Tóm tắt bài viết

Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, họ đã chép lại rất tỉ mỉ phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị

Samuel Baron sinh ra ở Đông Kinh (tên gọi của Hà Nội thời Lê – Trịnh) vào khoảng giữa thế kỷ 17. Ông là con của một thương nhân người Hà Lan và một phụ nữ Việt, từng có một thời gian dài lưu trú ở xứ Đàng Ngoài. Baron cũng là tác giả của một cuốn sách có tên “Description du Tonquin” (Mô tả xứ Bắc Kỳ) in năm 1685. Những nghi thức thiết triều của vúa chúa Việt Nam được Baron ghi lại lúc ông lưu trú tại Đông Kinh vào thế kỷ 17. 

Vua Lê thiết triều những hôm mồng năm và rằm mỗi tháng nguyệt lịch để các quan bận áo tím hoặc lam, đội mão vải vào bái vọng. Chúa Trịnh cũng bận triều phục ngồi cách chỗ các quan khá xa, tại một chỗ ai cũng ngó thấy ngài rõ, có quân thị vệ mang binh khí đứng hầu trong sân điện. Các quan có sớ tấu dâng lên chúa thì quỳ xuống trình, đã có bọn quan thị đến lấy dâng lên, chúa có truyền điều gì thì cũng lại truyền cho bọn quan thị để bọn này truyền xuống…

(Ảnh minh hoạ: Internet)
Quan thị vệ cầm sớ dâng lên Chúa, xong rồi thì truyền xuống dưới. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Những việc quan trọng đã giao cho xét trước bên điện vua, lúc ấy mới đem để chúa duyệt. Vì chúa ít sang chầu, có khi một tháng không được một lần, nên vua Lê ủy các quan triều phải sang bên phủ chúa để trình những việc đã xét bên điện vua và để chúa cũng quyết định như vua. Chúa rất khoan hồng đối với các quan, có lòng thương, có phạm lỗi thì phạt tiền giáng chức, thuyên chức hay phát vãng, chỉ tàn sát khi họ phản bội thôi.

Ai có xin điều gì hộ thân quyến hay bằng hữu mắc tội thì đến trước mặt chúa bỏ mão ra, quỳ lạy bốn lạy rồi mới nói. Chừng tám giờ thì chúa bãi chầu, các quan về cả chỉ trừ viên trưởng vệ và các nội thị. Bọn nội thị này hồi còn trẻ làm các việc ti tiện, được quyền cùng với nữ tì vào ra trong cung thất các bà phi. Họ là một tai họa của nhân gian, ăn bám vào chúa, làm hư chúa nhưng là tay gián điệp cho chúa. Họ chừng bốn, năm trăm người, kiêu căng hãnh diện, làm lắm chuyện phi lý nên có kẻ sợ, ghét và thù. Chúa tin họ lắm, bàn cả việc nước và việc riêng với họ. Tuyển vào phủ chúa được bảy tám năm làm những việc hèn hạ rồi họ được bổ dần dần vào những chức cai trị, được cầm giữ một trấn, làm thiệt cho các võ quan và các cống sĩ.

Phủ liêu ở chính giữa Kẻ Chợ. Phủ rộng lắm, chung quanh có tường. Trong phủ và ngoài phủ có nhiều nhà thấp nhỏ cho quan ở. Đó là những nhà xây phía trong phủ có hai tầng và nhiều cửa. Cửa to và đồ sộ, bằng gỗ lim cũng như trong cung điện vua, nhưng tư thất và phòng các bà phi đều to tát, sơn son, thếp vàng. Trước phủ có chuồng voi, chuồng ngựa; phía sau phủ có vườn, cây, đường đi, lầu nhỏ, ao thả cá để chúa họa hoằn có ra câu hay giải trí, tuy chúa ít vi hành lắm.

(Ảnh minh hoạ: Internet)
Phủ chúa Trịnh rất rộng, có lầu nhỏ-ao cá để Chúa thưởng ngoạn. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Vài quan thị có kỳ tài, trong số đó có 3 ông già Tu Lea (chưa kiếm ra tên thật của mấy vị này), Ta Fae Bay và How Fac Tack. Các ông này tính tình phong nhã làm cho người nước ngoài yêu mến xứ này.

Ông How Fac Tack, trấn giữ phố Hiến, một trấn to nhất trong xứ; thống lĩnh thủy quân và đứng đầu về ngoại giao; ông dùng binh giỏi, cai trị khéo, xử kiện công bằng; ông đáng khâm phục, đáng làm thẹn người nào khi đã làm chức lớn mà không biết giữ lòng cao khiết, tự trọng.

Ông Tu Lea có tiếng là thông minh, được thiên hạ chú ý vì ông lên rất nhanh và chết rất bi thảm. Chuyện ông như thế này: Lúc họ Trịnh mới lên cầm quyền, chúa Trịnh ước mong được một người có tài lương đống để ủy thác cho một phần nhiệm vụ. Một đêm chúa nằm mộng Thần nhân báo là hôm sau sẽ gặp được hiền thần. Đến sáng hôm sau thì ông già Tu Lea có việc vào chầu và khuôn mặt, cử chỉ, dáng dấp đều giống hệt người trong mộng.

(Ảnh minh hoạ: Internet)
Ông Tu Lea có dáng dấp giống y chang người trong mộng mà Chúa Trịnh mơ thấy. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Chúa cho vời ông lên và nhận thấy ông khôn khéo, am hiểu những bí mật nghề cai trị. Chúa thu dùng ông ngay và chẳng bao lâu danh vọng ông chẳng kém gì chúa, có khi hơn nữa vì ông nói được nhiều người nghe, người xu phụng, người sợ. Tôi không hiểu vì sao, một đêm ông vô ra phủ chúa, vì ông có ý muốn truất chúa để lên thay (?) hoặc vì chúa có lòng ngờ, mà ông bị bốn con ngựa phanh thây, thân thể tứ chi bị băm vằm rồi đốt ra tro vứt xuống sông.

Tuyên thệ trung thành

Mỗi năm vào cuối tháng chạp các quan văn võ đều tuyên thệ lòng trung thành với vua Lê – chúa Trịnh, không giấu một cuộc phản bội, một cuộc âm mưu nào, nếu trái lời xin chịu hình phạt.

(Ảnh minh hoạ: Internet)
Lễ tuyên thệ trung thành. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Các quan cũng bắt vợ con và tôi tớ thề với mình như thế. Ai tố cáo ra một vụ làm phản được những 30 đồng và được bổ vào một chức nhỏ. Một năm gọi lính một lần. Ai cao lớn thì xung vào quân thị vệ của chúa; những người vừa được tuyển vào các ngạch tùy sự cần dùng. Học trò và những người có nghề nghiệp thì được miễn. Tôi không biết lính đào ngũ phải tội gì; vì theo tôi ở đây không có tội giảo nhưng có tội trảm cho thường nhân; thân thích vua mới bị thắt cổ.

Họ không tin dùng người ngoại quốc, cho rằng không giỏi bằng họ. Nhưng khi ở Xiêm về, tôi được hỏi về tình hình xứ này và xứ Đàng Trong. Họ hỏi tôi xem thuyền có chở được quân lính đi biển không, tôi thưa rằng có. Chúa hỏi tôi nếu chúa giao cho tôi hai ba trăm quân để đánh Nam Hà thì tôi có chịu không? Tôi trả lời vốn dĩ là thương gia nên không có tài cầm quân và không giúp chúa về việc ấy được. Từ chối như thế rất tiện cho tôi lúc ấy nhưng rất hại cho tôi sau này khi bị người Tàu vu cáo.

Nguyễn Trọng Phấn (dịch)

Xem thêm: