Tóm tắt bài viết
Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...) bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng lũ lượt vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, các giáo sĩ, thương nhân đã ghi chép rất tỉ mỉ về phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Jean Baptiste Tavernier (1605 – 1689) là một thương nhân buôn ngọc người Pháp, đã từng tự bỏ tiền ra chu du hơn 120.000 dặm vòng quanh thế giới. Giữa những năm 1630 – 1668, ông đã thực hiện 6 chuyến du hành đến Ba Tư và Ấn Độ. Khi đang buôn bán ở Ấn Độ, Tavernier có nhiều dịp được giao lưu với người Việt ở Đàng Ngoài. Nghe những lời kể của họ, đồng thời khai thác tư liệu riêng, ông đã có cho mình những ghi chép rất tỉ mỉ sau này được tập hợp lại trong cuốn “Sáu cuộc hành trình”, xuất bản năm 1675. Dưới đây là những ghi chép của ông về lễ tang của vua nhà Lê ở Đàng Ngoài khi ấy.
Tuy đức vua nhà Lê thời này không có uy quyền và tất cả thế lực đều vào tay chúa Trịnh, ngài vẫn được thần dân tôn trọng và triều đình vẫn được rực rỡ oai nghi. Ngày rằm và mùng một, các đình thần bận triều phục vào lễ vua. Chúa Trịnh trước kia cũng phải vào dự lễ bái vua, nhưng dần dần ngài đã biết cách xin miễn và cử một người khác đi thay! Vào chầu vua, quan phải bận phẩm phục màu tím, quân đi hầu cũng phải mặc áo đồng màu.
Mỗi năm vào dịp Tết Trung nguyên, vua ban thưởng cho các đình thần và con cháu các vị công thần vàng bạc; phóng xá cho tội nhân.
Bao giờ cũng vậy, cứ đến ba ngày cuối năm, bốn mươi quan đại thần đi bắt các quan cao thấp văn lẫn võ tuyên thệ lúc nào cũng trung thành với đức vua và nếu biết có cuộc âm mưu hại đến long thể, đến cuộc trị nguy của quốc gia thì phải đi tố cáo. Nếu kẻ đi báo đã làm quan thì đức vua có ban thưởng hay không là tùy ý, nếu là dân dã thì được thưởng năm mươi lạng vàng và năm trăm lạng bạc.
Đám tang nhà vua
Khi vua băng hà thì người ta đem ướp tử thi ngài ngay và đặt lên long sàng. Trong sáu mươi lăm ngày dân chúng được phép chiêm ngưỡng. Vẫn hầu hạ, dâng cơm như khi ngài còn sống; cơm cúng xong thì một nửa đem biếu các sư và một nửa đem bố thí cho người nghèo đói.
Khi ngài vừa tắt nghỉ thì chúa Trịnh báo tin ngay cho các quan đầu các đạo và định thời hạn để tang là bao lâu: thường thường thì quan võ và quan văn ba năm; tôn thất sáu tháng; triều thần sáu tháng và dân sự ba tháng. Trong ba năm để tang vua, bỏ hết các cuộc vui trừ lễ đăng quang tân quân.
Những món ăn dâng vua mới đều đựng trong đĩa phủ sơn đen; vua cạo đầu và đội mũ gai. Các hoàng thân và bốn mươi quan đại thần cũng để tang như vậy đến khi nào rước linh cữu xuống thuyền đem đi an táng một nơi đã định mới thôi. Ba quả chuông đặt trên một ngọn tháp cũng đánh mãi đến khi linh cữu rước xuống thuyền.
Hôm tam nhật, các quan mới được vào làm ai điếu tiên vương và từ hôm thứ mười giở đi dân sự mới được vào chiêm bái. Trong thời hạn sáu mươi lăm ngày này, chúa Trịnh sửa soạn tang lễ; vì lễ càng rực rỡ bao nhiêu chúa càng được tiếng bấy nhiêu.
Từ cung ra đến bến đậu thuyền chở linh cữu, đi mất hai ngày đường và đường che vải tím là màu của vua. Nhưng cũng con đường này đám tang đi về mất những mười sáu ngày. Cứ cách một phần tư dặm lại có dựng một cái quán có chứa nước uống và dựng bếp để hút thuốc. Lúc vua mới trở về thì số vải nói trên được cuộn lại và đem về phân phát cho các nhà sư.
Đám tang đi theo thứ tự như sau: Hai người đi đầu là cấm binh vẫn canh gác cửa cung hai tay cầm hai cái chùy; chùy chứa đầy pháo bông; đi trước hô tên vua lên. Mười hai người đi sau là mười hai người đầu trong bọn thủy binh kéo linh xa trên có viết tên tiên vương.
tiêRồi đến một đoàn mười hai con voi: bốn con đầu, có bốn người cưỡi tay cầm cờ của vua; bốn con sau có đóng bành; mỗi con mang sáu người vác súng hoặc cầm hỏa thương, bốn con cuối mang bốn cái hòm; hai hòm đầu thì bịt kín mặt đàng trước và hai bên đều lồng kính; hai hòm sau thì có sáu mặt và bịt lưới thép hoặc cửa kính.
Tiếp vào đấy là một quan Đại tư mã cưỡi ngựa, theo sau có hai quan hầu cũng ngồi ngựa. Liền đấy có sáu cặp ngựa không người cưỡi, nhưng mỗi con có một quan vệ úy kèm giữ. Sáu con ngựa đầu yên cương rất quý giá, hàm thiếc và các vật dụng kim khí ở yên cương đều bằng vàng, yên thêu chỉ vàng; sáu con sau yên cương cũng nạm vàng.
Đoạn thứ năm là xe linh cữu vua có tám con hươu đã luyện thuần thục kéo; mỗi con có một quan vệ úy đi kèm giữ. Tân vương đi theo sau linh cữu, bận sa tanh trắng, đầu đội mũ rơm; các vương đệ cũng vậy. Chung quanh có phường bát âm.
Sau các vương tử là các phi tần, công chúa bận sa tanh trắng, có các mệnh phụ thể nữ theo hầu bận màu tím. Chung quanh lại có phường bát âm. Rồi đến các thân vương mặc áo tím, mũ rơm; bốn quan tổng trấn vai vác gậy quàng một cái túi vàng là tiền các trấn đem về dâng liệu để tiêu dùng dưới hoàng tuyền.
Theo sau còn hai chiếc xe, mỗi xe tám ngựa kéo; trên mỗi xe có một hòm đầy vàng bạc và đồ quý giá để tiên đế đem sang chi dùng thế giới bên kia. Đi đoạn hậu là văn võ bách quan, một phần cưỡi ngựa, tùy theo chức phẩm.
Linh cữu ra đến bến Bồ Đề thì khiêng xuống thuyền có sáu quan thái giám đi hộ tống, chở đến chôn tại một nơi rất kín. Các quan thái giám phải thề là giữ kín không cho ai biết chỗ lăng vua; một lẽ vì sợ có kẻ đến đào trộm lấy bạc vàng gấm vóc chôn theo nhiều lắm, nói là để tiên đế dùng.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
Xem thêm: