Khoảng 3000 năm trước, tại thành Tỳ Xá Ly của Ấn Độ cổ đại có một vị trưởng lão đức cao vọng trọng tên là Duy Ma Cật. 

Trưởng lão Duy Ma Cật (Vimalakirti) vốn là một thương gia giàu có ở thành Tỳ Xá Ly (Vaisali). Ông có biện tài, giỏi tranh luận và trí nhớ phi thường, hơn nữa còn là một người đầy bí ẩn. Không giống như những đại đệ tử của Ðức Phật Thích Ca vốn sống tách rời thế tục, Duy Ma Cật là cư sĩ tại gia và không chịu sự ràng buộc của giới luật. Cuộc sống của ông là hiện thân của tinh thần Ðại Thừa, bước ra khỏi phạm vi hạn hẹp của tu viện và không ngại hòa nhập vào xã hội đời thường.

Duy Ma Cật am hiểu thần thông, có thiên nhãn kỳ diệu, từng thuyết giải nhiều nội dung quan trọng của thiền định và giới luật, đồng thời cũng am hiểu chân lý của “Không”, hơn nữa có thể diễn đạt Pháp lý bằng những ngôn từ phù hợp nhất, khải thị những điều mà đệ tử của Đức Phật Thích Ca không ngộ tới được. 

“Bệnh của chúng sinh là bệnh của tôi”

Một ngày nọ, trưởng lão Duy Ma Cật bất ngờ mắc bệnh nặng. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đến thăm viếng và hỏi ông: “Chẳng phải ngài tu hành rất thành công hay sao? Người tu hành đắc Đạo sao có thể mắc bệnh được?”.

Duy Ma Cật nghe vậy bèn đáp: “Bệnh này của tôi đã có từ rất lâu rồi. Nguyên nhân gây bệnh là từ chấp trước vào tình yêu thương, từ tình yêu đó mà sản sinh khổ nạn, khổ nạn của chúng sinh trở thành bệnh của tôi. Nếu có một ngày chúng sinh thoát khỏi khỏi khổ nạn, thì bệnh của tôi có thể lành”.

Văn Thù Sư Lợi nghe những lời này thì đột nhiên có sở ngộ, ông say mê nghe trưởng lão Duy Ma Cật giảng về hàm nghĩa của “Không” và “Bất nhị pháp môn”. Văn Thù Sư Lợi đang muốn truy tìm những đạo lý cao thâm hơn thì Duy Ma Cật bỗng nhiên trầm ngâm không nói gì nữa. Tại thời khắc tĩnh lặng đó, Văn Thù Sư Lợi bỗng ngộ được Phật lý, trong chớp mắt Trời giáng trận mưa hoa.

Đây là câu chuyện được ghi chép trong Kinh Duy Ma Cật. Đoạn đối thoại trên khiến người đọc vô cùng xúc động, cảm nhận được tâm từ bi “xả kỷ vị nhân” (hy sinh mình vì mọi người) của người tu luyện. Rất nhiều nhân sĩ sau này với lòng kính ngưỡng vô cùng đã cầm bút vẽ chân dung Bồ Tát Duy Ma Cật, trong đó có danh họa Cố Khải Chi. 

Cố Khải Chi

Cố Khải Chi là người Vô Tích ở vùng Tấn Lăng, Đông Tấn (nay thuộc Giang Tô, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình sĩ tộc. Ông có nhiều tài nghệ, rất giỏi về thư pháp, đặc biệt tinh thông hội họa, được người đời ca ngợi là có “tam tuyệt”: Tài tuyệt, họa tuyệt, si tuyệt. Ông cùng Tào Bất Hưng, Lục Tham Vi, và Trương Tăng Diêu hợp làm “Lục Triều tứ đại gia”.

Hậu nhân ca ngợi những bức tranh của ông là: “Ý tồn bút tiên, họa tẫn ý tại” (ý tồn tại trong nét bút, bức họa vừa ra đã có ý ở đó), “Bút tích chu mật, khẩn kính liên miên như xuân tàm thổ ti” (nét bút tỉ mỉ chặt chẽ, mạnh mẽ như tằm phun tơ).

Một phần bức Liệt nữ đồ – Cố Khải Chi (nguồn: Wikipedia).

Theo “Thế thuyết tân ngữ – Xảo nghệ”, khi vẽ chân dung cho danh sĩ Bùi Khải, Cố Khải Chi cố ý họa trên gò má ba sợi lông. Có người hỏi ông tại sao lại vẽ như vậy, ông nói: “Bùi giai tuấn tú cởi mở, rất có tài trí, vẽ thế này mới thể hiện được tài trí ấy”. Những người xem tranh đều cẩn thận nhìn lại, cảm giác ba chiếc lông này khiến bức chân dung trở nên sống động hơn rất nhiều.

Xuất thần nhập họa

Năm Hưng Ninh thứ hai đời Đông Tấn, khi Cố Khải Chi vẫn là chàng thanh niên chưa thành danh, một lần nghe nói thành Kim Lăng đang quyên tiền để xây dựng chùa Ngõa Quan, mà các đại quan của thành Kim Lăng không vị nào nguyện ý quyên góp số tiền lớn, Cố Khải Chi thấy vậy liền phát nguyện quyên tặng số tiền đó. Ông tìm đến hòa thượng trụ trì và nói: “Xin hòa thượng chuẩn bị một bức tường để con vẽ tranh”. Sau đó Cố Khải Chi đóng cửa một tháng không ra ngoài, chuyên tâm vẽ tranh.

Cố Khải Chi cho rằng trước khi vẽ cần phải hiểu rõ tư tưởng và tính cách của nhân vật mới có thể vẽ được thần thái, mà bức tranh quan trọng nhất là thần thái. Vẽ ra được thần thái sống động chính là bước quan trọng nhất trong hội họa, gọi là “vẽ rồng điểm mắt”. Điểm mắt thì không thể tùy tiện được, vì chỉ một nét vẽ cũng có thể quyết định bức chân dung có hồn hay không. Do đó, công đoạn điểm mắt luôn được vẽ cuối cùng, hoặc là cách thời gian khá lâu rồi mới vẽ, mỗi lần đều rất cẩn trọng, bởi nếu vẽ không tốt sẽ làm hỏng cả bức tranh. Bức chân dung Bồ Tát Duy Ma Cật lần này càng phải thận trọng hơn nữa. 

Trong đoạn kinh Duy Ma Cật nói trên, đối với Phật lý mà trưởng giả Duy Ma Cật giảng thì Cố Khải Chi cũng tự thân lĩnh hội, ông tin rằng mình sẽ “điểm mắt” cho bức tranh này một cách sống động. Sau khi hoàn thành, ông nói với hòa thượng trụ trì: “Xin Thầy thông báo với dân chúng rằng, nếu ai muốn chiêm ngưỡng tượng Bồ Tát Duy Ma Cật thì ngày thứ nhất phải cúng dường 10 vạn lượng, ngày thứ hai là 5 vạn lượng, ngày thứ ba thì tùy tâm cúng dường”. Như thế, người nọ truyền người kia, mọi người đua nhau đến chiêm ngưỡng, chùa Ngõa Quan đã rất nhanh chóng có được 100 vạn đồng. Từ đó, danh tiếng của Cố Khải Chi ngày càng được lan truyền. Bức tranh Duy Ma Cật quả thực là ngàn vàng khó đổi, nhưng điều trân quý hơn chính là cái tâm hướng Phật của người họa sĩ. 

Một phần bức tranh “Duy Ma diễn giáo đồ” của Lý Công Lân đời Tống (Nguồn: Wikimedia)

Mặc dù bức tranh nguyên gốc đã không còn, nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được thần thái bức tranh qua nét bút của đại danh hào Đỗ Phủ đời Đường:

Khán họa tằng cơ khát
Truy tông hận miểu mang
Hổ đầu Kim Túc ảnh
Thần diệu độc nan vong

Tạm dịch:

Ngắm tranh lòng những khát khao
Ngày nay nhớ lại xiết bao bàng hoàng
Kim Túc Phật tướng nghiêm trang
Thần diệu rực rỡ ánh vàng khó quên

Trong lịch sử, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đều được trưng bày trong các điện đường tín ngưỡng. Ví dụ như tượng điêu khắc trong đền thờ Thần Parthenon sống động như thật khiến người ta kinh ngạc mà tán thán. Hoặc những bức tranh khảm vàng trong các giáo đường châu Âu, ánh sáng từ khe hở của các bức họa màu chiếu rọi như Thánh quang phổ chiếu. Hay như bức tượng Phật hùng vĩ ở hang đá Đôn Hoàng, dung mạo trang nghiêm của Phật khiến mọi người khắp nơi đến tham bái, lòng thành kính của người thợ tạc tượng đã khắc sâu vào trong tác phẩm, mặc cho bao năm tháng đổi thay. 

Ở phương Đông và phương Tây thời cổ đại, rất nhiều danh họa có tài năng thiên phú, họ dùng tài năng kiệt xuất của bản thân để hồi đáp Thần, ca tụng Thần, hoàn toàn không mưu cầu lợi ích hoặc danh vọng cá nhân. Với tấm lòng thành kính vô tư, họ đã sáng tạo nên những kiệt tác bất hủ, trường tồn với thời gian.

Theo Hạ Cầm, Shenyun
Kiên Định biên dịch

Video: Vì sao nói đến thời mạt Pháp, đắc Chính Pháp còn khó hơn lên trời?

videoinfo__video3.dkn.tv||97a1f6ac8__

Có thể bạn quan tâm: