
Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.